01/10/2013 - 22:01

Hội Cựu chiến binh các tỉnh, thành phía Nam

Gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước

Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" (Chỉ thị 03), trong các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) các tỉnh, thành phía Nam đã xuất hiện hàng ngàn tập thể, cá nhân điển hình trong giúp nhau xóa đói giảm nghèo, đấu tranh chống tiêu cực, giữ gìn an ninh trật tự địa phương… Tại hội nghị sơ kết Chỉ thị 03 mới đây, nhiều CCB đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, cách làm hay khiến nhiều người dự hội nghị cảm động, thán phục …

Đoàn kết giúp nhau giảm nghèo

Hội CCB huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận, hiện có 17 cơ sở Hội, trong đó có 511 đảng viên, 334 hội viên là người dân tộc thiểu số. Hàm Thuận Bắc là huyện miền núi, đời sống nhân dân, trong đó có gia đình hội viên CCB, còn nhiều khó khăn. Vì vậy, phần lớn việc làm theo gương Bác ở các cấp Hội đều gắn liền với việc giúp hội viên nâng cao đời sống. Ông Nguyễn Xuân Hiệp, Chủ tịch Hội CCB huyện Hàm Thuận Bắc, cho biết: "Hội CCB huyện đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch chỉ đạo triển khai thực hiện đối với tổ chức Hội trong toàn huyện. Đồng thời chọn 2 cơ sở Hội (xã Hồng Liêm và xã Thuận Minh) làm điểm để tập trung chỉ đạo, rút kinh nghiệm và nhân rộng. Do các cấp Hội thực hiện Chỉ thị 03 gắn với các phong trào "CCB làm theo gương Bác", "CCB gương mẫu", "Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới" nên được cán bộ, hội viên hưởng ứng nhiệt tình". Hai năm qua, tình hình hoạt động của Hội CCB trong huyện đã chuyển biến rõ nét. Công tác tổ chức được kiện toàn, củng cố, hoạt động hiệu quả; các chỉ tiêu thi đua trong thời gian qua đều đạt và vượt, đời sống kinh tế hội viên được nâng lên rõ rệt, hội viên hộ nghèo còn 2,2%...

Đồng chí Lê Thành Tâm, Phó Chủ tịch Hội CCB Việt Nam, tặng Bằng khen của Hội CCB Việt Nam cho các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức
Hồ Chí Minh.

Tham gia phong trào "Chung sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới", Hội CCB huyện đã quan tâm thực hiện nhiều tiêu chí của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, như: phối hợp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội tăng thêm nguồn vốn cho hội viên vay trên 40 tỉ đồng, giải quyết cho hơn 4 ngàn lượt hộ có vốn sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo trong hội viên. Qua đó, đã giúp nhiều hội viên có thu nhập từ 100-200 triệu đồng/năm với mô hình trồng cà phê, cao su. Cán bộ, hội viên trong Hội CCB huyện còn tự nguyện đóng góp hơn 150 triệu đồng vào quỹ hỗ trợ CCB khó khăn đưa tổng quỹ lên 858 triệu đồng. Theo ông Hiệp, tinh thần đoàn kết, tiết kiệm giúp nhau cũng được nhân rộng tại các cấp Hội như xuất quỹ mua Bảo hiểm tai nạn cho cán bộ các phân, chi hội thuộc diện không có chế độ phụ cấp; góp vốn xoay vòng xây nhà vệ sinh, góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ con em hội viên nghèo hiếu học…

