02/09/2023 - 11:24

Hành trình học tập và làm theo lời Bác của cựu chiến binh TP Cần Thơ 

Bài 2: Tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trên mặt trận kinh tế

Bài, ảnh: PHẠM TRUNG

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tâm niệm: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành…”. Trải dài theo quá trình phát triển của đất nước, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của các cấp ủy đảng, chính quyền, “ham muốn tột bậc” của Người được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tham gia hiện thực hóa. Cùng các ngành, các cấp, nhiều cựu chiến binh (CCB) TP Cần Thơ luôn nỗ lực trong công tác giảm nghèo, chăm lo đồng đội, hỗ trợ cộng đồng…

CCB Nguyễn Văn Dầy giới thiệu hàng hóa được trưng bày tại công ty.

Khát vọng làm giàu chính đáng

Mặt tiền của Công ty TNHH Chế biến gỗ và Xây dựng Ngọc Ánh, được bài trí thật bắt mắt, từ những chiếc lộc bình đến giường, tủ, bàn ghế… Bên trong xưởng cưa gỗ, công nhân hối hả làm việc để kịp đơn hàng. Ðây là cơ sở do CCB Nguyễn Văn Dầy làm Giám đốc, ở ấp Thới Thuận A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai. “Sau đại dịch COVID-19, việc làm ăn của Công ty tuy còn khó khăn nhưng chúng tôi vẫn duy trì được nhịp độ sản xuất. Công nhân hiện nay có thu nhập 3,5-10 triệu đồng/người/tháng, tùy mức độ tay nghề” - CCB Nguyễn Văn Dầy chia sẻ.

Xuất ngũ trở về địa phương, ông Dầy lập gia đình và sống với nghề làm ruộng, trồng rau. Năm 1997, ông đi làm thuê cho các xưởng cưa ở thị xã Hà Tiên, Kiên Giang. Hai năm sau, khi tay nghề vững vàng, ông về thị trấn Thới Lai mở trại mộc, sau đó phát triển thành hợp tác xã, công ty. Hiện nay, Công ty của ông Dầy kinh doanh đồ gia dụng, tham gia đấu thầu xây dựng các công trình… Việc mở rộng sản xuất, kinh doanh phát triển, ông Dầy càng tích cực tham gia công tác từ thiện ở địa phương, hỗ trợ các hoạt động của Hội CCB cơ sở… Mỗi năm, ông đóng góp khoảng 100 triệu đồng để chăm lo các CCB gặp khó khăn về nhà ở, gia đình chính sách, hộ nghèo.

Hiện nay, Công ty của ông Dầy có 50 lao động, trong đó trên 50% là CCB, cựu quân nhân (CQN) và con, em của CCB. Ông Dầy quan tâm, chăm lo người lao động bằng việc hỗ trợ thêm gạo, tiền khi gia đình người lao động gặp khó khăn. Hai năm qua, ông Dầy đã hỗ trợ 4 người lao động xây dựng nhà ở, với số tiền 15-20 triệu đồng/người. Ông Nguyễn Văn Ðúng ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, chia sẻ: “Tôi làm công cho anh Dầy từ ngày mới mở trại mộc. Hằng tháng, ngoài tiền lương, tôi được anh tặng gạo. Nhờ vậy, vợ chồng tôi có tiền nuôi 2 con học đại học. Giữa năm 2023, anh Dầy tặng tôi 100 bao xi măng để xây dựng nhà…”.

Sau khi phục viên vào năm 1990, CCB Tạ Thị Thu ở phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, thuê mặt bằng bán bánh sinh nhật, nguyên liệu làm bánh. Khởi nghiệp từ khi ngành nguyên liệu bánh còn ít người kinh doanh, bà Thu dần tạo được thương hiệu, tăng lượng khách hàng. Hiện nay, bà Thu là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của 2 công ty chuyên về nguyên liệu ngành bánh và pha chế là Công ty TNHH sản xuất - thương mại - dịch vụ Vũ Phúc (quận Cái Răng) và Công ty TNHH Mekong Xuân Phúc (quận Ninh Kiều). Các công ty đang phân phối nguyên liệu cho nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh ở TP Cần Thơ và các tỉnh vùng ÐBSCL. “Nhiều lúc việc kinh doanh không thuận lợi như kỳ vọng, nhưng tôi nghĩ người lính trong thời bình phải luôn giữ vững ý chí, luôn có những ý tưởng mới trong kinh doanh, cung cấp thêm dịch vụ hậu mãi để giữ được khách hàng, tăng uy tín của thương hiệu” - bà Thu cho biết.

CCB Tạ Thị Thu hướng dẫn học sinh làm bánh.

Các công ty của bà Thu đang tạo việc làm cho khoảng 200 lao động, trong đó có nhiều thanh niên xuất ngũ trở về địa phương, với thu nhập 7-10 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, bà Thu hỗ trợ 100-200 triệu đồng cho các hoạt động an sinh xã hội trên địa bàn Cần Thơ. Ðặc biệt, 9 năm qua, bà Thu kết hợp Hội LHPN các quận, huyện để mỗi năm tặng 1 căn nhà (trị giá từ 50-70 triệu đồng) cho hội viên phụ nữ gặp khó khăn về nhà ở. Hiện nay, với vai trò là Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP Cần Thơ và là thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Doanh nhân CCB TP Cần Thơ, bà Thu dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp; tổ chức các lớp dạy làm bánh cho phụ nữ, học sinh... với mức phí tượng trưng để lan tỏa tình yêu với nghề.

