04/12/2023 - 09:19

Hiệu quả từ việc quản lý ô tô công tập trung 

Qua 5 năm triển khai thực hiện, tuy còn có những hạn chế cần khắc phục, nhưng Ðề án Thí điểm quản lý xe ô tô công tập trung đã giúp tỉnh Cà Mau tiết kiệm hàng tỉ đồng.

Tại Tổ điều hành xe luôn có tài xế trực để thực hiện nhiệm vụ.

Tinh giản bộ máy

Từ tháng 7-2018, Sở Tài chính tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện Ðề án Thí điểm quản lý xe ô tô công tập trung (đề án). Theo đó, ô tô của tất cả các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh của Cà Mau được đưa về Trung tâm Dịch vụ tài chính công quản lý, điều hành. Tổ điều hành xe đã được lập ra để phục vụ các đơn vị có nhu cầu. Ban đầu, các đơn vị liên hệ với Tổ điều hành qua điện thoại, Zalo và email để sử dụng xe. Năm 2022, phần mềm phục vụ nhu cầu đăng ký sử dụng ô tô công ra đời góp phần phục vụ tốt hơn.

Ông Huỳnh Thanh Thuyền, nhân viên Tổ điều hành xe, cho biết: “Ðơn vị nào có nhu cầu xe sẽ đăng ký lên phần mềm, Tổ điều hành cập nhật và phân công tài xế. Tài xế có trách nhiệm liên hệ lại để xác định thời gian, địa điểm rước cụ thể phục vụ chuyến công tác. Theo quy định, trường hợp gấp, trong khoảng 15 phút khi nhận thông báo phải có xe phục vụ. Còn lịch có kế hoạch trước thì thường cuối giờ chiều tài xế sẽ liên lạc lại để phục vụ chuyến đi công tác ngày hôm sau”.

Ðể đáp ứng tốt nhu cầu công tác của hơn 100 đơn vị có nhu cầu sử dụng xe công tập trung, các tài xế của Tổ điều hành được phân công thành 4 nhóm, trực theo tuần. Hằng ngày, tại Tổ điều hành - cũng là nơi tập trung ô tô, luôn có 2 nhân viên làm nhiệm vụ lái xe túc trực. Khi về làm việc ở Tổ điều hành, các lái xe cũng chủ động được thời gian trong làm nhiệm vụ. Tài xế Phạm Văn Thể chia sẻ: “Khi có chuyến đi công tác, Tổ điều hành điện thoại trước để sắp xếp thời gian nhằm phục vụ và hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Tiết kiệm tiền tỉ

Trước khi thực hiện thí điểm quản lý ô tô công tập trung, tổng số ô tô trang bị cho các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh của Cà Mau là 206 xe, đội ngũ lái xe có 109 người. Hằng năm, ngân sách bố trí gần 7 tỉ đồng mua sắm thay thế ô tô bị xuống cấp, hư hỏng. Khi đó, trung bình mỗi năm, 1 ô tô được điều động 65 lần, cá biệt có những trường hợp ô tô chỉ được điều động 5 lần/năm, gây lãng phí lớn.

Khi thực hiện Ðề án, ngoài những xe được giao về cấp huyện, Sở Tài chính tỉnh Cà Mau đã thanh lý 84 xe cũ. Hiện Tổ điều hành xe chỉ còn quản lý, sử dụng 60 xe, với 58 lái xe. Bình quân mỗi ngày, Tổ điều hành phục vụ 23-24 lượt xe. Trung bình mỗi năm có từ 7.000-8.000 lượt xe được điều động để phục vụ các đơn vị. Tổng thu từ hoạt động điều hành ô tô công 5 năm qua là 39 tỉ đồng, tiết kiệm ngân sách trên 9 tỉ đồng. Hiệu quả dễ thấy của Ðề án là góp phần giảm số lượng người làm việc trong khâu quản lý, vận hành xe tại các cơ quan, đơn vị; giảm đáng kể chi phí để bảo hành, bảo dưỡng xe. Bên cạnh đó, giúp khai thác triệt để số lượng ô tô công hiện có, đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn, sử dụng đúng mục đích.

Ông Nguyễn Quốc Nhã, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ tài chính công tỉnh Cà Mau, cho biết: Trước đây các đơn vị thường chỉ có xe 4-7 chỗ nên khi có nhu cầu đi công tác theo đoàn, hay đi dài ngày, thường không đáp ứng được, phải thuê hoặc mượn xe của cơ quan khác. Dù trong trường hợp nào cũng sẽ làm tăng chi phí. Trung tâm đang quản lý đủ các loại xe từ 4-29 chỗ, tùy nhu cầu của các đơn vị, sẽ điều xe phù hợp. Ðặc biệt, định mức thu sử dụng xe cũng rẻ hơn nhiều nên tiết kiệm, giảm chi phí rất lớn.

“Xe 4-5 chỗ sẽ thu 5.500 đồng/km; xe 7 chỗ: 5.900 đồng/km; xe trên 9 chỗ: 7.000 đồng/km. Mức thu này mục đích để bù lại chi phí hoạt động của đơn vị chứ không vì mục tiêu lợi nhuận. Tiền này chủ yếu dùng bảo dưỡng, đổ xăng và chi phí cầu đường. Trung tâm Ðiều phối chỉ làm nhiệm vụ chính trị, không có lợi nhuận nên cũng không phải đóng thuế” - ông Nhã cho biết.

Là địa phương đi đầu thực hiện Ðề án, tỉnh Cà Mau đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, trong thực hiện cũng phát sinh những khó khăn, như mức thu khai thác, sử dụng xe cố định trong khi giá xăng dầu, các chi phí khác không ổn định. Vừa qua, Sở Tài chính tỉnh Cà Mau đã tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Ðề án, nhiều đơn vị đã chỉ ra những hạn chế như khi nhu cầu sử dụng tăng cao, xe không đáp ứng đủ; những đơn vị thường xuyên có công tác đột xuất, xe chưa đáp ứng được yêu cầu về thời gian; chưa kịp thời liên hệ, chậm phản hồi với người có nhu cầu đi công tác. Ðặc biệt, Ðề án chưa có quy định cho thuê xe bên ngoài khi không điều động được xe.l

Bài, ảnh: HIẾU NGHĨA

 

Chia sẻ bài viết