08/04/2013 - 21:21

Hiểu người tiêu dùng để phát triển thị trường

Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm dùng thử cho người tiêu dùng tại phiên chợ hàng Việt về nông thôn tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Thời gian qua, các phiên chợ hàng Việt về nông thôn đã góp phần làm thay đổi nhận thức ưu tiên sử dụng hàng Việt của người tiêu dùng nông thôn. Phiên chợ còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia quảng bá sản phẩm, xây dựng mạng lưới phân phối, nghiên cứu và tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng nông thôn… Thông qua các phiên chợ hàng Việt, người tiêu dùng nông thôn có nhiều cơ hội tiếp cận, sử dụng hàng Việt chất lượng, với giá cả hợp lý. 

Cuối tháng 3-2013, phiên chợ hàng Việt về nông thôn do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch TP Cần Thơ phối hợp với Sở Công thương thành phố tổ chức tại huyện Thới Lai, phần lớn doanh nghiệp (DN), cho rằng: Tham gia phiên chợ “hàng Việt về nông thôn” các DN ngoài mục đích quảng bá sản phẩm còn tìm hiểu nhu cầu tiêu dùng của người tiêu dùng vùng nông thôn. Trên cơ sở đó, các  DN sẽ tổ chức kênh phân phối và cung cấp những mặt hàng phù hợp với thị hiếu của người dân tại thị trường này. Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch TP Cần Thơ, thời gian qua, trung tâm đã phối hợp với các phòng chức năng của các quận, huyện và các DN tổ chức thành công nhiều phiên chợ thu hút đông đảo người dân đến tham quan và mua sắm. Đây là dấu hiệu tích cực trong việc xây dựng cầu nối đưa hàng hóa sản xuất trong nước đến tay người tiêu dùng nông thôn. Các phiên chợ hầu như đã đạt mục tiêu chính là hỗ trợ các DN quảng bá thương hiệu Việt đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, giúp người dân tiếp cận với các sản phẩm Việt như: lương thực, thực phẩm, nông lâm sản, may mặc, vật tư nông nghiệp, đồ gia dụng, hàng điện tử - viễn thông… với giá phù hợp, chất lượng đảm bảo, đáp ứng khá tốt cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Hơn 3 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tại các vùng nông thôn người dân đã thay đổi nhận thức và thị hiếu trong việc lựa chọn hàng Việt. Hiện các chợ vùng nông thôn đã có khoảng 90% hàng hóa Việt được bày bán…

Thời gian qua, chương trình “hàng Việt về nông thôn” thu hút được nhiều DN tham gia và người tiêu dùng tại các vùng nông thôn hưởng ứng tích cực. Song, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn vẫn còn một số hạn chế, nhiều DN tham gia chương trình chỉ dừng lại ở việc tổ chức bán hàng tại các phiên chợ mà chưa xây dựng được hệ thống phân phối đến tận chợ huyện. Anh Lê Kiều Hưng, Phòng kinh doanh, Công ty Cổ phần Dệt may Thắng Lợi, cho biết: “Công ty tham gia nhiều phiên chợ hàng Việt về nông thôn do TP Cần Thơ tổ chức, qua các phiên chợ nhiều sản phẩm của công ty được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình, doanh thu lần sau luôn cao hơn lần trước. Đặc biệt, tại mỗi phiên chợ, nhiều sản phẩm được bán giảm giá từ 30-50%, góp phần hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng”. Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn là một chương trình hay. Tuy nhiên, theo anh Lê Kiều Hưng phần lớn sản phẩm của công ty chỉ bán được ở các phiên chợ mà chưa tìm được các kênh phân phối tại các chợ huyện. Do đó, để chương trình được trụ vững và đồng hành cùng người dân ở nông thôn, cần phải có một chương trình xúc tiến và sự hỗ trợ từ phía các ngành chức năng.

Theo phản ánh của các DN tham gia phiên chợ hàng Việt về huyện Thới Lai, doanh số bán hàng tại các phiên chợ không cao, sức mua thấp, chi phí vận chuyển cao... Thêm vào đó, việc xây dựng mạng lưới phân phối khá tốn kém, nên DN chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng hệ thống phân phối tại các chợ huyện. Anh Nguyễn Phước Bảo, Phụ trách chính gian hàng Dầu thực vật Cái Lân, cho rằng: Tiếp cận thị trường nông thôn là các mặt hàng tham gia phải có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, nhưng giá cả phải rẻ thì mới thu hút người tiêu dùng. Đồng thời, DN phải lựa chọn sản phẩm với mẫu mã đa dạng, hạ giá thành sản phẩm theo thị hiếu của từng vùng và phù hợp với thu nhập của người tiêu dùng nông thôn. Vì vậy, để chương trình hàng Việt về nông thôn đạt hiệu quả cao hơn, DN rất cần sự tiếp sức của các ngành chức năng trong việc xây dựng hệ thống phân phối thông qua các đại lý, cửa hàng ở từng địa phương.

Thời gian qua, để hàng Việt gần hơn với người tiêu dùng nông thôn, ngoài việc bán hàng qua các phiên chợ, nhiều DN còn xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa khu vực nông thôn, góp phần đưa sản phẩm Việt đến tận tay người dân ở các vùng sâu, vùng xa. Anh Trần Thành Trị, giám sát bán hàng, Công ty Cổ phần thực phẩm Cholimex, cho biết: “Với mạng lưới phân phối được bao phủ rộng tại các chợ huyện, chợ truyền thống nên sản phẩm của Cholimex khá gần gũi với người tiêu dùng nông thôn. Đây chính là điều kiện thuận lợi của công ty khi tham gia các phiên chợ hàng Việt. Đến các chợ truyền thống, chợ huyện, người tiêu dùng dễ dàng nhận thấy các dòng sản phẩm nước mắm hay nước tương với tên gọi khá quen thuộc Hương Việt của thương hiệu Cholimex. Với ưu điểm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, các sản phẩm của công ty đã có thể cạnh tranh ở thị trường nông thôn”. Chị Nguyễn Thị Loan, ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, nói: “Chất lượng hàng hóa là yếu tố quan trọng đối với người tiêu dùng khi lựa chọn hàng Việt. Bởi ngoài yếu tố bao bì đẹp, giá cả phải chăng, thì chất lượng sản phẩm đảm bảo sẽ tạo được niềm tin cho người tiêu dùng yên tâm, tin tưởng khi dùng hàng Việt... Thời gian tới, để hàng Việt tạo được niềm tin vững chắc với người dân vùng nông thôn, các DN cần tìm hiểu, nghiên cứu sản phẩm phù hợp với nhu cầu tiêu dùng ở nông thôn. Điều quan trọng phải sản xuất và phân phối được những sản phẩm mà người tiêu dùng thật sự cần”. Các chuyên gia cũng khuyên DN rằng thị trường nông thôn đầy tiềm năng, DN cần phải xây dựng được mạng lưới phân phối hàng Việt với độ bao phủ rộng tại các vùng nông thôn, giúp người tiêu dùng tiếp cận được nguồn hàng có chất lượng tốt với giá phải chăng… Điều này sẽ góp phần giúp DN chinh phục người tiêu dùng và trụ vững tại thị trường nông thôn.

     Bài, ảnh: M.Hoa

Chia sẻ bài viết