11/03/2019 - 07:16

Hậu phương vững chắc của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh 

Hơn 60 năm cầm máy, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Võ An Khánh đã lưu giữ hàng nghìn khoảnh khắc đáng giá, trong đó có rất nhiều bức ảnh tư liệu quý về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và có không ít ảnh nổi tiếng quốc tế phản ánh chân thực, sống động cuộc chiến khốc liệt này. Thế nhưng, ít ai biết rằng, đằng sau những thành công của người nghệ sĩ nhiếp ảnh này có sự đóng góp âm thầm, lặng lẽ của người vợ hiền, đảm đang, người mà ông dành tất cả tình yêu, sự trân trọng.

Vợ chồng NSNA Võ An Khánh
Mở đầu câu chuyện, Nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Võ An Khánh (83 tuổi, hiện sống tại tỉnh Bạc Liêu), chia sẻ: “Nhìn lại sự nghiệp của mình, từ các Huân chương kháng chiến, Huân chương độc lập, Huân chương lao động; các tước hiệu cao quý trong giới nhiếp ảnh; các giải thưởng danh giá về văn học nghệ thuật đến quá trình giữ các chức vụ quan trọng trong Hội NSNA Việt Nam, làm lãnh đạo trong  các sở, ngành, báo chí của tỉnh Minh Hải (cũ), tôi thấy lấp lánh hình ảnh của người vợ tiều tụy, võ vàng với đôi tay thúi móng năm nào đã giúp tôi an tâm theo đuổi sự nghiệp cách mạng và lập nên danh phận”.

Vợ của NSNA Võ An Khánh tên Ngẫu Hiền Lành, là người Việt gốc Hoa, cất tiếng khóc chào đời bên dòng sông Cái Tàu êm đềm xứ Bạc Liêu xưa. Năm 1955, cô gái xinh đẹp, hiền lành ấy kết duyên vợ chồng cùng chàng trai Võ Nguyên Nhân (tên thật của Võ An Khánh). Sáu mươi bốn năm làm bạn đời, trải qua bao thăng trầm, dâu bể, muối mặn gừng cay, ông bà đối với nhau vẫn ân cần, thắm thiết như ngày nào. Ở tuổi ngoài 80, họ vẫn gọi nhau bằng “anh, em” trìu mến như thuở ban đầu mới quen, cùng chăm sóc, quan tâm và tỉ tê tâm sự với nhau mọi chuyện. Có lẽ, đã từng trải qua những năm tháng chia cách bởi chiến tranh nên họ càng hiểu và trân quý những phút giây ở bên nhau.

Ngược dòng thời gian, ký ức xưa vẫn in đậm trong trí nhớ của đôi vợ chồng già. Cưới nhau chưa được bao lâu, Võ An Khánh phải trốn nhà lên Sài Gòn tránh sự bắt bớ, tra khảo của địch khi chúng truy tìm tung tích của anh ruột ông là Võ Minh Huân, người tham gia hoạt động cách mạng. Từ đó, ông học nghề nhiếp ảnh và tham gia các hoạt động kháng chiến hợp pháp, hoạt động tuyên huấn từ xã, đến tỉnh rồi lên khu Tây Nam bộ. Ngót 20 năm thoát ly gia đình tham gia cách mạng, ông không có thời gian lo cho gia đình khi 1, 2 tháng mới về nhà một lần, mỗi lần ở được vài ngày lại đi, trong khi con ngày càng đông, chiến tranh ngày càng leo thang ác liệc. Tất cả chuyện nhà đều do một mình vợ ông chèo chống, lo toan.

Khi đó, vợ ông cùng nhiều gia đình khác bám trụ, quyết sống chết trên mảnh đất quê nhà, tự cất chòi trại ngoài bờ bụi giữa đồng để ở. Bà phải đào bới từng cục đất để có cái hầm sâu, âm được cái lu xi măng lớn, đáy rộng để chứa cả nhà. Bên trên lót bộ ván, ăn ngủ ngay trên đó, khi có động thì dỡ ván ra, lôi con xuống. Nhưng chẳng ở yên được một chỗ mà phải thay đổi liên miên. Bao lần thay đổi là bấy nhiêu cái chòi, cái hầm phải làm mới. Không chỉ đối phó với bom đạn để bảo tồn sự sống mà còn phải kiếm cái ăn, cái mặc. Từ một cô gái không quen việc đồng áng nặng nhọc, bà phải xắn tay vào làm đủ thứ chuyện mà trước đây chưa từng làm: giăng câu, giăng lưới, bắt ốc, hái rau, phát cỏ, gặt lúa, cấy mướn, nuôi heo… Vào mùa mưa, hầu như ngày nào bà cũng ngâm mình dưới nước nên nước ăn thúi móng, lở loét các kẽ tay chân. Sinh mấy đứa con là mấy nơi khác nhau, vất vả vô cùng khi không có chồng bên cạnh, nhưng bà đều cố gắng vượt qua. Đặc biệt, lần sinh đứa con thứ 6 là lần mẹ con bà thoát chết trong gang tấc. Lúc đó, trên nắp hầm tránh pháo giữa đồng, đứa con vừa chào đời thì những quả pháo từ Hòn Đá Bạc nã vào khiến mặt đất rung chuyển, những đọt dừa, lau sậy bị phạt ngang xoèn xoẹt. Tất cả xuống hầm, chỉ mỗi bà là không xuống được. Ngưng loạt pháo, bà mừng rớt nước mắt khi nghe tiếng khóc đầu tiên của đứa con được bà nội ẵm bồng, che chở…