Hội CCB xã An Định, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre có 27 hộ nghèo và 19 hộ cận nghèo. Số hội viên CCB nghèo, cận nghèo phần đông tuổi cao sức khỏe yếu, ít đất và thiếu vốn sản xuất. Trước tình hình đó, ông Trần Văn Thứ, Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Hội CCB xã An Định, và một số hội viên tâm huyết đã xin ý kiến BCH Hội CCB xã thành lập Câu lạc bộ (CLB) "Giúp nhau thoát nghèo", do ông Thứ làm chủ nhiệm. Ông Trần Văn Thứ cho biết: "Mỗi tháng, Ban Chủ nhiệm CLB họp một lần. Hằng quý họp toàn thể hội viên một lần, có Thường trực Hội CCB xã tham dự. Cuối năm tổng kết đánh giá kết quả nhận xét mạnh yếu, định hướng năm sau…Nhờ sâu sát như thế nên anh em nào khó khăn đều được kịp thời hỗ trợ". Theo ông Trần Văn Thứ, Ban Chủ nhiệm CLB tiến hành giúp hội viên thoát nghèo bằng các hình thức, như: tổ chức góp vốn xoay vòng, hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách-Xã hội, liên hệ các trường và cơ sở dạy nghề giúp hội viên và con em hội viên học nghề miễn phí … Hai năm qua, CLB đã giúp 10 hội viên thoát nghèo. CLB còn thành lập "Quỹ phát triển kinh tế" với số tiền 153 triệu đồng, giải quyết cho hội viên mượn xoay vòng không tính lãi; giúp thành viên trong CLB xây dựng 7 căn nhà "Nghĩa tình đồng đội" tổng số tiền là 250 triệu đồng, trong đó CLB đóng góp giúp nhau 2 căn, vận động từ nhà hảo tâm được 5 căn; giới thiệu và tạo việc làm cho gần 100 con em CCB…

Còn sức khỏe là còn cống hiến

Từng là cán bộ trinh sát của Trung đoàn 16, Quân khu 7, nên ông Lê Trường Giang (hội viên CCB phường 13, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) biết một số nơi an táng liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Đầu năm 2007, ông lên Phòng Chính sách Bộ Tư lệnh Quân khu 7 liên hệ nhờ tìm danh sách những liệt sĩ của Trung đoàn 16 hy sinh. Được các đồng chí ở đây nhiệt tình giúp đỡ ông đã có trong tay tên hàng ngàn liệt sĩ hy sinh khắp các chiến trường. Ông chia sẻ: "Tôi đã đi nhiều địa phương thuộc các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương và khu vực ven TP Hồ Chí Minh. Gian khổ thì không thể kể hết nhưng mỗi lần tìm được hài cốt một đồng chí thì tôi thấy lòng vui hơn, vững tin hơn vào công việc mình chọn". Cùng với việc tìm mộ liệt sĩ, thông báo về địa phương, gia đình liệt sĩ, ông Giang còn hướng dẫn cho thân nhân liệt sĩ làm các thủ tục để được hưởng trợ cấp theo quy định nhằm giảm bớt khó khăn trong quá trình cùng ông đi tìm mộ người thân. Không những vậy, gia đình ông Giang còn tổ chức nơi ăn nghỉ, đi lại cho thân nhân liệt sĩ ở xa. Từ năm 2007 đến nay, ông đã tìm và quy tập được 1.108 ngôi mộ, hài cốt liệt sĩ. Ông tâm sự: "Tôi thấy mình hạnh phúc khi bình yên đi qua chiến tranh. Hôm nay, tôi có gia đình hạnh phúc, con cái thành đạt nên muốn làm điều gì đó ý nghĩa cho đồng đội, cho Tổ quốc. Tôi thấy mình ngày càng già, sức càng yếu nên muốn chạy đua với thời gian để có thể tiếp tục công việc trước khi không còn đi nổi nữa…".

Ông Nguyễn Bền, Chủ tịch Hội CCB huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, mở đầu cuộc trò chuyện bằng tâm sự: "Với tôi, học tập và làm theo lời Bác là phải làm việc cụ thể, rõ ràng, động cơ trong sáng. Người CCB khi về đời thường phải là người chiến binh trên mặt trận mới, đó là: ra sức bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ thành quả cách mạng mà nhân dân ta đã giành được…". Và rồi ông say sưa kể chuyện mình chống tiêu cực tại địa phương. Một công việc mà theo ông là cực kỳ khó khăn vì nó đụng chạm tới thói hư tật xấu, lợi ích cá nhân... Như chuyện ông cùng mọi người phanh phui vụ ông Huỳnh Văn E - người đã "bắt tay" với cán bộ làm công tác chính sách để khai man lý lịch nhằm hưởng chế độ dành cho thương binh ¾ và lập khống hồ sơ để hưởng chính sách theo Quyết định 290 của Chính phủ… Trước những chứng cứ ông Bền đưa ra, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh đã thu hồi các quyền lợi của ông E trước đây. Năm 2012, ông E tiếp tục "bắt tay" cùng một cán bộ chính sách để truy lãnh số tiền 42 triệu đồng mà trước đó ông không được nhận vì gian dối. Ông Bền tục kiến nghị, đấu tranh để giữ gìn lẽ phải và cuối cùng thắng lợi. Ông Bền chia sẻ: "Tiêu cực thì ai cũng ngại đụng chạm, nhưng tôi nghĩ rằng trong trường hợp này người CCB cần phát huy bản lĩnh, phải gương mẫu xông vào làm cho sáng tỏ. Trong chiến tranh, chúng tôi đã không sợ bom đạn của kẻ thù thì hôm nay lẽ nào lại sợ tiêu cực?". Đương nhiên, ông Bền cũng nhiều lần bị kẻ xấu nhắn tin khủng bố tinh thần, ném đá vào nhà lúc nửa đêm và cả cố tình lao xe vào khi ông đi trên đường. Mặc dù vậy, ông Bền chưa bao giờ lùi bước trước cái xấu, tiêu cực, trong đó đã có 4 vụ tiêu cực được ông đưa ra ánh sáng.

"Làm gì để thực hiện cụ thể những lời dạy của Bác, có thể tiếp tục cống hiến cho đất nước trong khi hoàn cảnh gia đình khó khăn?" là điều cô Bành Thị Kim Hoa và chồng (hội viên Hội CCB thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) trăn trở mỗi ngày. Đầu năm 2011, thấy trên báo thông tin về chương trình "Góp đá xây Trường Sa", chồng cô Hoa động viên vợ "cố gắng tiết kiệm tiền để giúp anh em ngoài đảo". Cô chia sẻ: "Lúc đó, ông nhà tôi đã bị tai biến nên nằm một chỗ trên giường. Tuy nhiên, ông rất quan tâm tình hình biển, đảo. Nghe ông nói tiết kiệm ủng hộ cho Trường Sa tôi cũng ưng cái bụng, nhưng hai vợ chồng sống chủ yếu nhờ lương hưu. Ông nhà bị bệnh nên cuộc sống càng khó khăn bởi thế tôi chưa dành dụm được nhiều…". Tháng 7-2011, chồng cô Hoa mất nhưng cô vẫn quyết tâm thực hiện ước nguyện của chồng. Đến giữa năm 2012, cô Hoa đã dành được 10 triệu đồng để ủng hộ cho chương trình. Trong cuộc nói chuyện tại hội nghị sơ kết Chỉ thị 03, cô Hoa phấn khởi cho biết hiện tại cô đã dành được 2 triệu đồng. Sau khi nhận tiền thưởng kèm theo bằng khen của Hội CCB Việt Nam, cô sẽ tiếp tục ủng hộ cho Trường Sa. Bởi "CCB gương mẫu đi trước thì bà con người ta mới nghe theo, mới ủng hộ…".

Cùng với những tập thể, cá nhân điển hình trên còn có nhiều tấm gương tiêu biểu khác như: CCB Phạm Văn Thà (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) đã đem 450 triệu đồng dành dụm trong 5 năm để giúp đỡ người nghèo, đồng đội; CCB Đỗ Thị Ngon (tỉnh Vĩnh Long) gương mẫu vận động được gần 15 tỉ đồng giúp bệnh nhân nghèo phẫu thuật mắt, phẫu thuật tim… Tất cả đều cùng chung tay hỗ trợ đồng đội, mang lại lợi ích cho cộng đồng, qua đó đã góp phần khẳng định uy tín, vị thế của Hội CCB Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Bài, ảnh: PHẠM TRUNG

 

Chia sẻ bài viết