23/03/2023 - 12:41

Hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế 

Bài, ảnh: TÂM KHOA

Hệ thống chính trị xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, đã tích cực hỗ trợ đoàn viên, hội viên, nhân dân phát triển kinh tế; đồng thời, chăm lo tốt an sinh xã hội. Nhờ đó, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, số hộ nghèo giảm qua từng năm. Năm 2019, toàn xã có 27 hộ nghèo; đến nay, xã chỉ còn 2 hộ nghèo.

Cán bộ Khối Dân vận, Mặt trận xã Đông Thắng tham quan tìm hiểu tình hình sản xuất của thành viên Chi hội NDNN trồng cây ăn trái Xuân Trường.

Cán bộ Khối Dân vận, Mặt trận xã Đông Thắng tham quan tìm hiểu tình hình sản xuất của thành viên Chi hội NDNN trồng cây ăn trái Xuân Trường.

Chúng tôi cùng cán bộ Khối Dân vận tham quan một số mô hình kinh tế hiệu quả do Khối xây dựng, thu hút nhiều hội viên, đoàn viên tham gia. Trong đó, có mô hình Chi hội Nông dân nghề nghiệp (NDNN) trồng cây ăn trái Xuân Trường ở ấp Thới Hiệp. Theo ông Huỳnh Thanh Dương, Chủ tịch Hội Nông dân xã, Chi hội có 17 thành viên, diện tích canh tác 7,48ha. Đa số thành viên đều chuyển từ diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái chuyên canh: mít nghệ Thanh Sơn, sầu riêng Ri 6, xoài Đài Loan xanh, nhãn… Anh Lê Văn Tự, Chi hội trưởng Chi hội NDNN cây ăn trái Xuân Trường, nói: “Anh em sinh hoạt định kỳ mỗi quý một lần để chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái, tìm đầu ra cho sản phẩm. Các thành viên có nhu cầu vốn, cũng được quan tâm hỗ trợ kịp thời. Tôi hiện trồng 2 công mít ruột đỏ, với khoảng 100 gốc mít đang cho trái chiếng. Trong thời gian chờ mít lớn, 2 năm nay tôi trồng mướp để “lấy ngắn nuôi dài”. Trung bình, mỗi năm tôi thu hoạch 2 đợt mướp, trừ chi phí, thu lời khoảng 40 triệu đồng/năm. Riêng mít nghệ Thanh Sơn, được một công ty ký hợp đồng bao tiêu với mức giá đảm bảo lãi ít nhất mỗi công khoảng 50 triệu đồng/năm”.

Anh Võ Văn Sú, thành viên Chi hội NDNN trồng cây ăn trái Xuân Trường, nói: “Trước kia, tôi cũng canh tác lúa trên diện tích 5.000m2, làm ruộng chỉ đủ ăn chứ không có dư. Hơn 5 năm nay, tôi chuyển sang trồng sầu riêng, được Hội Nông dân tạo điều kiện về vốn vay, cũng như tham gia các đợt tham quan, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trồng chăm sóc cây sầu riêng. Năm trước, cây vừa cho trái chiếng, thu nhập khoảng 50 triệu đồng/công. Năm nay, sản lượng sầu riêng tăng, giá cả cũng khá cao, tôi ước tính sau khi trừ chi phí, 5 công sầu riêng mang về lợi nhuận cho gia đình tầm 600 triệu đồng/năm”.

Với những hiệu quả bước đầu, năm 2022 mô hình Chi hội NDNN trồng cây ăn trái Xuân Trường được khen thưởng là mô hình “Dân vận khéo” cấp xã và đang được tiếp tục nâng chất, nhân rộng năm 2023. Ông Huỳnh Thanh Dương cho biết: “Hội Nông dân xã phối hợp UBND xã và Liên minh Hợp tác xã TP Cần Thơ đang hoàn tất hồ sơ thủ tục thành lập hợp tác xã từ Chi hội NDNN này. Dự kiến, hợp tác xã sẽ chính thức ra mắt ngày 14-4-2023, với tên gọi Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ Xuân Trường”.

Theo ông Mai Thanh Sơn, Trưởng Khối Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Đông Thắng, đầu năm 2019 toàn xã có 27 hộ nghèo. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giúp người dân nâng cao mức sống, góp phần xây dựng xã Đông Thắng đạt nông thôn mới nâng cao, Đảng ủy chỉ đạo UBND, Khối Dân vận và các đoàn thể giúp đoàn viên, hội viên và nhân dân xây dựng mô hình hiệu quả; chú trọng tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 31 tỉ đồng để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, mua bán nhỏ. Đồng thời, huy động tối đa các nguồn vận động xã hội hóa để chăm lo an sinh xã hội. Từ năm 2020 tới nay, toàn xã xây dựng mới 10 căn nhà Đại đoàn kết, nhà Tình đồng đội, nhà tình thương, với tổng trị giá hơn 600 triệu đồng, giúp các hộ gia đình ổn định cuộc sống… Gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh ở ấp Thới Hiệp 2, không đất sản xuất, có 2 con nhỏ, thuộc diện hộ cận nghèo. Căn nhà cũ lụp xụp nhưng chưa có điều kiện xây dựng hay sửa chữa. Chị Hạnh nói: “Năm 2021, gia đình được xét tặng căn nhà Đại đoàn kết 50 triệu đồng. Hai con tôi đi học được các đoàn thể tặng tập, học bổng. Ngoài ra, tôi còn được hỗ trợ vay vốn chăn nuôi heo sinh sản. Chồng tôi hiện làm nhân viên tiếp thị, thu nhập ổn định. Kinh tế gia đình hiện đã khởi sắc. Tôi rất cảm ơn sự quan tâm giúp đỡ của địa phương”.

Từ nhiều giải pháp hỗ trợ hiệu quả, nhiều hộ vượt khó vươn lên thoát nghèo, nâng cao mức sống. Giai đoạn 2019-2022, xã có 25 hộ thoát nghèo. Hiện nay, xã chỉ còn 2 hộ nghèo là người già, mất sức lao động, không còn khả năng thoát nghèo.

Chia sẻ bài viết