11/12/2016 - 16:58

Hỗ trợ doanh nghiệp đường hướng phát triển

Quản trị tốt sẽ giúp doanh nghiệp (DN) thành công. Song, trong quá trình xây dựng chiến lược kinh doanh, nhiều DN gặp rất nhiều khó khăn do năng lực quản trị kém. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng, tồn tại và phát triển là câu hỏi khó đặt ra cho những người chủ DN. Các chuyên gia cho rằng, chủ DN cần thay đổi tư duy lãnh đạo để cạnh tranh và phát triển bền vững, nhưng để làm được điều này cần thời gian. DN rất cần sự hỗ trợ đường hướng phát triển từ chính sách vĩ mô, cơ chế của địa phương và sự trợ lực của các hiệp hội.

Nâng cao năng lực quản trị

TP Cần Thơ hiện có khoảng 11.500 DN đang hoạt động, vốn đăng ký 99.900 tỉ đồng; trong đó DN có vốn điều lệ dưới 10 tỉ đồng chiếm 95%. Hằng năm, các DN đóng góp khoảng 45% GDP của thành phố. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, trong 11 tháng năm 2016 đã cấp mới đăng ký kinh doanh cho 1.139 DN các loại hình, với tổng vốn đăng ký 4.872,4 tỉ đồng (tăng 12,8% về số DN và tăng 46,2% về số vốn đăng ký so cùng kỳ năm trước). Đồng thời, giải thể 82 DN các loại hình với tổng vốn 404,4 tỉ đồng (tăng 12,3% về số DN và giảm 15,9% về số vốn)... Trong thời gian dài, DN Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung chịu tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới (từ năm 2008) kéo dài. Sự phục hồi của DN và số DN khởi sự kinh doanh tăng là tín hiệu tích cực đối với sự phát triển của thành phố. Tuy nhiên, theo đánh giá của các sở, ngành chuyên môn của thành phố, trong 11 tháng năm 2016; sản xuất công nghiệp, thương mại nội địa, du lịch tăng trưởng khá cao so cùng kỳ; sản xuất nông nghiệp phục hồi dần, nhưng vẫn chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng của thành phố. DN gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu và chất lượng sản phẩm chưa cao nên chưa đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính. Do đó, DN rất cần sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các hiệp hội ngành nghề để phát triển vững chắc hơn.

Doanh nghiệp ĐBSCL tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại một hội chợ được tổ chức tại TP Cần Thơ gần đây. Ảnh: ANH KHOA

Thời gian qua, để hỗ trợ cho cộng đồng DN thành phố, lãnh đạo thành phố cùng các sở, ngành chức năng đã tăng cường hoạt động đối thoại với DN, đồng hành cùng DN giải quyết khó khăn, xúc tiến thị trường… Cùng đó, Hiệp hội DN TP Cần Thơ (CBA) đã tổ chức nhiều hội thảo, các khóa học, tập huấn kiến thức chuyên sâu cho DN. Những kiến thức về quản trị, công cụ hỗ trợ DN trong quản lý và hoạt động kinh doanh; kỹ năng giao tiếp, bán hàng; quản trị sự thay đổi… đã giúp các DN hội viên CBA hiểu rõ hơn về ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng kế hoạch kinh doanh hằng năm. DN có thể dự báo lời lỗ, dòng tiền, xây dựng chính sách giá bán, điểm hòa vốn và hiệu quả kinh doanh cho các năm tiếp theo. Giải pháp quản lý và chăm sóc khách hàng nhằm tăng doanh thu… Đồng thời, đề ra chính sách tiền lương, thưởng để thúc đẩy phát triển nhân sự, tăng năng suất lao động và giữ chân nhân tài.

Bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký CBA, khẳng định: "Các khóa học do CBA tổ chức, chúng tôi đều có đánh giá cuối khóa để ghi nhận những ý kiến nhận xét của học viên. Đặc biệt chương trình đào tạo nằm trong dự án "Thay đổi tư duy lãnh đạo của Doanh nghiệp nhỏ và vừa để cạnh tranh và phát triển bền vững" do The Asia Foundation tài trợ bằng ngân sách của Chính phủ Úc, chúng tôi có khảo sát kết quả của chương trình. Qua các bảng ý kiến đánh giá của học viên và kết quả khảo sát dự án, DN tham gia đánh giá các khóa học rất thiết thực, bổ ích, mang đến nhiều kiến thức chuyên môn cao, giúp thay đổi tư duy, có cái nhìn mới hơn trong quản lý DN". Các hội thảo, khóa học do CBA tổ chức, trung bình thu hút khoảng 50-70 DN tham dự/đợt. Theo bà Thuận, những lãnh đạo DN dự các khóa học của CBA, một số học viên đã áp dụng vào  việc xây dựng quy trình làm việc chuẩn cho các phòng ban, trong tuyển dụng, đào tạo. Nhiều học viên đã thực hiện phân tích tài chính, dựa vào số liệu tài chính để giải quyết các vấn đề, áp dụng và xây dụng công cụ quản lý như: balance scorecard, Qui trình SWOT. Các học viên cũng xác định được tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược kinh doanh trong phát triển DN bền vững.

