30/11/2018 - 20:34

Hành động để đạt mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 

Đó là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS diễn ra từ 10-11 đến 10-12-2018… Tại Cần Thơ, thành phố đã nỗ lực thực hiện mục tiêu này và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Mục tiêu 90-90-90

Hội nghị AIDS toàn cầu ở Úc tháng 7- 2014, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra các mục tiêu đến năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Nếu đạt được 3 mục tiêu quan trọng này, thì có thể phát hiện được hầu hết những người nhiễm HIV trong cộng đồng; điều trị được hầu hết người nhiễm HIV với kết quả điều trị tốt, giảm tối đa khả năng lây nhiễm HIV cho người khác, người đã nhiễm HIV có cuộc sống khỏe mạnh. Khi các mục tiêu 90-90-90 đạt được vào năm 2020 sẽ tạo đà để đạt mục tiêu lớn hơn là kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Lấy máu xét nghiệm HIV tại các sự kiện truyền thông phòng, chống HIV/AIDS.

Tại Việt Nam, theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, đây là năm thứ 5 theo đuổi mục tiêu 90-90-90. Với mục tiêu 90% đầu tiên, hiện nay cả nước với hơn 1.300 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV ở 100% các huyện, 138 phòng xét nghiệm khẳng định HIV. Ngoài ra, xét nghiệm HIV còn triển khai tại cộng đồng do các cán bộ y tế hoặc nhân viên tiếp cận cộng đồng được tập huấn thực hiện thông qua hình thức lấy máu đầu ngón tay để xét nghiệm hoặc tự xét nghiệm bằng dịch miệng.

Theo ước tính, cả nước hiện có 250.000 người nhiễm HIV còn sống. Tuy nhiên chỉ có khoảng gần 80% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của mình. Như vậy vẫn còn hơn 50.000 người chưa biết mình nhiễm HIV và họ có thể vô tình là nguồn lây cho cộng đồng. Ở mục tiêu 90% thứ hai, thuốc ARV hiện nay được điều trị miễn phí và sẽ được cấp thông qua bảo hiểm y tế (BHYT) trong những năm tới. Việc điều trị ARV đã mở rộng, tất cả người nhiễm HIV sẽ được điều trị ngay mà không phụ thuộc vào CD4 và giai đoạn lâm sàng. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ 65% người nhiễm HIV tham gia điều trị ARV.

Trong những năm qua, Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS như 10 năm liền dịch HIV được kiểm soát ở 3 tiêu chí: giảm số người nhiễm mới, giảm số chuyển sang AIDS và giảm số tử vong. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn xa với mục tiêu 90-90-90 của Liên Hiệp Quốc đề ra.

Nỗ lực phòng, chống HIV/AIDS

Cùng với cả nước, những năm qua, TP Cần Thơ rất quan tâm đến công tác phòng, chống HIV/AIDS. Theo Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Bùi Thị Lệ Phi, để ứng phó với tình hình, Sở đã tham mưu xây dựng Đề án bảo đảm nguồn tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS từ năm 2014-2020, tổng kinh phí 48 tỉ đồng. Qua mỗi năm, kinh phí trung ương và dự án giảm dần, kinh phí địa phương tăng dần. Năm 2013 địa phương cấp 3,1 tỉ đồng, trung ương cấp 2,6 tỉ đồng, thì năm 2018 địa phương cấp 9,5 tỉ đồng, trung ương cấp 600 triệu đồng cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết hỗ trợ mua thẻ  BHYT cho đối tượng nhiễm HIV và phụ nữ mại dâm hoàn lương; hỗ trợ cho cộng tác viên HIV/AIDS mỗi tháng thêm 0,1 mức lương cơ sở. Ngành y tế cũng chuyển các cơ sở điều trị HIV về các bệnh viện, trung tâm y tế để thuận lợi hơn trong công tác điều trị và người nhiễm được hưởng các quyền lợi về BHYT. Đây là thể hiện sự nhân ái, không kỳ thị với người nhiễm. Vì thế, dù dự án tài trợ của nước ngoài giảm dần, nhưng TP Cần Thơ tiếp tục khống chế được tốc độ gia tăng của dịch HIV/AIDS, giảm cả 3 mặt: giảm số nhiễm mới phát hiện, giảm số tử vong và giảm sự kỳ thị phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV/AIDS. 

Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ, với mục tiêu 90-90-90, hiện TP Cần Thơ đạt mức 79-74-96. Tại hội nghị triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ Huỳnh Minh Trúc, cho biết, những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh hoạt động can thiệp giảm hại trong phụ nữ mại dâm và ma túy nên tình hình nhiễm HIV trong nhóm này giảm dần và ổn định. Riêng quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM), tỷ lệ nhiễm HIV tăng nhanh, qua xét nghiệm, dao động khoảng 20%. Vì thế, tư vấn xét nghiệm HIV tập trung cho nhóm này. Dự kiến mở rộng xét nghiệm HIV khẳng định ở quận Thốt Nốt và huyện Thới Lai.

Bác sĩ Bùi Thị Lệ Phi khẳng định, Bộ Y tế ban hành Thông tư 27/2018/TT-BYT (ngày 26-10-2018), hướng dẫn thực hiện BHYT và khám bệnh, chữa bệnh BHYT liên quan đến HIV/AIDS và Thông tư số 28/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 Quy định về quản lý điều trị người nhiễm HIV, người phơi nhiễm với HIV tại các cơ sở y tế đã chứng minh sự quan tâm đối với người nhiễm HIV và họ có quyền bình đẳng như bao bệnh nhân khác. Do vậy, các cơ sở y tế phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV điều trị. Các cơ sở điều trị Methadone phối hợp lực lượng công an đưa người nghiện heroin vào điều trị Methadone. Hiện nay, Methadone mới đạt 70% chỉ tiêu giao. Ngoài ra, tập trung các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại các quận có số nhiễm HIV còn sống trên 100.000 dân cao như Ninh Kiều, Cái Răng, Thốt Nốt.

Bài, ảnh: H.HOA

Chia sẻ bài viết