13/07/2017 - 15:55

Hệ lụy môi trường từ những chiếc túi nhựa, ni-lông

Việc sử dụng bao bì bằng chất liệu nhựa, ni-lông đang ngày càng phổ biến. Bất cứ thứ gì - từ mớ rau, con cá cho đến cả những tô cháo, bát phở... tất tần tật đều được người ta cho vào túi nhựa, chai nhựa, bao ni-lông. Vì tiện dụng nên lượng rác thải từ ni-lông, chai nhựa, vỏ hộp bọc nhựa ngày càng gia tăng đáng quan ngại. Theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, dù tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm của nước ta những năm gần đây đạt trên 8,5%, nhưng nếu tính đến các tổn thất do môi trường thì tốc độ GDP thực tế của Việt Nam sẽ chỉ là 3-4%. Trong số thiệt hại này, túi nhựa ni-lông góp phần không ít.

* Bùng nổ bao bì nhựa, ni-lông...

Một số thành phố lớn trên thế giới đã có nhiều động thái nhằm giảm thiểu việc sử dụng bao bì nhựa, ni-lông và hướng tới một xã hội tiêu thụ bền vững. Ở nước ta, một số siêu thị, thương xá như: Siêu thị Metro Hoàng Mai (Hà Nội), Thương xá Tax thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn... đã ngừng cung cấp túi ni-lông gói hàng với mục tiêu “bảo vệ môi trường”. Thay vào đó, khách hàng được yêu cầu mua các loại túi xách đa năng, hay phát túi sử dụng nhiều lần, bao bì giấy, bao bì tự phân hủy. Thế nhưng, các nơi này vẫn không thay đổi được thói quen của khách hàng. Nhiều khách hàng có thái độ than phiền, phản ứng.

Số bao nhựa, bao ni-lông này đã từng được chứa xi măng, phân bón... nếu không được thu gom xử lý đúng cách sẽ tác hại đến môi trường - sức khỏe con người (Ảnh chụp tại vỉa hè của một điểm thu mua phế liệu trên đường Quang Trung, quận Cái Răng, TP Cần Thơ). 
Ảnh: X.QUYÊN

Theo Cục Bảo vệ môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, ước tính, mỗi người Việt Nam đang tiêu dùng từ khoảng 30-40 kg nhựa/năm, dự báo khi mức thu nhập và mức sống ngày càng cao thì lượng tiêu thụ nhựa sẽ tiếp tục gia tăng. Theo các công ty sản xuất, thị trường cho vỏ bao bì nhựa có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 30%, tương ứng với mức tăng thị trường nước giải khát các loại, sữa và nước đóng chai. Ngoài ra, lượng chai nhựa đựng thực phẩm (nước mắm, nước tương, tương ớt, gia vị...) được sử dụng hằng năm cũng không dưới 50 triệu chai; gần nửa triệu tấn thuốc nước bảo vệ thực vật sử dụng trên đồng ruộng hàng năm cũng cần khoảng 10.000 tấn bao bì nhựa... Sức tiêu thụ các loại bao bì càng tăng thì lượng rác thải từ nhựa, ni-lông ra môi trường càng lớn.

Chưa có một thống kê chính thức nào được công bố về lượng rác thải từ bao ni-lông, bao bì nhựa ở Việt Nam. Một chuyên gia về môi trường cho biết, mỗi ngày ở Việt Nam có khoảng 800 tấn rác nhựa thải ra môi trường (số liệu được công bố từ đầu những năm 2000-2001). Nếu tính theo tốc độ tăng trưởng sản xuất và thương mại, hiện nay, mỗi ngày có khoảng 2.500 tấn rác nhựa hoặc hơn nữa.Việc sử dụng bao bì ni-lông và các sản phẩm khác được làm bởi các hợp chất từ nhựa đang ở mức phổ biến và khó bề kiểm soát.

Theo các nhà khoa học, tác hại của bao bì ni-lông vô cùng lớn. Ước tính, vứt bỏ một túi ni-lông chỉ tốn 1 giây, nhưng nếu không có sự tác động bởi nhiệt độ cao của ánh sáng mặt trời thì phải mất từ 500 đến 1.000 năm nó mới có thể phân hủy được. Còn nếu đốt ni-lông không đúng cách sẽ gây ô nhiễm môi trường, nguy hại đến sức khỏe con người, động vật.

