31/10/2020 - 10:16

Góp phần vun đắp quan hệ Việt - Nhật 

Sự kiện tân Thủ tướng Suga Yoshihide là nhà lãnh đạo thứ hai liên tiếp của Nhật chọn Việt Nam làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên hồi trung tuần tháng 10 vừa qua một lần nữa cho thấy quan hệ ngày càng khắn khít giữa hai quốc gia. Góp phần vào thành công ấy phải kể đến sự nỗ lực của các địa phương Nhật Bản và Việt Nam, trong đó có TP Cần Thơ.

Đối tác trọng điểm

Các đại biểu cắt băng khánh thành Khu công nghiệp Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tại Cần Thơ. Ảnh: CTV

Các đại biểu cắt băng khánh thành Khu công nghiệp Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tại Cần Thơ. Ảnh: CTV

Trong chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch những năm gần đây, Việt Nam nói chung, TP Cần Thơ nói riêng xác định Nhật Bản là đối tác trọng điểm.

Hiện Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất, nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ hai, đối tác du lịch lớn thứ ba, bạn hàng lớn thứ tư của Việt Nam.

Cụ thể, trong hơn 20 năm qua, Nhật Bản luôn là nhà tài trợ song phương số 1 của Việt Nam, chiếm trên 30% tổng vốn ODA cam kết mà quốc tế dành cho Việt Nam; vốn ODA Nhật cam kết dành cho Việt Nam tính tới năm 2019 vào khoảng 27 tỉ USD. Trong khi đó, đến tháng 9-2020, Nhật Bản có xấp xỉ 4.600 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 60 tỉ USD. Bất chấp đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại Việt - Nhật 9 tháng năm nay cũng đạt 28,6 tỉ USD, trong đó giá trị xuất khẩu 14 tỉ USD.  Về du lịch, năm ngoái, Việt Nam đón 522.000 lượt du khách Nhật, chỉ thấp hơn lượng khách Trung Quốc và Hàn Quốc.

Đối với Cần Thơ, do xác định Nhật Bản là đối tác trọng điểm nên kể từ năm 2015, hằng năm thành phố đều đăng cai tổ chức Giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam - Nhật Bản. Theo đánh giá của Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh Kawaue Junichi, "Lễ hội này là cơ hội để nhiều người dân và doanh nhân của TP Cần Thơ được làm quen với văn hóa Nhật Bản và hiểu sâu sắc hơn về Nhật Bản. Đồng thời đây cũng là cơ hội để hình thành những dự án thương mại Nhật - Việt".

Cùng với việc thường xuyên tổ chức các đoàn đi xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch tại Nhật Bản, năm 2019, với sự hỗ trợ của Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh, UBND TP Cần Thơ đã tổ chức Hội thảo Xúc tiến Đầu tư vào Cần Thơ dành cho doanh nghiệp Nhật Bản với chủ đề "Chia sẻ tiềm năng, cùng nhau phát triển bền vững", thu hút sự quan tâm của trên 150 công ty Nhật Bản. Trước đó, vào năm 2018, UBND TP Cần Thơ cũng đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội nghị "Gặp gỡ Nhật Bản - Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long" tại thành phố. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo chính quyền, doanh nghiệp các tỉnh ĐBSCL, đại diện chính quyền một số tỉnh của Nhật Bản, các tổ chức như Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation), Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO)…và trên 120 doanh nghiệp nước này.

Đồng thời, TP Cần Thơ trong những năm qua cũng đón nhiều đoàn lãnh đạo địa phương, tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản tới thăm, trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đầu tư.

Trong mối quan hệ với các địa phương Nhật Bản, TP Cần Thơ đã ra tuyên bố chung về hợp tác với thành phố Okayama và tỉnh Hyogo, hiện đang trong quá trình trao đổi để thống nhất tuyên bố chung về hợp tác với thành phố Kobe. Ngoài ra, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Cần Thơ với Nhật Bản, chính quyền thành phố đã thành lập Văn phòng Japan Desk (Tổ công tác Nhật Bản) tại Cần Thơ và thành lập văn phòng liên lạc của Japan Desk tại thành phố Osaka và thủ đô Tokyo.

