Bài, ảnh: HÀ VĂN
Sau gần một năm thực thi Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ÐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (gọi tắt là Nghị quyết số 13) nhiều chương trình, dự án, thể chế chính sách được triển khai thực hiện. TP Cần Thơ đã hành động, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn phát triển...
Công trình thích ứng BĐKH, phát triển đô thị, du lịch chuẩn bị hoàn thành trên địa bàn quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.
Ðưa Nghị quyết vào cuỘc sống
Dự án xây dựng cầu Cờ Ðỏ do Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí thực hiện hơn 165,6 tỉ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Tổng chiều dài toàn tuyến là 369m, trong đó cầu Cờ Ðỏ dài 83,1m, thuộc công trình giao thông cấp III đồng bằng. Công trình dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023. Trong không khí se lạnh, báo hiệu mùa xuân mới sắp đến, đứng trước công trình xây dựng đường dẫn và cầu Cờ Ðỏ kiên cố, đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ông Nguyễn Thanh Hải ở thị trấn Cờ Ðỏ, huyện Cờ Ðỏ, phấn khởi cho biết: “Từ khi đường tỉnh 922 mở rộng hoàn thành xây dựng, nối liền tỉnh lộ 919 và các địa phương lân cận lưu lượng giao thông ngày càng đông đúc. Nay có thêm cầu Cờ Ðỏ, đường giao thông nối liền được nâng cấp, có vỉa hè tản bộ nên ai cũng vui mừng, phấn khởi…”.
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP Cần Thơ, cho biết: “Cầu Cờ Ðỏ nằm trên đường tỉnh 919 là tuyến giao thông rất quan trọng kết nối liên huyện và liên tỉnh. Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố đã và đang triển khai đầu tư các dự án giao thông lớn, trọng điểm, mang tính đột phá để đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố xứng tầm vai trò, vị trí là trung tâm, động lực phát triển của vùng ÐBSCL theo tinh thần Nghị quyết số 13…”.
TP Cần Thơ cũng như các địa phương vùng ÐBSCL triển khai và đón nhận nhiều công trình, dự án phát triển hạ tầng, KT-XH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và chuẩn bị triển khai thực hiện. Ðiển hình Dự án Phát triển bền vững TP Cần Thơ thích ứng biến đổi khí hậu (BÐKH) đang được UBND TP Cần Thơ phối hợp Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam hoàn thành thủ tục để triển khai thực hiện. Theo đó, Dự án do UBND TP Cần Thơ chủ quản, JICA là đơn vị tài trợ với tổng vốn đầu tư khoảng 9.791 tỉ đồng, thực hiện từ 2022-2026. Dự án có 3 hợp phần chính: hợp phần 1 nâng cấp, mở rộng tuyến nối Cần Thơ - Hậu Giang (quốc lộ 61C) giai đoạn 2 (đoạn qua địa phận TP Cần Thơ), tổng chiều dài tuyến khoảng 10,2km; Hợp phần 2 gồm đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang (đoạn đi qua địa phận TP Cần Thơ), chiều dài tuyến khoảng 27,3km; Hợp phần 3 gồm cầu Ô Môn bắc qua sông Hậu kết nối với tỉnh Ðồng Tháp. Các địa phương (Cần Thơ, Kiên Giang, Ðồng Tháp) lập dự án theo tuyến liên vùng và tham gia chương trình DPO. Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, JICA tiếp tục hỗ trợ TP Cần Thơ và các tỉnh trong quá trình thực hiện các bước tiếp theo để sớm triển khai dự án đúng tiến độ...
Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, từ nay đến năm 2025, ÐBSCL có kế hoạch được phân bổ khoảng 388.000 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương để hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm, như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau; các tuyến giao thông kết nối liên vùng; tuyến ven biển; các công trình thủy lợi cho nông nghiệp, khắc phục sạt lở... Nhưng để huy động được nguồn vốn này cần sự kết nối chặt chẽ của bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Quyết tâm thực hiện
Nghị quyết số 13 tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng ÐBSCL trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; thay đổi về tư duy và nhận thức của các cấp từ Trung ương đến địa phương về phát triển vùng nhanh và bền vững, đưa liên kết vùng trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng.
Quyết liệt và chủ động, UBND TP Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 170/KH-UBND ngày 12-8-2022 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18-6-2022 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13. Trên cơ sở đó, các sở, ngành chức năng và UBND các quận, huyện đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng ÐBSCL, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác trong cả nước; chủ động đề xuất các phương án, lĩnh vực hợp tác phù hợp theo nguyên tắc tự nguyện, tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi trên cơ sở phát huy vai trò trung tâm vùng của thành phố và tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, phục vụ mục tiêu phát triển và quản lý vùng. Phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành Trung ương liên quan tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng tuyến đường bộ, các tuyến đường do thành phố quản lý để kết nối và phát huy hiệu quả đầu tư của các tuyến cao tốc, quốc lộ, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH.
Thành phố kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics lớn có khả năng kết nối tốt với các cảng, các tuyến vận tải chính, đảm nhận tốt hơn việc vận tải hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa trực tiếp, giảm chi phí trung chuyển. Ðẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ số; xây dựng và vận hành tốt hệ thống chính quyền điện tử, đô thị thông minh, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ban đêm. Phát triển công nghiệp xanh, tập trung ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ có giá trị gia tăng cao, có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu…
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khẳng định: “Xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 13 nhằm quán triệt và chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ nội dung một cách nghiêm túc và có hiệu quả. Mục tiêu đến năm 2030 TP Cần Thơ thật sự là trung tâm của vùng về giao thương, dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ÐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc...”.
Kế hoạch số 170/KH-UBND đưa ra một số chỉ tiêu: tăng trưởng GRDP của thành phố phải đạt mức 7-7,5%/năm giai đoạn 2025-2030, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9-11,5%/năm; phấn đấu tổng thu ngân sách hằng năm đạt và vượt chỉ tiêu dự toán Trung ương giao; tốc độ đổi mới công nghệ máy móc, thiết bị đạt trên 15%/năm. Ðến năm 2030, GRDP/người của thành phố đạt 9.400-11.000 USD; cơ cấu kinh tế: dịch vụ chiếm 56,5-56,7%, công nghiệp và xây dựng chiếm 34-34,3%, nông nghiệp chiếm 3,4-4%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5-5,6%; tổng sản phẩm công nghệ cao so với tổng giá trị sản phẩm đạt khoảng 45-50%. Tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ phải là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc sông nước vùng ÐBSCL, thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á…