* Hệ lụy...

Theo các nhà khoa học, trong một số loại túi ni-lông có lẫn lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất. Khi bị đốt cháy, gặp hơi nước các chất này sẽ tạo thành acid Sulfuric dưới dạng các cơn mưa acid, rất có hại cho hệ hô hấp của người và động vật. Tệ hơn, túi ni-lông làm bằng nhựa PVC có chứa clo, khi cháy tạo ra chất dioxin và acid Clohydric vô cùng độc hại. Không kể những tác hại môi trường các thế hệ sau phải gánh, túi ni-lông còn gây ra nhiều tác hại trước mắt, trực tiếp vào người sử dụng. Rác thải nhựa làm tắc các đường thoát nước thải gây ngập lụt cho đô thị, dẫn đến ruồi muỗi phát sinh, lây truyền dịch bệnh... Bao bì ni-lông cũng đe dọa trực tiếp tới sức khỏe con người vì nó chứa chì, cadimi... (có trong mực in tạo màu trên các bao bì) có thể gây tác hại cho não và là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư phổi.

Theo ông Đỗ Hoàng Oanh, chuyên viên Sở Tài nguyên Môi trường TP Hồ Chí Minh, rác thải nhựa không phân hủy thành các chất vô hại, phân hủy rất chậm trong môi trường tự nhiên và là chất thải tồn tại lâu dài. Quá trình sản xuất ra chai nhựa PET làm phát thải chất độc cao hơn 100 lần vào môi trường không khí và nước, so với quá trình sản xuất chai thủy tinh cùng kích thước. Các phát thải khác từ quá trình sản xuất nhựa gồm sulfur dioxide (SO2), nitrogen oxide (Nox), methanol, ethylene oxide và các hợp chất hữu cơ bay hơi (volantile organic compounds-VOCs). Ngoài ra, quá trình sản xuất và đốt cháy nhựa cũng tạo ra dioxin, một chất có độc tính rất cao ngay cả ở nồng độ thấp. Hơn nữa, nhựa không bao giờ phân hủy hoàn toàn bằng cơ chế sinh học. Bụi nhựa có thể hấp thụ chất độc như polychlorinated biphenyl (PCBs) và thuốc bảo vệ thực vật DDT và tích tụ trong môi trường gây hại đến sức khỏe con người.

Để ngăn chặn sự “bùng phát” của túi nhựa, ni-lông trên phạm vi toàn cầu, nhiều quốc gia đã thực hiện các chiến dịch giảm thiểu sử dụng túi nhựa, ni-lông bắt đầu từ hệ thống các siêu thị, cửa hàng. Nhiều siêu thị tại Pháp, Hà Lan đã không phát túi ni-lông đựng đồ. Khách hàng được khuyến khích mua các túi đựng hàng lớn bằng ni-lông tự hủy, giấy. Ở Hoa Kỳ, tháng 3-2007, Hội đồng thành phố San Francisco đã thông qua dự luật cấm sử dụng túi ni-lông trong việc gói, bọc hàng trong các siêu thị lớn, nhằm thúc đẩy việc sử dụng các vật liệu có khả năng tái sinh để bảo vệ môi trường. Với lệnh cấm này, mỗi năm San Francisco tiết kiệm được 1,7 triệu lít dầu, đỡ tốn công chôn lấp 1.400 tấn rác ni-lông. Một số quốc gia ở châu Phi như Uganda, Kenya, Tanzania... cũng đang có những động thái cấm nhập khẩu, sản xuất, tăng thuế đối với mặt hàng túi nhựa (“vết đen” của diện mạo môi trường châu Phi) nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của túi ni-lông đối với môi trường.

Trong khi đó, ở Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có động thái kiên quyết nào cho vấn đề này. Dù rằng, Luật Môi trường đã qui định về vấn đề này, nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có những văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể. Hy vọng rằng, vì môi trường, vì sức khỏe của cộng đồng và của chính mình, chúng ta hãy nói không với việc sử dụng bao bì nhựa, ni-lông trước khi quá muộn.

NGUYỄN TRUNG GIANG (Y Khoa Huế)

Chia sẻ bài viết