14/05/2019 - 07:47

Hiệu quả giảm nghèo ở Cờ Đỏ 

Phát huy hiệu quả năm qua, huyện Cờ Đỏ tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch giảm nghèo năm 2019 với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực. Huyện phấn đấu cuối năm còn 1% hộ nghèo trong tổng số hộ dân, giảm 1,03%; còn 4,22% hộ cận nghèo, giảm 1%. Qua đó, góp phần chăm lo, tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo cải thiện mức sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Dạy nghề gắn với giải quyết việc làm là giải pháp hữu hiệu giúp huyện Cờ Đỏ hướng đến giảm nghèo bền vững.

Trợ giúp kịp thời, thiết thực

 UBMTTQVN TP Cần Thơ vừa phối hợp UBND xã Thới Xuân tổ chức lễ khởi công xây dựng 29 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở tại ấp Thới Trường 2. Cùng với 40 triệu đồng hỗ trợ mỗi hộ từ Quỹ Vì người nghèo, chính quyền đoàn thể địa phương vận động thân nhân chung tay đóng góp để căn nhà thêm khang trang, vững chắc, sử dụng lâu dài. Dự lễ khởi công, hầu hết hộ khó khăn được hỗ trợ xây dựng nhà cảm ơn sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành để sớm ổn định chỗ ở. Theo lãnh đạo UBMTTQVN huyện Cờ Đỏ, từ đầu năm đến nay, huyện vận động từ nhiều nguồn hỗ trợ trên 3,8 tỉ đồng, xây dựng trên 80 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn về nhà ở. Qua đó, giúp hộ nghèo có điều kiện an cư để làm ăn, vươn lên.  

 Từ đầu tháng 4 đến nay, huyện Cờ Đỏ phối hợp khai giảng 9 lớp nghề sơ cấp (trong tổng số 11 lớp theo kế hoạch) cho trên 310 lao động các xã, thị trấn; trong đó, có người nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Chị Lê Thị Gọn (57 tuổi), ấp Thạnh Phước 2, xã Trung Thạnh, học viên lớp nghề đan dây nhựa, cho biết: "Học nghề xong, chị em nhận nguyên liệu về nhà đan mặt bàn để kiếm thêm thu nhập. Tiền công mỗi ngày 60.000-70.000 đồng, gói ghém đủ trang trải cuộc sống; đồng thời, có thời gian chăm lo gia đình". Năm nay, huyện quan tâm phối hợp mở các lớp nghề kỹ thuật nấu ăn đáp ứng nhu cầu phụ nữ xã Trung An, xã Đông Hiệp. Học nghề xong, chị em tự kinh doanh hàng quán, phụ việc tại các tiệm ăn, dịch vụ nấu ăn lưu động.       

Cùng với tăng cường niêm yết, giới thiệu thông tin tuyển dụng lao động, các xã, thị trấn chủ động phối hợp đơn vị chức năng, kết nối doanh nghiệp giới thiệu việc làm cho 1.443 lao động, đạt trên 32% kế hoạch. Trong đó, các hội, đoàn thể chú trọng vận động con em hộ nghèo, cận nghèo vào doanh nghiệp làm việc vừa ổn định thu nhập, vừa rèn kỹ năng trong môi trường lao động kỷ luật, chuyên nghiệp.

Kết quả rà soát, phân loại hộ nghèo cho thấy, đầu năm 2019, toàn huyện có 625 hộ nghèo, chiếm 2,03% tổng số hộ trên địa bàn; 1.608 hộ cận nghèo, tỷ lệ 5,22%. Trong đó, có 118 hộ nghèo và 350 hộ cận nghèo là hộ đồng bào dân tộc thiểu số; 75 hộ nghèo và 78 hộ cận nghèo thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội. Theo đó, huyện xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách trợ giúp, vận động xã hội hóa giảm nghèo cụ thể, sát hợp với từng nhóm đối tượng.

Luôn quan tâm, đồng hành

Năm 2018, từ nhiều nguồn hỗ trợ, huyện phối hợp xây dựng 96 căn nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương cho hộ nghèo, cận nghèo khó khăn về nhà ở, số tiền 4,180 tỉ đồng; cấp 13.724 thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người nghèo, cận nghèo, dân tộc vùng khó khăn, số tiền 8,472 tỉ đồng; miễn, giảm 48,284 triệu đồng học phí cho 567 học sinh nghèo, cận nghèo; hỗ trợ 404,447 triệu đồng chi phí học tập cho 1.238 học sinh; lồng ghép vận động 85 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo học nghề theo Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện phát vay gần 14 tỉ đồng các chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ 779 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo phát triển sản xuất, mua bán nhỏ, tạo điều kiện thoát nghèo.

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cờ Đỏ, các chính sách trợ giúp tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý chí, sự nỗ lực vươn lên của người nghèo. Trong đó, chính sách đào tạo, chuyển đổi ngành nghề tạo điều kiện để người nghèo làm ăn, ổn định cuộc sống. Năm qua, bên cạnh hoạt động của 13 mô hình giảm nghèo (nuôi bò, nuôi heo, phun xịt thuốc, mua bán nhỏ), huyện duy trì 3 mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Ngoài mô hình sản xuất lúa giống (xã Trung An), bình quân mỗi năm cung cấp khoảng 60-80 tấn lúa giống chất lượng cao cho thị trường, 2 mô hình đan lục bình (thị trấn Cờ Đỏ), đan dây nhựa (xã Thới Hưng) được nhân rộng các xã lân cận, giúp khoảng 180 lao động có thu nhập bình quân 1,6 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Bà Sơn Thị Lang, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ, Tổ trưởng Tổ đan lục bình ấp Thới Hòa B, thị trấn Cờ Đỏ, cho biết: “Nghề này giúp nhiều phụ nữ dân tộc Khmer có cuộc sống ổn định. Phấn khởi nhất là chị em truyền nghề cho nhau, lan tỏa và thu hút lao động các xã lân cận. Một số chị tìm cắt lục bình tươi hay phơi khô, bán nguyên liệu cho tổ, kiếm thêm thu nhập”. Theo chị Lý Thị Mật, mấy năm qua, thu nhập nghề đan lục bình giúp chị trang trải các khoản chi tiêu hằng ngày, không lo thiếu hụt như  trước.

Thời gian tới, huyện Cờ Đỏ kịp thời thực hiện các chính sách trợ giúp hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, vốn vay ưu đãi; cấp thẻ BHYT, tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí. Huyện phối hợp lồng ghép vận động các đối tượng trong diện học nghề gắn với việc làm; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, thực hành tiết kiệm. Đồng thời, phối hợp hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo tại 2 ấp Thới Trường 1 và Thới Trường 2 (xã Thới Xuân).

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG 

Chia sẻ bài viết