Xây nền móng DN

Theo nhận định của lãnh đạo nhiều DN tham dự các hội thảo, khóa học do CBA tổ chức, những nội dung mà CBA mang đến cho DN khá thiết thực, gần với hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Từ đó, giúp DN có đường hướng phát triển tốt hơn; đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Mới đây, trong hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo hơn 50 DN trên địa bàn TP Cần Thơ, ông Vũ Hữu Kiên, Giảng viên cao cấp Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã chia sẻ những giải pháp quản trị giúp DN thành công. Điểm nhấn đó là quản trị sự liêm chính trong DN. "Sự dối trá của nhân viên trong DN xuất phát từ một nguyên do: lười biếng, ích kỷ, tham lam, đố kỵ, lệch lạc về lý tưởng và quan điểm sống. Nếu chủ DN tin tưởng vào những lời dối trá của người làm ít muốn hưởng nhiều và hay xoi mói người khác thì sẽ mất nhân tài của DN. Thực tế, trong DN có trường hợp người làm được việc thường bị mắc lỗi, bởi nhân viên không trung thực, năng lực kém hay xoi mói họ vì sự đố kỵ. Sự dối trá không chỉ gây thiệt hại về tiền bạc, thời gian, uy tín, hình ảnh mà còn làm sụp đổ văn hóa DN"- ông Vũ Hữu Kiên phân tích. Một nhân viên dối trá, năng lực kém sẽ lấy cắp thời gian, ăn bớt công đoạn, biển thủ vật chất, báo cáo sai, tung tin thất thiệt, thiên vị cá nhân, hứa hão, viện cớ… trong quá trình làm việc tại DN. Nếu chủ DN tin nhân viên dối trá sẽ dẫn đến hệ lụy là sản phẩm sản xuất không thực hiện đúng kỹ thuật, quy trình; trong DN không ai tin ai, phân loại nhân viên sai; bất mãn, mất đoàn kết; khách hàng bỏ DN… Do đó, chủ DN phải hiểu rõ năng lực từng nhân viên, khen thưởng nhân viên làm tốt, loại bỏ những nhân viên dối trá để xây dựng văn hóa DN. Đây là việc làm cực kỳ quan trọng đối với DN, văn hóa kinh doanh là yếu tố quan trọng quyết định sự thành- bại của DN trên thương trường.

Hội nhập kinh tế quốc tế thời gian qua, tại thị trường Việt Nam đã có rất nhiều thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) giữa DN vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN Việt Nam. Điểm kém của DN Việt là vốn, năng lực quản trị thua xa DN FDI nên nếu không củng cố nền móng DN tốt sẽ khó tồn tại và cạnh tranh trong thị trường mua chung, bán chung. Theo bà Nguyễn Mỹ Thuận, mọi chuyện đều có thể diễn ra trong kinh tế thị trường. "Tôi nghĩ nếu tự bản thân mình không đủ nội lực để tồn tại thì M&A cũng là điều hiển nhiên. Vấn đề quan trọng là cần tính toán như thế nào để có lợi cho mình. DN FDI có vốn, có sản phẩm chất lượng, có kinh nghiệm thương trường, nhưng con người là của ta với những đặc thù văn hóa và nhu cầu mua sắm tiêu dùng, luật pháp  và các quy định của ta, cơ sở hạ tầng của ta thì các DN Việt Nam có lợi thế hơn. Theo quan sát của tôi, nếu các DN Việt Nam chuẩn bị tốt cho mình về quản trị, về thị trường, về vùng nguyên liệu thì các DN nước ngoài rất cần hợp tác để cùng kinh doanh. Vấn đề là DN Việt Nam cần chủ động nắm bắt cơ hội và nhanh tay chọn lựa đối tác cho mình"- bà Nguyễn Mỹ Thuận nói. Đơn cử, trong năm 2016, CBA đã tổ chức 5 cuộc  giao lưu kết nối cho 80 DN Hàn Quốc và 60 DN ở Cần Thơ và 2 tỉnh lân cận. Có một vài cuộc kết nối đạt được kết quả tích cực, phía công ty Việt Nam và Hàn Quốc đang thương lượng ráo riết và chuẩn bị ký kết thỏa thuận để kinh doanh. CBA vẫn đang tiếp tục công việc kết nối nầy để hỗ trợ các công ty Việt Nam trong  kinh doanh, không chỉ là nhập sản phẩm từ Hàn Quốc mà còn xuất khẩu sản phẩm sang Hàn Quốc cũng như trở thành đối tác chiến lược của công ty Hàn Quốc sau này. Nền tảng chắc, DN sẽ đủ sức cạnh tranh với DN FDI.

Song Nguyên

Chia sẻ bài viết