Đoàn kết giúp nhau nâng cao đời sống

Hơn 4 năm trước, CCB Trần Ngọc Ninh ở khu vực Thới Hòa, phường Phước Thới, quận Ô Môn, đi tham quan, học tập kinh nghiệm và thử nuôi 6.000 con lươn giống. 8 tháng sau, ông Ninh thu lãi hơn 70 triệu đồng. Ông cũng bắt đầu học kỹ thuật sản xuất lươn giống để bán với giá khoảng 2.200 đồng/con. Ông Ninh cho biết: “Nuôi lươn khó nhất là đảm bảo nguồn nước sạch để lươn mau lớn. Giá lươn thịt có khi biến động, nhưng người nuôi luôn có lãi. Hiện nay, mỗi lứa lươn nuôi 8 tháng cho lãi hơn 13 triệu đồng/1.000 con”.

Nhận thấy mô hình của ông Ninh có hiệu quả nên tháng 4-2022, Hội CCB phường Phước Thới thành lập Tổ hợp tác (THT) Nuôi lươn gồm 14 thành viên, trong đó có 9 CCB, CQN. Với vai trò tổ trưởng, ông Ninh thường xuyên đến trao đổi kinh nghiệm; hướng dẫn các thành viên kỹ thuật nuôi lươn; hỗ trợ thức ăn, con giống… Ông Ninh cũng kết nối để các thành viên trong THT ký hợp đồng với một công ty thu mua lươn. Hiện nay, mỗi thành viên của THT nuôi từ 6.000-10.000 con. Riêng CCB Trần Ngọc Ninh đang nuôi 22.000 con. Theo ông Ninh, THT hướng tới mô hình nuôi lươn sạch, được công nhận đạt chuẩn OCOP; đồng thời kết nạp thêm thành viên để giúp đỡ CCB, CQN, người dân địa phương tăng thu nhập.

THT Nuôi dê thịt của Hội CCB phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, được thành lập tháng 8-2017, gồm 6 thành viên là hội viên CCB, CQN và người dân địa phương. Các thành viên của Tổ đang nuôi 124 con dê thịt, dê giống. CCB Phạm Văn Hậu, ở khu vực Tân An, cho biết: “Gia đình tôi có 5 công đất trồng mãng cầu, mít, xoài nhưng không hiệu quả bằng nuôi dê. Ban đầu, tôi nuôi 4 con dê nhưng giờ đã nhân giống ra 25 con. Khi vào THT, các thành viên hỗ trợ nhau con giống, làm chuồng trại; trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi dê, giới thiệu mối lái thu mua dê thịt…”. Theo ông Nguyễn Văn Gò, Chủ tịch Hội CCB phường Thuận Hưng, THT đã được Hội CCB phường giới thiệu vay hơn 200 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội quận để làm chuồng trại, mua dê giống. Các thành viên có thu nhập hơn 100 triệu đồng/người/năm.

Gia đình CCB Phạm Văn Hậu (bìa trái) có cuộc sống khấm khá sau khi tham gia mô hình THT Nuôi dê thịt của Hội CCB phường Thuận Hưng. 

Hội CCB thành phố còn đẩy mạnh phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” thông qua nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội nghị đầu bờ; hỗ trợ hội viên vay vốn, xây dựng các tổ hùn vốn xoay vòng không có lãi hoặc lãi suất thấp… Ðồng thời, tăng cường vận động cất mới, sửa nhà cho CCB, CQN. Ðến nay có 76/83 xã, phường; 7/9 quận, huyện không còn CCB thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo; không còn hội viên ở nhà tạm bợ, dột nát. Tỷ lệ hội viên CCB khá, giàu hằng năm tăng 3-5%.

Hiện nay, Hội CCB thành phố có 11 hợp tác xã, 60 THT; 5 mô hình kinh tế trang trại, 247 mô hình kinh tế gia trại, 829 hộ kinh doanh, dịch vụ do CCB quản lý. Nhiều mô hình kinh tế do CCB làm chủ đã tạo sức lan tỏa, nhân rộng, như: THT Nuôi lươn không bùn của các Hội CCB phường Thới An Đông (quận Bình Thủy), Hội CCB xã Trường Xuân (huyện Thới Lai); THT Nuôi dê của các Hội CCB phường Trung Nhứt (quận Thốt Nốt), Hội CCB thị trấn Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh); THT Vườn cây ăn trái của Hội CCB xã Mỹ Khánh (huyện Phong Điền)… Nhiều thương hiệu sản phẩm do CCB làm chủ đã đạt chuẩn OCOP, như: “Đông trùng hạ thảo Cờ Đỏ - Huấn Xoa” của CCB Bùi Quang Huấn ở xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ; “Mắm cá tra Út Anh” của CCB Chương Văn Khanh, ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt. Các mô hình kinh tế do CCB đang tạo việc làm cho khoảng 4.000 lao động là CCB, CQN và người dân các quận, huyện. 

(Còn tiếp)

-----------

Bài 3: “Thật thà nhúng tay vào việc…”

 

Chia sẻ bài viết