Tính đến cuối năm 2019, TP Cần Thơ có 86 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký hơn 726 triệu USD, trong đó có 8 dự án của Nhật Bản với vốn đăng ký trên 32 triệu USD. Năm 2019, kim ngạch thương mại giữa Cần Thơ và Nhật Bản đạt hơn 200 triệu USD, trong đó thành phố xuất siêu hơn 170 triệu USD.

Về giáo dục, Trường Đại học Cần Thơ đang triển khai đề án nâng cấp với vốn ODA hơn 100 triệu USD do Chính phủ Nhật cung cấp. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ cũng phối hợp cùng Tập đoàn Brain Work Asia thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo Việt Nam - Nhật Bản về công nghệ và thông tin truyền thông, đặt văn phòng tại Cần Thơ.

Một trong những dấu ấn của tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản nói chung và giữa TP Cần Thơ với các địa phương Nhật Bản nói riêng là dự án cầu Cần Thơ được xây bằng vốn ODA Nhật Bản và đưa vào sử dụng từ năm 2010, góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội và củng cố vị thế đầu mối giao thông khu vực của TP Cần Thơ.

Một tiết mục trong chương trình Giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 5 năm 2019 tại Cần Thơ. Ảnh: NAM HƯƠNG

Một tiết mục trong chương trình Giao lưu Văn hóa và Thương mại Việt Nam - Nhật Bản lần thứ 5 năm 2019 tại Cần Thơ. Ảnh: NAM HƯƠNG

Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư Nhật Bản

Nhật Bản đang có sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài, nhất là sang khu vực Ðông Nam Á. Trong đó, Việt Nam được xem là điểm đến có triển vọng và khu vực ÐBSCL cũng như TP Cần Thơ hứa hẹn sẽ là điểm đến lý tưởng để các nhà đầu tư Nhật Bản lựa chọn.

Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, tính đến tháng 7-2020 đã có 87 doanh nghiệp Nhật Bản được nhận hỗ trợ 653 triệu USD để chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang Đông Nam Á hoặc về nước. Trong đó các công ty Hoya và Shin-Etsu Chemical quyết định chuyển dây chuyền sang Việt Nam.

Ông Kawaue Junichi - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh cho rằng với thế mạnh của Cần Thơ về hạ tầng giao thông hàng không, đường bộ, đường thủy hoàn thiện, nguồn nhân lực dồi dào, nhiều lao động trẻ, chi phí nhân công thấp, có trình độ tay nghề cao sẽ là môi trường tốt cho các doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế tạo máy, công nghiệp chế biến, công nghệ thông tin, y tế, giáo dục, du lịch, logistics...

Về phần mình, chính quyền thành phố cam kết với cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư Nhật Bản, sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển ổn định, bền vững; kiến tạo môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, xây dựng Cần Thơ trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản.

Trên thực tế, năm 2018 Cần Thơ đã đưa vào hoạt động Khu công nghiệp Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, tọa lạc tại phường Tân Phú, quận Cái Răng với quy mô 30 héc-ta. Khu công nghiệp nằm trong quy hoạch Trung tâm Logistics hạng 2 vùng ĐBSCL. Tại đây, có 2 cảng quốc tế phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu là Cảng Cái Cui và Tân Cảng, đáp ứng được tàu có tải trọng 20.000 tấn.

Để thuận tiện cho các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư, Cần Thơ đã xây dựng 30 căn hộ đạt tiêu chuẩn nhằm đáp ứng điều kiện sinh hoạt cho các chuyên gia Nhật Bản sinh sống và làm việc tại thành phố.

Nói như ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thì việc khai trương khu công nghiệp này là cột mốc đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Nhật Bản với Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung.

Nửa triệu người Việt Nam ở Nhật

Theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, số lượng người Việt Nam ở Nhật Bản hiện lên tới 500.000, đông nhất trong tất cả các cộng đồng người nước ngoài tại đất nước Mặt trời mọc. Hiện Việt Nam cũng đứng đầu về số lượng thực tập sinh nước ngoài tại Nhật Bản với hơn 230.000 người. Riêng số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện lên tới hơn 80.000 người.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết