08/02/2023 - 08:19

Gương sáng một gia đình văn hóa tiêu biểu 

Bài, ảnh: LỆ THU

Bà con ở khu vực Thới Ngươn B, phường Phước Thới, quận Ô Môn, hầu như ai cũng biết ông Mai Văn On (thường gọi ông Hai On) không chỉ vì ông là người lập ra chợ Hai On, mà còn vì vợ chồng ông là gương sáng vượt khó vươn lên, xây dựng gia đình hạnh phúc. Gia đình ông Hai On là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu cấp thành phố được tặng Bằng khen của UBND TP Cần Thơ năm 2022.

Vợ chồng ông Mai Văn On bên gian hàng tạp hóa của gia đình.

Ông Mai Văn On (sinh năm 1952) và bà Nguyễn Thị Bảy (sinh năm 1960) cưới nhau năm 1978. Ông Hai On kể: “Hồi mới lấy nhau, vợ chồng tôi ở chung với gia đình. Ông bà, cha mẹ lớn tuổi, già yếu, bệnh tật, các em thì còn nhỏ, nên vợ chồng tôi là lao động chính. Vợ chồng làm ruộng, trồng rau, nuôi heo, chịu khó chắt chiu, động viên nhau cố gắng vì tương lai. Bất ngờ tôi bị tai nạn giao thông vào năm 2001, chấn thương sọ não, liệt nửa người bên trái. Từ đó, mọi gánh nặng đổ dồn lên vai vợ tôi”.

Lúc này, 3 người con thì một người đi nghĩa vụ quân sự, 2 người đang học đại học, cha chồng và chồng đều bị bệnh, bà Bảy là trụ cột chính trong gia đình. Ngoài trồng trọt, chăn nuôi, bà Bảy bán xôi, bánh mì vào buổi sáng. Trưa về lại lo việc nhà, chăm sóc chồng, cha chồng... “Có lúc cực lắm, mệt lắm, nhưng mình mà gục ngã là không ai lo cho gia đình nữa. Các con phải học để có nghề nghiệp, tương lai. Chồng phải điều trị. Nghĩ vậy nên tôi đã có thêm động lực”, bà Bảy tâm tình. Sự kiên nhẫn và hy sinh vì gia đình của người mẹ, người vợ đã được đền đáp. Các con bà tốt nghiệp loại khá, giỏi và tìm được công việc ổn định, hỗ trợ cha mẹ về kinh tế. Ông Hai On cũng hồi phục nhiều, có thể đi lại và tự sinh hoạt cá nhân.

Lúc này, nhận thấy bà con ở địa phương có nhu cầu về chỗ nơi buôn bán nhưng không có chợ, đa phần bà con ngồi bán dọc lề đường. Vợ chồng ông Hai On bàn nhau tận dụng mảnh đất trống bên nhà để làm nơi bà con có chỗ buôn bán ổn định. Vợ chồng ông Hai On dọn cỏ, tráng xi măng, lợp mái đơn giản, rồi cho thuê chỗ buôn bán. Ai có nhu cầu thì đến liên hệ, ông thu xếp bán rồi thu tiền theo ngày hoặc tháng. Nhu cầu người thuê tới đâu, ông làm tới đó. Ông Hai cho biết: “Lúc đầu chỉ là cái chợ chồm hổm mười mấy người buôn bán. Về sau, càng đông người đến, tôi nghĩ phải xin phép làm chợ cho đàng hoàng. Sau khi xong hết các giấy tờ, thủ tục, tôi bắt tay vào xây dựng và chợ Hai On ra đời vào năm 2014”.

Chợ Hai On có diện tích khoảng 500m2 và nơi đây không có ki-ôt mà chỉ phân lô bán chỗ. Mỗi chỗ có diện tích lớn nhỏ tùy nhu cầu sử dụng của tiểu thương. Bà con buôn bán xong, cuối ngày thu dọn gọn gàng hàng hóa rồi ra về mà không sợ mất đồ. Chợ có lắp camera giám sát và nhà ông Hai On ở ngay đầu chợ, có quầy tạp hóa nên quản lý, trông coi chợ suốt ngày đêm. Tiểu thương ở chợ cho biết ông Hai chỉ thu tiền theo ngày hoặc tháng chứ không bắt đóng tiền dằn cọc cả năm nên nhẹ nỗi lo về kinh phí. Những người già có ít đồ rẫy, đồ vườn đến bán không thường xuyên, ông Hai On cũng không thu phí.

Gia đình ông Hai On còn tiên phong trong việc xây cầu, làm đường ở địa phương. Ở những tuyến hẻm nhánh nhỏ là đường mòn nhỏ hẹp, ông Hai On ra tiền làm lộ bê tông một số tuyến có nhiều người qua lại. Sau đó, vận động nhân dân góp công, góp của để xây cầu, làm đường. Nhiều nhà hảo tâm thấy việc làm ý nghĩa của ông cũng nhiệt tình ủng hộ. Ông làm theo kiểu có tiền tới đâu, mua vật tư tới đó. Nhân lực thì được đội làm cầu đường từ thiện của địa phương hỗ trợ. Cứ thế, từ sự chung sức đồng lòng của chính quyền và nhân dân địa phương, những tuyến đường, cây cầu dần được bê tông hóa.

Niềm vui của vợ chồng ông Hai On ngoài cuộc sống ổn định, con cái thành gia lập thất, cháu nội, cháu ngoại đề huề; còn đong đầy tình cảm, sự quý mến của bà con xóm giềng. Hơn hết, cái tình, cái nghĩa phu thê luôn trọn vẹn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào của vợ chồng ông là điều khiến mọi người trân quý.

Chia sẻ bài viết