Trải qua những trận càn, những đợt lùa dân vào “Khu trù mật” để cách ly với cách mạng, những khó khăn gian khổ… bà đã vững vàng nuôi con lớn khôn, lo vẹn toàn mọi chuyện để chồng yên tâm công tác. Bà còn là nguồn tiếp tế của các cơ sở cách mạng, thường xuyên mua pin, phim chụp ảnh, đèn, các vật dụng cần thiết, chèo xuồng đưa vào chiến khu. Khi mẹ chồng bị bệnh nặng nằm liệt giường, bà tận tình chăm sóc từ lúc ở nhà cho đến khi điều trị tại Bệnh viện Quân Y tỉnh Cà Mau. Bà trực tiếp đỡ nâng, vệ sinh thân thể, đút từng muỗng cơm, miếng cháo, viên thuốc cho đến khi mẹ chồng trút hơi thở cuối cùng. Chính bà cùng đứa cháu nhỏ phải vượt qua bao bót đồn, sông rạch đưa mẹ chồng về nằm cạnh cha chồng trên phần đất của quê hương.

Đặc biệt, bà Ngẫu Hiền Lành là người có công rất lớn trong việc giúp chồng lưu giữ những thước phim tư liệu quý giá. Những cuộn phim chồng mang về, bà rang gạo cho vàng, bỏ vào túi vải rồi cột chặt miệng túi, để chung với các cuộn phim ở trong thùng đạn bằng sắt của Mỹ. Gạo rang giúp hút hơi ẩm và giữ được phim vẹn nguyên đến giờ. Bà thường xuyên kiểm tra và thay túi gạo mới nếu thấy túi cũ gạo không còn khô. Mỗi lần giặc đổ bộ đi càn, bà đem thùng đạn chôn xuống đất, phủ cỏ lên ngụy trang, đợi qua trận càn, địch rút đi mới đào lên. Một kỷ niệm khiến ông Võ An Khánh nhớ mãi là vào năm 1971, trên đường chuyển cơ quan từ U Minh xuống rừng Đước, ông tranh thủ ghé thăm nhà, chở theo đồ đạc của cơ quan, trong đó có 7 thùng đạn Mỹ đựng đầy phim tư liệu. Tờ mờ sáng, chưa kịp cất giấu thì giặc đổ quân cách đó hơn 2 cây số phía trong ngọn kinh, máy bay lạng lách trên đầu, rải đạn xuống các vùng xung quanh để yểm trợ cho bộ binh càn ra vàm. Bà thúc bách ông chạy thoát thân, còn lại một mình bà như con thoi dưới làn mưa đạn để tẩu tán cho xong tài liệu của chồng. “Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn còn giật mình, nếu vì tôi và tài sản chung mà vợ tôi có mệnh hệ nào thì có lẽ tôi khổ tâm và ân hận suốt đời”.

Hòa bình lập lại, gia đình ông bà mới được đoàn tụ vui vẻ nhưng cuộc sống chưa hết khó khăn. Bà lại cần mẫn gánh vác việc nhà để chồng yên tâm công tác, sáng tạo văn học nghệ thuật. Đồng lương ít ỏi của chồng không đủ đảm bảo cuộc sống, bà Lành lại tiếp tục làm ruộng rẫy, chăn nuôi heo gà, góp phần nuôi dạy và lo chuyện học hành cho đàn con. Để giờ đây, 8 người con đều thành đạt, hoạt động trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, con gái lớn là Võ Thị Kim Cương theo nghiệp nhiếp ảnh của cha, trở thành một NSNA nổi tiếng với nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Các cháu nội, ngoại đều học hành giỏi giang, việc làm ổn định, trong đó có những người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân… Bà Lành chia sẻ: “Ở với nhau hơn 60 năm, vợ chồng tôi chưa bao giờ lớn tiếng rầy rà, không ưng điều gì thì lựa lời nói với nhau. Vợ nói chồng nghe, chồng nói vợ nghe để làm gương cho con cháu”.

*

*     *

Bốn năm qua, kể từ tai nạn gãy chân đến chứng thoái hóa khớp khiến việc đi lại của NSNA Võ An Khánh phụ thuộc vào xe lăn và chiếc khung tập đi 4 chân, bà Lành là cánh tay đắc lực của chồng trong mọi chuyện. Chăm cho ông từng miếng ăn, giấc ngủ, lo cho ông từ lúc mới bệnh đến khi phục hồi, sát cánh bên ông mỗi lần ông muốn ra ngoài chụp ảnh. Những năm này, nguồn cảm hứng sáng tác của NSNA Võ An Khánh là hoa cỏ, thiên nhiên ở khu vực gần nhà. Bà đẩy xe lăn đưa ông đến nơi cần đến, dìu ông đi những lúc ông muốn đi. Thời gian gần đây, sức khỏe của ông ngày càng yếu, thường xuyên nhập viện điều trị, ngoài các con thì người luôn có mặt những lúc ông cần, lo cho ông từng li từng tí không ai khác là bà. “Bà ấy biết ý, chìu tôi từng chút một, dù có những lúc tôi khó tính hay nóng giận vì bệnh tật” - ông Võ An Khánh nói trong xúc động.

Tình vợ chồng, nghĩa tào khang của hai ông bà luôn trọn vẹn, cao quý biết bao!

Bài, ảnh: LỆ THU

Chia sẻ bài viết