05/12/2016 - 19:58

Góp phần nâng cao trình độ dân trí

"Phi nông bất ổn, phi thương bất hoạt, phi công bất phú, phi trí bất hưng" là câu nói kinh điển của nhà bác học Lê Quí Đôn đúc kết, khẳng định tầm quan trọng của việc học. Bên cạnh khát vọng học tập của cá nhân, không thể thiếu sự quan tâm chăm lo của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, nhà hảo tâm đối với công tác khuyến học. Qua đó góp phần thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài ở TP Cần Thơ ngày càng phát triển, lan tỏa…

* Khát vọng học tập

Huyện ngoại thành Vĩnh Thạnh được nhiều người ví von là "miền đất học". Người dân nơi đây sẵn sàng cắt từng miếng đất, mảnh vườn hay cầm cố nhà đất… để lo tiền cho con ăn học. Tuy mỗi gia cảnh khác nhau nhưng phần lớn các gia đình đều có điểm chung: con cái khát vọng học tập để đổi đời, thoát khỏi nghèo khó. Những gia đình hiếu học tiêu biểu của huyện: bà Hoàng Thị Thuận ở xã Vĩnh Trinh, bươn chải cả đời nuôi 9 người con ăn học thành tài; bà Bùi Mộng Huỳnh, một mình tần tảo mua bán để nuôi 3 người con ăn học, trong đó người con trai lấy bằng thạc sĩ;… Gia đình ông Lê Văn Ân ở xã Vĩnh Trinh, thế chấp sổ đỏ nhà đất 20 năm để nuôi 6 người con thành tài (2 người con trai lấy bằng Tiến sĩ). Nhắc đến việc học của các con, ông Ân tự hào: "Gia đình dù rất khó khăn nhưng con cái có ý chí học tập. Con hai, thằng tư học xong, có việc làm phụ cha mẹ nuôi các em ăn học. Những đứa khác vừa đi học, vừa đi làm thêm để kiếm tiền đóng học phí. Giờ thì, tụi nhỏ đã trưởng thành, có việc làm đàng hoàng,…".

Thành viên trong Thường trực Ban Chấp hành Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thạnh bàn kế hoạch, chuẩn bị cho ngày họp mặt học sinh sinh viên dịp Tết Nguyên đán 2017.

Tâm tình của ông Ân làm tôi nhớ đến vợ chồng ông Đào Hừng, gia đình nông dân hiếu học tiêu biểu ở huyện Cờ Đỏ, tần tảo làm lụng "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" để nuôi 4 người con ăn học. Trong đó, người con trai lớn học nghề và mở cơ sở sửa máy tại nhà; 2 người con gái tốt nghiệp đại học, cao đẳng, có việc làm ổn định; con gái út đang học đại học. Theo ông Hừng, bên cạnh sự nuôi dưỡng của cha mẹ, công lao dạy dỗ của thầy cô, quan trọng vẫn là khát vọng học tập để đổi đời của các con.

* Chung tay làm khuyến học

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước quan tâm công tác khuyến học, khuyến tài, qua việc ban hành các Nghị quyết, chỉ thị và công văn liên quan. Thành ủy Cần Thơ có Chỉ thị 14-CT/TU, Công văn 558-CV/TU và Hướng dẫn của Ban Tổ chức Thành ủy xác định: Công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ có tính chiến lược, phục vụ mục tiêu "Vì ngày mai Cần Thơ phát triển"; coi công tác khuyến học- khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là tiêu chí đánh giá phân loại đảng viên, Chi, Đảng bộ trong sạch vững mạnh hàng năm. Đồng thời lấy ngày 19-5 hàng năm làm ngày huy động các lực lượng xã hội chăm lo, đóng góp cho "Quỹ khuyến học - khuyến tài, vì ngày mai Cần Thơ phát triển". Trên cơ sở đó, thời gian qua, Hội Khuyến học thành phố tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để đẩy mạnh phong trào "Toàn dân học tập, toàn dân tham gia làm giáo dục". Hiện nay, Thành hội có 4.420 tổ chức, với hơn 187.500 hội viên. Toàn thành phố có trên 86.930 gia đình học tập đăng ký; 116 dòng họ học tập; 103 cộng đồng học tập và 219 đơn vị học tập. 9 tháng năm 2016, toàn thành phố vận động hơn 22,6 tỉ đồng; qua đó tổ chức cấp phát 5.858 suất học bổng, 23.931 suất quà, 58.407 phần thưởng và 375 xe đạp.

Theo ông Lê Văn Ánh, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học TP Cần Thơ, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của thành phố ngày càng phát triển. Trước đây, một số Hội khuyến học cơ sở quận, huyện chưa mạnh thì nay vươn lên, phát triển toàn diện như: Cái Răng, Thới Lai, Phong Điền… Các tổ chức hội thật sự trở thành địa chỉ đáng tin cậy để các tổ chức, cá nhân hảo tâm đóng góp cho quỹ khuyến học, hỗ trợ giáo viên, học sinh vượt khó, dạy học tốt. Ông Lê Văn Ánh nói: "Lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương nơi nào nhiệt tình hỗ trợ, nơi đó phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh mẽ". Đơn cử như huyện Vĩnh Thạnh, nhiều năm qua, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện, mỗi cán bộ, công chức Nhà nước trích 1 ngày lương đóng góp vào quỹ khuyến học huyện nhà. Định kỳ hằng năm, ngày 27 tháng Chạp, Huyện hội tổ chức họp mặt tuyên dương học sinh, sinh viên vượt khó, học giỏi. Ông Phạm Ngọc Trác, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thạnh, nói: "Còn khoảng 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng chúng tôi đã lên kế hoạch tìm nguồn vận động tài trợ cho quỹ. Hy vọng từ nguồn tiền vận động này sẽ hỗ trợ nhiều học sinh sinh viên hơn, góp phần phát huy truyền thống hiếu học huyện nhà".

Khuyến học, khuyến tài góp phần nâng cao trình độ dân trí, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Vì thế, để phong trào khuyến học, khuyến tài ngày càng phát triển, rất cần cộng đồng trách nhiệm từ nhiều phía: gia đình, nhà trường, Hội Khuyến học các cấp và quan trọng hơn là nỗ lực của học sinh, sinh viên.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết