09/03/2009 - 08:26

Hamas và Fatah tái hợp?

Hai ông Abbas (phải) và Haniyeh thời quan hệ Fatah- Hamas còn nồng ấm.

Việc Thủ tướng Salam Fayyad hôm 7-3 đệ đơn từ chức theo yêu cầu của Hamas khiến tiến trình tái lập chính phủ đoàn kết dân tộc ở Palestine có vẻ như thuận lợi hơn. Theo đó, ông Fayyad sẽ rời nhiệm sở ngay sau khi một chính phủ liên hiệp mới giữa Fatah và Hamas được thành lập, dự kiến chậm nhất là vào cuối tháng này.

Sau khi Tổng thống Mahmould Abbas của Fatah cách chức Thủ tướng Ismail Haniyeh của Hamas, Hamas lập tức đánh chiếm Dải Gaza vào tháng 6-2007, khiến Fatah chỉ kiểm soát được khu Bờ Tây. Phương Tây và nhiều nước trong khu vực ủng hộ chính quyền ông Abbas, đồng thời ra sức cô lập Hamas (Israel và Ai Cập cũng đóng cửa biên giới với Gaza). Nhiều vụ đụng độ đẫm máu từng xảy ra giữa lực lượng Fatah và Hamas. Tuy nhiên, sau cuộc tấn công của Israel tàn phá nặng nề Dải Gaza hồi tháng 1 vừa qua, Fatah và Hamas đều nhận thấy bắt tay hòa hoãn là thượng sách, bởi nó đáp ứng những lợi ích riêng của cả hai bên.

Đầu tháng này, các nhà tài trợ quốc tế cam kết cung cấp 5,2 tỉ USD cho việc tái thiết Gaza, nhưng số tiền đó sẽ được trao cho chính quyền của Tổng thống Abbas chứ không qua tay Hamas. Do vậy, chỉ có tham gia chính phủ đoàn kết dân tộc thì Hamas mới có cơ may quản lý số tiền trên, từ đó củng cố sự ủng hộ của 1,4 triệu người Gaza. Trong khi đó, Tổng thống Abbas mong muốn hợp tác với Hamas để phe này ngừng công kích vào uy tín vốn đang giảm sút của ông. Ông Abbas mất khá nhiều “điểm” trong mắt cử tri Palestine do phản ứng không quyết đoán trong vụ Israel tấn công Gaza. Ngoài ra, cuộc đàm phán hòa bình giữa ông với chính phủ Israel đến nay vẫn giậm chân tại chỗ, và dự đoán sắp tới đây sẽ còn khó khăn hơn khi cánh hữu lên cầm quyền ở Tel Aviv.

Ngày mai 10-3, Fatah và Hamas sẽ nối lại đàm phán tại Cairo (Ai Cập) về 5 vấn đề chủ yếu, bao gồm thành lập chính phủ mới; tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội; cải tổ lực lượng an ninh; thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin; và vai trò của Hamas trong Tổ chức giải phóng Palestine (PLO).

Có nhiều dư luận xung quanh tiến trình hòa giải hòa hợp ở Palestine. Người ta cho rằng ông Abbas khó có thể thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc được phương Tây (nhà tài trợ chính của Palestine) ủng hộ, bởi trước nay cả Mỹ và châu Âu đều phản đối việc Hamas tham gia điều hành đất nước. Trong một động thái được xem là bớt cứng rắn hơn đối với Hamas, Nhà Trắng mới đây tuyên bố sẽ thừa nhận chính phủ mới ở Palestine nhưng với điều kiện ông Fayyad phải tiếp tục làm thủ tướng. Vấn đề là liệu Hamas có chấp nhận nhượng bộ?

Có lẽ do lường trước được những bất trắc, nên Tổng thống Abbas vẫn để ngỏ khả năng tái bổ nhiệm ông Fayyad vào ghế thủ tướng một khi cuộc đàm phán với Hamas thất bại.

LÊ DÂN
(Theo Reuters, AP)

Chia sẻ bài viết