 |
Xe máy điện có kiểu dáng tương tự các loại xe gắn máy tay ga đang thu hút sự chú ý của nhiều đối tượng khách hàng. |
Thị trường xe đạp điện, xe máy điện ở TP Cần Thơ càng sôi động khi có thêm các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này. Nguồn hàng, chủng loại và mẫu mã các loại xe được bày bán khá đa dạng phong phú... Bên cạnh các sản phẩm nhập ngoại, xe đạp, xe máy điện sản xuất trong nước cũng được người tiêu dùng ưa chuộng...
CHỦNG LOẠI NGÀY CÀNG PHONG PHÚ
Nếu như trước đây ở TP Cần Thơ chỉ có vài cơ sở kinh doanh xe đạp điện, xe máy điện thì nay đã có khoảng 10-15 cửa hàng, đại lý kinh doanh lớn bày bán nhiều chủng loại sản phẩm khác nhau. Ngoài các dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc từ Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản... còn xuất hiện nhiều chủng loại xe của các cơ sở liên doanh sản xuất và lắp ráp trong nước như: Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại Hiệp Tân, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Lắp máy miền Nam, Công ty TNHH Tia Chớp Xanh... Xe đạp điện, xe máy điện thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng bởi có nhiều nhãn hiệu (Emoto, Delta, Sonsu, E-Bike, Viha, Asama, Hitasa, Emperor, Robo, E-Go, Bluewing...) được thiết kế “bắt mắt” với nhiều màu sắc khác nhau như: xanh, đỏ, tím, vàng phù hợp với mọi lứa tuổi.
Trước đây, khi mới xuất hiện trên thị trường, sức tiêu thụ các loại xe đạp điện, xe máy điện rất chậm. Nay, giá xăng dầu liên tục tăng cao đã thu hút được sự chú ý của không ít đối tượng khách hàng. “Sử dụng xe gắn máy mỗi tuần tôi thường phải tốn khoảng 50.000 đồng tiền mua xăng. Khi chuyển sang xe máy điện chi phí cho nạp điện hết khoảng 1.500-2.000 đồng/lần sạc, tính ra mỗi tháng có thể tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ so với xe gắn máy” - chị Nguyễn Thị Hải, ngụ tại số nhà 110 đường 30-4, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ nhận xét.
Ông Nguyễn Tấn Tiếp, đại diện chi nhánh Công ty TNHH Sinh Đạt tại TP Cần Thơ, nói: “Đặc điểm chung của xe đạp điện nếu không chạy bằng điện, thì sử dụng như xe đạp thông thường. Kích thước và trọng lượng xe khá gọn nhẹ, khoảng 28-35 kg. Thời gian sạc của những chiếc xe này khoảng 4-6 giờ cho phép chạy liên tục khoảng 40km mới phải sạc điện, tốc độ đạt từ 25-30km/h”.
Theo nhận định của giới kinh doanh, xe đạp điện, xe máy điện sản xuất, lắp ráp trong nước có chất lượng không thua kém xe nhập khẩu. Giá bán, chế độ bảo hành... cũng rất cạnh tranh so với các loại xe nhập khẩu cùng loại nên cũng được người tiêu dùng chuộng mua. Trên thị trường, xe đạp điện nhãn hiệu Greenbike, Delta, Thống Nhất... có giá bán dao động khoảng 3,7-4,6 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, các loại xe nội ít chú trọng đến thay đổi kiểu dáng, hình thức, mẫu mã sản phẩm nên ít thu hút người tiêu dùng, nhất là đối tượng khách hàng trẻ. Trong khi đó, dòng xe ngoại nhập (phần lớn là xe có xuất xứ từ Trung Quốc) khá phong phú về chủng loại, màu sắc và nhiều tính năng phụ trợ như: đồng hồ tốc độ, đèn pha, giảm sốc... giá bán trung bình từ 5-6 triệu đồng/chiếc.
Gần đây, thị trường còn xuất hiện dòng xe máy điện có kiểu dáng gần giống các mẫu xe tay ga của các hãng xe gắn máy có tiếng trên thị trường như: Spacy, Classcio, Nouvo, Excel, Attila Elizabeth, Piaggio... Tại các cửa hàng kinh doanh, những dòng xe này hiện có giá bán dao động từ 7-10 triệu đồng/chiếc.
Anh Liang Triệu, chủ cửa hàng kinh doanh Liang Triệu (đường Lý Tự Trọng, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cho biết: “Những năm trước, khách hàng chủ yếu là những người đứng tuổi thì nay đã có rất nhiều đối tượng người tiêu dùng trẻ là học sinh, sinh viên tìm đến mua xe. Sức tiêu thụ mặt hàng này vì thế cũng tăng mạnh. Mặc dù, ở nội ô TP Cần Thơ đã có khoảng 15 cửa hàng kinh doanh mặt hàng này, sức cạnh tranh cũng gay gắt hơn nhưng lượng xe đạp điện và xe máy điện bán ra tại cửa hàng này cũng đạt khoảng 100-150 chiếc/tháng. Những tháng cao điểm lượng xe có thể lên đến 300 chiếc/tháng”.
ĐỂ TĂNG ĐỘ BỀN CỦA XE
Nhược điểm của xe đạp điện, xe máy điện là linh kiện rất hiếm nên khó thay thế. Anh Liang Triệu hướng dẫn: bộ phận quan trọng nhất của xe đạp điện, xe máy điện là bình điện. Nếu bình không cầm hơi thì khi sạc điện không vào hoặc có đèn báo nhưng lượng điện tích trong bình không nhiều, xe nhanh hết điện. Khi mua xe, khách hàng nên chọn loại bình ắc-quy có chổi than và mô-tơ phát lực kéo trực tiếp có bộ phận ngắt điện tự động (được gắn ở đùm xe). Vì nếu có chức năng ngắt điện tự động thì xe có thể ngưng hoạt động mỗi khi dừng lại, bình ắc-quy ít tiêu hao điện năng không cần thiết, độ bền sẽ lâu hơn.
Theo ông Nguyễn Tấn Tiếp, trong quá trình vận hành, khách hàng không nên chạy đến kiệt bình và phải nạp điện hàng ngày, kể cả lúc không sử dụng. Khi lên dốc hoặc chở nặng thì nên chạy lấy trớn. Lúc khởi động cần phải đạp lấy đà trước khi bật động cơ để nhẹ máy của xe. Xe đã sử dụng nhưng sau 3 tháng không đi, bình ắc-quy không được sạc điện sẽ dễ bị chai, khả năng tích điện kém. Mỗi xe thường có từ 2-4 bình điện. Nếu một bình ắc-quy hư hỏng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hai ắc-quy còn lại và phải sớm thay cả ba bình rất tốn kém (bình ắc-quy hiện có giá bán khoảng 370.000-800.000 đồng/bình). Khi mua xe cũng nên quan sát và tìm hiểu kỹ thông tin về hệ thống điện, ắc-quy, vị trí đặt môtơ, bộ điều tốc và mạch điều khiển. Vị trí động cơ và bộ tải cũng rất quan trọng. Những bộ phận này thường lắp đặt thấp dưới gầm xe (đối với xe máy điện) và trục giữa bánh xe phía sau (đối với xe đạp điện). Khi trời mưa, không nên để xe ngập bánh vì như vậy nước sẽ tràn vào trong động cơ dễ làm hư động cơ và bình điện.
Trong khi giá xăng dầu tăng cao, xe đạp điện, xe máy điện đang được không ít người tiêu dùng ưa chuộng vì tiết kiệm được chi phí. Việc mua sắm xe cũng rất đơn giản vì người điều khiển xe không cần giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, không hạn chế độ tuổi... Gần đây, lượng xe đạp điện, xe máy điện tham gia giao thông ngày càng nhiều. Tuy nhiên, phần lớn những người điều khiển loại xe này do không đội nón bảo hiểm và tốc độ không thua kém xe gắn máy, không phát ra tiếng động nên rất dễ gây tai nạn trên đường. Đây cũng là mối lo của những người tham gia giao thông. Thiết nghĩ, người điều khiển xe điện nên ý thức bảo vệ mình bằng cách đội nón bảo hiểm và đi đúng tốc độ quy định.
Bài, ảnh: TRIỀU DÂNG