Cảnh “thất mùa trúng giá” hay “được mùa thất giá” làm suy giảm khả năng tái đầu tư của người trồng lúa ở ĐBSCL không còn là chuyện lạ. Ngày 24-6-2002, Quyết định 80/2006/QĐ-TTg (Quyết định 80) của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ hàng hóa nông sản thông qua hợp đồng ra đời là giải pháp gắn sản xuất với tiêu thụ. Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện chính sách này, người trồng lúa và doanh nghiệp (DN) đã có mối quan hệ hài hòa hơn...
Hiệu quả sản xuất gắn với hợp đồng tiêu thụ
Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ (trước đây là Nông trường Cờ Đỏ) là đơn vị thực hiện Quyết định 80 tích cực nhất. Ngoài việc triển khai chính sách, văn bản pháp luật đến nhà nông, công ty còn chủ động đặt hàng các nhà khoa học Trường Đại học Cần Thơ để lai tạo các giống lúa chất lượng cao, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật canh tác cho nông dân. Việc tổ chức điều hành sản xuất khoa học ở quy mô lớn như bố trí lịch thời vụ, làm đất, bơm nước, bảo quản sau thu hoạch... đều do công ty đảm nhận. Mỗi vụ lúa, công ty đầu tư 70 - 80% vật tư đầu vào, cho bà con vay tiền để sản xuất... và đảm bảo bao tiêu 100% lúa hàng hóa với mức lợi nhuận thấp nhất từ 35- 40% theo giá thị trường.
|
Công ty Mekong là một trong những doanh nghiệp tại TP Cần Thơ thực hiện việc hợp đồng bao tiêu lúa hàng hóa của nông dân. Trong ảnh: Chế biến gạo xuất khẩu ở Xí nghiệp Mỹ Khánh (Công ty Mekong). Ảnh: KHÁNH TRUNG |
Anh Trương Quốc Hoàng, ở ấp 1, xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ, là một trong số nông dân có hợp đồng với Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ. Năm nào cũng vậy, anh Hoàng trồng lúa 3,1 ha có hợp đồng lời cả chục triệu đồng. Nhưng vụ thu đông vừa qua, anh “xé rào” trồng thêm trên 1,2 ha lúa. Đến khi thu hoạch, lúa rớt giá, không có nơi tiêu thụ; hậu quả là đến đầu vụ lúa đông xuân 2008 - 2009, nhà anh còn tồn trên 5 tấn lúa. Anh Hoàng cho biết: “Bây giờ chẳng ai chịu mua, lúa trữ trong nhà hư nhiều vì bị ẩm mốc, mối mọt, chuột... Tính ra, lỗ cả chục triệu đồng. Tôi sợ rồi! Mai mốt chỉ dám sản xuất theo kế hoạch hợp đồng của công ty thôi!”.
Không như trường hợp anh Hoàng, nhiều năm nay, việc trồng lúa của xã viên HTX Phước Thành, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, từ khi thành lập (năm 2004) đảm bảo luôn có lời. Ông Tô Hoàng Thiện, Chủ nhiệm HTX, cho biết: “Hằng năm, chúng tôi sản xuất đều có hợp đồng với Công ty cổ phần Mekong (TP Cần Thơ), với mức giá sàn quy định trước trong hợp đồng. Ngoài ra, công ty luôn điều chỉnh mức giá mua khi giá trên thị trường tăng, nên tạo được lòng tin trong xã viên của HTX”. Vụ đông xuân 2007-2008, diện tích ký kết hợp đồng của HTX với công ty chỉ 32 ha, nhưng đến vụ đông xuân 2008-2009 tổng diện tích được ký kết lên đến 72 ha. Theo ông Thiện, diện tích của HTX chỉ có 40 ha, phần còn lại là của nông dân trong địa phương. Năm qua, giá lúa hàng hóa quá bấp bênh nên có nhiều nông dân xin đăng ký sản xuất theo hợp đồng.
Thực hiện còn khiêm tốn
Qua hơn 6 năm thực hiện Quyết định 80, các mô hình gắn kết theo quyết định này đang dần phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, theo các ngành chức năng, diện tích ký hợp đồng trên tổng diện tích sản xuất không quá 10%. Theo thống kê sơ bộ của Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ, Công ty CP Mekong, Công ty Gentraco, Công ty TNHH Angimex - Kitoku (An Giang)... đã có gần 15.000 ha lúa vụ đông xuân 2008-2009 của nông dân ĐBSCL được ký hợp đồng tiêu thụ. Con số này còn quá khiêm tốn so với tổng diện tích sản xuất 1,5 triệu ha vụ đông xuân toàn vùng.
Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho rằng: “Một số địa phương chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện Quyết định 80. Hợp đồng ký kết chưa được giải thích rõ ràng với người nông dân; không có sự thống nhất về địa điểm thu mua, ẩm độ, tạp chất... chưa đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, thiếu chế tài khi các bên không thực hiện đúng hợp đồng. Một số nơi, hợp đồng bao tiêu sản phẩm chỉ mang tính hướng dẫn, không phải là hợp đồng kinh tế nên tính pháp lý không cao. Do đó, các bên dễ vi phạm hợp đồng. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng nông thôn như đường giao thông thủy bộ, bến bãi tập kết lúa... chưa thuận lợi cho việc thu mua tập trung của DN”.
Mặt khác, DN cũng chưa quan tâm đầu tư vùng nguyên liệu, cũng như điều chỉnh kịp thời hợp đồng bảo đảm lợi ích của nông dân. Vào vụ thu hoạch, giá cả thị trường luôn biến động (giá nông sản thường tăng so với hợp đồng đã ký), một số nông dân không thực hiện đúng hợp đồng đã ký kết, ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của các DN. Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ, cho biết: “Nhiều hộ nông dân chưa có thói quen bán lúa khô theo đúng tiêu chuẩn và phần lớn không có phương tiện vận chuyển đến các nhà máy. Còn DN thường mua gạo nhiều hơn mua lúa do chưa đầu tư đầy đủ hệ thống lò sấy, kho chứa... Phần lớn chế biến theo quy trình ngược nên tỷ lệ gạo nguyên không cao, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất và chất lượng hạt gạo”. Trong khi đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL manh mún, việc ký hợp đồng với từng hộ dân rất khó khăn trong nghiệp vụ đối với DN. Hợp tác xã nông nghiệp, tổ kinh tế hợp tác còn yếu, quy mô nhỏ và chưa phát huy hết tiềm năng, chưa được củng cố kịp thời nên DN còn ngại ký hợp đồng bao tiêu. Nguồn cung cấp lúa giống vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người sản xuất về chất lượng và số lượng, giá lúa giống cấp xác nhận cao nên cũng ảnh hưởng đến khả năng ký kết hợp đồng của nông dân...
Mô hình cần được nhân rộng
Từ kinh nghiệm triển khai Quyết định 80 thời gian qua, theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, phải có sự tham gia của các cấp chính quyền. Chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi, vận động nông dân thực hiện đúng hợp đồng, phản ánh những khó khăn khi thực hiện hợp đồng của nông dân với DN để có biện pháp xử lý. Công tác tuyên truyền, triển khai hợp đồng bao tiêu nông sản phải được phổ biến kịp thời đến các hộ nông dân trước khi xuống giống. Các DN có chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu ổn định như: đầu tư giống, kho bãi, đầu tư ứng trước vốn thì kết quả thực hiện hợp đồng thường đạt được khá cao (cần xem xét đây là tiêu chuẩn DN tham gia xuất khẩu). Mặt khác, hợp đồng phải rõ ràng và được giải thích cặn kẽ về quyền lợi và nghĩa vụ cho các bên; giá cả linh hoạt theo giá thị trường nhưng vẫn đảm bảo lợi ích của cả DN và nông dân. Hợp đồng được ký kết với các tổ kinh tế tập thể thường thuận lợi trong khâu triển khai, ký kết hợp đồng và thu mua nông sản. Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật phải được triển khai đúng lúc, kịp thời... Thời gian qua, phần lớn các DN có ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm của nông dân chủ yếu tự bơi để tìm đầu ra. Vì thế, ông Lê Việt Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Mekong, cho rằng: “Nhà nước cũng cần hỗ trợ DN trong việc bố trí nguồn vốn hoặc để DN cùng tham gia các chương trình xúc tiến thương mại. Đồng thời, Nhà nước cũng cần xem xét điều chỉnh một số chủ trương, chính sách... cho phù hợp với tình hình thực tế”.
Theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, kinh nghiệm sản xuất lúa của nông dân Việt Nam không thua nông dân các nước trong khu vực. Tuy nhiên, do phương thức sản xuất nhỏ lẻ, khâu cơ giới hóa trong thu hoạch và sau thu hoạch hạn chế làm cho chất lượng hạt gạo không cao. Hệ thống thu mua, phân phối không có sự ràng buộc qua hợp đồng với các DN. Do vậy, tiêu chuẩn chất lượng hạt gạo cũng không được ràng buộc giữa việc sản xuất và người tiêu thụ, nên người nông dân chưa quan tâm nhiều đến chất lượng. Nếu chú trọng nhân rộng mô hình sản xuất gắn với hợp đồng tiêu thụ, chắc chắn nông dân sẽ ý thức việc nâng cao chất lượng hạt gạo và thay đổi tập quán sản xuất.
GIA BẢO - HÀ TRIỀU