05/02/2014 - 15:26

Hấp lực

NAM HƯƠNG

“Năm nay, nhà mình sẽ đi sắm Tết tại siêu thị!”- Chị Hai tôi tuyên bố tỉnh rụi trước sự ngạc nhiên của cả gia đình. Mùa nào thức ấy, đặc biệt trong dịp Tết, siêu thị không thiếu bất cứ món hàng nào cho một cái Tết truyền thống “đúng điệu” như: mứt, dưa hành, củ kiệu, bánh chưng, bánh tét, giò chả, dưa hấu, hàng trang trí nhà cửa, thời trang, sản phẩm quà tặng…Nhưng cũng không phải dễ dàng làm chị tôi - một phụ nữ “rặc” miền Tây thay đổi thói quen đi chợ Tết.

Thuyết phục người miền Tây

Năm 2003, Siêu thị Co.opmart Cần Thơ “trình làng”. Trong không gian mua sắm hiện đại, các chị ngợp với một lượng hàng hóa đa dạng, thích món gì chỉ việc với tay lên kệ chọn hàng mà chẳng phải trả giá, dịch vụ hậu mãi, chăm sóc “thượng đế” khá tốt… Ghé siêu thị riết rồi ghiền, những ngày cuối tuần siêu thị như ngày hội mua sắm. Chị Nguyễn Thị Hoài Thu, đường 30-4, phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, đúc kết: “Mua sắm tại siêu thị hàng hóa đa dạng, không gian mua sắm rất thoải mái, lịch sự, đặc biệt không phải lo bị “chặt, chém”. Vào những ngày Tết, người mua hàng thoát khỏi cảnh lo lắng giá cả lên xuống, đặc biệt không còn phải khệ nệ bưng vác khổ cực vì đã có dịch vụ giao hàng miễn phí tận nhà”.

Đa dạng hóa sản phẩm và nỗ lực để có những mặt hàng gần gũi hơn với nếp sống của người miền Tây, nhất là các món ăn đồng quê như từ mớ rau tập tàng đến trái ớt, cọng sả…, các bà nội trợ cũng có thể tập tành đổi khẩu vị cho gia đình bằng những nguồn nguyên liệu của miền Bắc, miền Trung hay thậm chí ở đất nước phương xa nào đó… chính là “chiêu” thuyết phục khách hàng của các siêu thị. Chất lượng sản phẩm phải được bảo đảm là hàng không có lỗi, đạt chất lượng, mẫu mã bao bì đẹp và bắt mắt, niêm yết giá rõ ràng. Không ngừng nâng cao chất lượng, giờ đây, với không gian khép kín, siêu thị cung ứng gần như tất cả các nhu cầu của người dân như: mua sắm, vui chơi giải trí cho mọi lứa tuổi, ăn uống, dịch vụ chăm sóc sức khỏe,… Cùng đó là các chương trình hậu mãi hấp dẫn như: chiết khấu thương mại, tư vấn và lắp đặt sản phẩm tận nhà... Chị Phạm Thị Hoa, giáo viên trường mầm non, quận Cái Răng, vui mừng khoe: “Từ ngày chọn siêu thị cung ứng thực phẩm cho nhà bếp của trường, nhân viên nhà bếp nhờ đó đỡ vất vả hơn, các cô chỉ cần nhấc điện thoại đặt hàng sau đó nhân viên của siêu thị sẽ giao tận nơi nhanh chóng. Nhưng điều quan trọng hơn là hàng hóa đa dạng nên rất dễ thay đổi món ăn cho trẻ; chất lượng được đảm bảo an toàn vệ sinh. Vào dịp cuối năm, nhờ số tiền chiết khấu thương mại của siêu thị (nếu mua hàng ở chợ không bao giờ có), quỹ công đoàn nhà trường cũng “sung túc” hơn, nhờ đó mà các giáo viên cũng được cái Tết vui hơn”.

Đến với TP Cần Thơ sớm nhất, Siêu thị Co.opmart Cần Thơ (Công ty TNHH TM Sài Gòn – Cần Thơ) đã khẳng định vị thế của một thương hiệu bán lẻ lớn sau 10 năm có mặt tại vùng đất Tây Đô. Làm ăn phát tài, Co.opmart Cần Thơ mở rộng dự án phát triển thành Trung tâm Thương mại Cần Thơ (đổi tên Siêu thị Co.opmart Cần Thơ) đưa vào hoạt động dịp cuối năm đã góp thêm sức xuân cho thành phố. Trung bình từ 10.000 đến 15.000 lượt khách tham quan mua sắm mỗi ngày, Trung tâm Thương mại Cần Thơ kinh doanh hơn 30.000 chủng loại hàng hóa nhu yếu phẩm thuộc các ngành hàng: thực phẩm, hóa phẩm và các nhãn hàng thời trang, đồ chơi, đồ dùng, điện máy gia dụng và hàng lưu niệm… Đến đây, không chỉ mua sắm, khách hàng còn được phục vụ các nhu cầu giải trí như: khu nhà sách, khu ẩm thực, nhà hàng cà phê, khu chăm sóc sức khỏe, khu vực trò chơi, bowling… Đặc biệt, cụm rạp chiếu phim tiêu chuẩn quốc tế Megastar lần đầu tiên có mặt tại TP Cần Thơ, khu vực ĐBSCL với quy mô 2.200m2 bao gồm 6 rạp chiếu  phim 2D và 3D với các thiết bị và công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết: “Tết này, Trung tâm Thương mại Cần Thơ phối hợp với các đối tác nhà cung cấp, nhãn hàng uy tín để có nguồn hàng chất lượng và giá cả ổn định. Các chương trình khuyến mãi như: giảm giá trực tiếp trên sản phẩm, bán hàng có quà tặng kết hợp với các chương trình hoạt náo tại điểm bán để thu hút người tiêu dùng đến tham quan mua sắm và giải trí”.

Hàng hóa đa dạng, nhiều chương trình khuyến mãi và chế độ hậu mãi là điểm mạnh thu hút các siêu thị. Ảnh: N.H 

Tuy đến sau nhưng Đại siêu thị và Trung tâm Thương mại Big C Cần Thơ, thuộc tập đoàn Casino (Pháp) cũng nhanh chóng khẳng định thương hiệu của mình. Nằm trên con đường huyết mạch nối liền các tỉnh miền Tây với TP Hồ Chí Minh, với không gian mua sắm rộng gần 12.000m2, diện tích sử dụng 31.000m², Big C Cần Thơ chia thành 2 khu vực mua sắm sắp xếp hợp lý: khu vực siêu thị tự chọn và khu vực cửa hiệu cho thuê. Khu vực siêu thị tự chọn rộng 6.700m², kinh doanh gần 40.000 mặt hàng, trong đó 95% là hàng Việt Nam sản xuất. Khu vực cửa hiệu cho thuê diện tích hơn 6.000m2 với hơn 50 gian hàng, quy tụ các thương hiệu lớn trong nước và quốc tế. Cùng đó là dịch vụ phân phối hiện đại: như giao hàng miễn phí tận nhà, mua hàng trả góp, thẻ ưu đãi tiện lợi, có trạm xe buýt đưa đón khách hàng miễn phí tới Big C Cần Thơ,… Ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Siêu thị Big C Việt Nam, nhận định: “Big C Việt Nam đánh giá rất cao về tiềm năng phát triển thương mại của TP Cần Thơ vì vậy đã đầu tư mô hình đại siêu thị tại đây. Với chiến lược “Big C – Giá rẻ cho mọi nhà”, chúng tôi luôn nỗ lực vì khách hàng; tập trung xây dựng kênh thu mua và phân phối hàng hóa, đặc sản của TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL kinh doanh tại toàn bộ hệ thống của Big C trên toàn quốc. Tôi tin tưởng rằng, thời gian tới khi các hạng mục hạ tầng giao thông, thương mại xây dựng hoàn chỉnh, TP Cần Thơ sẽ nâng tầm vị thế cửa ngõ giao thương của vùng, tạo thêm điều kiện thuận lợi để thương hiệu Big C phát triển”…

Lực đẩy giao thương

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường ĐBSCL đầy tiềm năng, đặc biệt với TP Cần Thơ - thủ phủ của vùng ĐBSCL với nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Đây là giao điểm của nhiều tuyến giao thông thủy, bộ, thông thương với các tỉnh ĐBSCL, TP Hồ Chí Minh và cả nước với hệ thống đường bộ, sân bay, cầu, cảng. TP Cần Thơ lựa chọn kinh tế thương mại để phát triển mũi nhọn, liên kết là giải pháp chiến lược phát triển của thành phố. Mười năm qua lãnh đạo TP Cần Thơ đã tích cực theo đuổi mục tiêu này và đã mang lại kết quả bước đầu. Tổng mức hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ của thành phố tăng bình quân gần 19%/năm.

Nếu như 10 năm về trước, cơ sở hạ tầng thương mại ở TP Cần Thơ còn nhiều yếu kém, từ khi đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, từ nguồn xã hội hóa, hệ thống trung tâm thương mại, chợ truyền thống trên địa bàn thành phố dần được xây dựng, cải tạo. Hệ thống chợ được đầu tư, nâng cấp từ tuyến phường, xã; siêu thị và hệ thống kho chứa, cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có bước phát triển đa dạng, mở rộng về quy mô kinh doanh và cơ sở vật chất, trang thiết bị. Nhiều hạng mục hạ tầng thương mại được đầu tư xây mới, cải tạo nâng cấp theo hướng hiện đại và hội nhập kinh tế quốc tế. Điểm sáng của thành công này là sự lớn mạnh của kênh thương mại hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Với mạng lưới siêu thị hiện đại chuyên sâu lĩnh vực như: Metro Cash & Carry Hưng Lợi chuyên về kinh doanh sỉ; Vinatexmart Cần Thơ là điểm giới thiệu về các thương hiệu may mặc trong nước; Siêu thị Co.opmart Cần Thơ nổi bật với hàng hóa và các chương trình tôn vinh hàng Việt Nam; Trung tâm Mua sắm Sài Gòn Nguyễn Kim, Siêu thị Điện máy Sài Gòn - Chợ lớn chuyên về hàng điện tử - điện máy… Cùng phát triển là các kênh phân phối tiện ích như: cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đã phục vụ tối đa nhu cầu tiêu dùng của thị dân.

Bộ mặt thương mại của TP Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL đã và đang thay đổi. Dòng chảy hàng hóa không ngừng đa dạng, chất lượng dịch vụ nâng cao; nguồn hàng cung ứng ổn định, dồi dào, không xảy ra tình trạng khan hàng sốt giá vào các dịp mua sắm cao điểm như Tết Nguyên đán. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương, tâm đắc nói: “TP Cần Thơ chọn phát triển thương mại làm khâu đột phá trong liên kết và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Hệ thống siêu thị là điểm nổi bật trong tiến trình phát triển ngành thương mại của thành phố, mang đến phong cách mua sắm hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Với tiềm năng thế mạnh, TP Cần Thơ chắc chắn tiếp tục là điểm hẹn giao thương của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước”.

Theo Quyết định số 917/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại TP Cần Thơ đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 của UBND TP Cần Thơ ngày 16-4-2007, thành phố phấn đấu đưa ngành thương mại phát triển nhanh, bền vững, thể hiện vai trò là trung tâm vùng ĐBSCL. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, TP Cần Thơ xây dựng 110 chợ nông thôn, 14 siêu thị, 17 trung tâm thương mại tại các đô thị, thị trấn; trong đó có 1 trung tâm thương mại cấp vùng, 3 chợ đầu mối chuyên kinh doanh nông thủy sản, các trung tâm thương mại Tân An (quận Ninh Kiều), Bình Thủy (quận Bình Thủy), trung tâm thương mại quận Thốt Nốt và xây dựng tại mỗi quận, huyện một siêu thị kinh doanh tổng hợp. TP Cần Thơ cùng hợp tác với một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp trong ngoài nước xây dựng khu trung tâm tài chính, thương mại, hội nghị quốc tế lớn nhất vùng ĐBSCL tại quận trung tâm Ninh Kiều. Theo đó, TP Cần Thơ phấn đấu đến năm 2015 tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn đạt khoảng 170.000 tỉ đồng; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1.940 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu 1.600 triệu USD. Kết quả 10 năm qua từng bước khẳng định thành phố là trung tâm thương mại của vùng ĐBSCL.

Theo thống kê của Sở Công Thương TP Cần Thơ, số lao động làm việc trong ngành thương mại chiếm 51-54% trong tổng số lao động thương nghiệp và dịch vụ. Hoạt động của ngành thương mại – dịch vụ đã đóng góp hơn 45% vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và kết nối giao thương, thành phố định hướng mỗi quận, huyện sẽ có một trung tâm thương mại và tuyến phường, xã chợ truyền thống được cải tạo xây dựng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân địa phương và bảo đảm theo hướng văn minh, hiện đại, hội nhập kinh tế quốc tế…

Chia sẻ bài viết