14/04/2016 - 14:07

Google tập trung phát triển những tính năng hỗ trợ cho mọi người dùng

Chiến lược phát triển của Google rất sâu sắc với mục tiêu hàng đầu là đưa công nghệ đến với mọi người, từ người khiếm thị cần bộ đọc màn hình hay chữ lớn hơn, người bị giới hạn vận động không giao tiếp được với màn hình cảm ứng, cho đến người khiếm thính không nghe được âm thanh của thiết bị. Chính vì vậy, gã khổng lồ tìm kiếm đang tập trung phát triển nhiều tính năng Hỗ trợ (Accessibility) mới cho hệ điều hành Chrome OS, Android, và nhiều ứng dụng web của hãng.

Android

Các nhà phát triển hiện có thể sử dụng công cụ mới Accessibility Scanner để tự kiểm tra ứng dụng của họ có đáp ứng được yêu cầu Accessibility. Công cụ này cũng sẽ đưa ra gợi ý về cách các nhà phát triển nên cải tiến ứng dụng của họ, như thêm các nút bấm lớn hơn, hay tăng độ tương phản của văn bản dành cho những người khiếm thị. Người dùng thậm chí có thể cài đặt các ứng dụng từ cửa hàng Google Play Store rồi tự kiểm tra xem chúng có đáp ứng yêu cầu Hỗ trợ.

Nếu đang sử dụng phiên bản dành cho nhà phát triển của Android N, người dùng có thể thử nghiệm lựa chọn Vision Settings, xuất hiện ngay trên màn hình Chào mừng (Welcome) của một thiết bị Android mới được khôi phục. Nó sẽ cho phép người dùng điều chỉnh độ phóng to của màn hình, cỡ chữ, và TalkBack, tính năng tường thuật mọi cú nhấn và quét mà người dùng thực hiện trên thiết bị Android. Những giải pháp này sẽ giúp người dùng bị hạn chế về thị lực cảm thấy dễ dàng hơn khi thao tác với màn hình.

Cuối cùng là ứng dụng mới Voice Access Beta, giúp những người dùng bị thương tật hay gặp khó trong việc sử dụng màn hình cảm ứng, có thể điều khiển thiết bị Android chỉ bằng giọng nói. Một khi Voice Access Beta được kích hoạt, mọi thành phần trên màn hình – như biểu tượng ứng dụng, nút điều hướng, ô văn bản, biểu tượng tìm kiếm – điều được đặt cho một số. Người dùng muốn nhấn vào chỗ nào thì đọc số đó. Hơn nữa, người dùng cũng có thể sử dụng các lệnh như "open Chrome" (mở trình duyệt web Chrome), "go home" (trở về trang chính), "click next" (kế tiếp), hay "scroll down" (cuộn xuống) để duyệt khắp thiết bị.

Chrome OS

Google cũng công bố rằng một phiên bản mới của trình đọc màn hình ChromeVox Screen Reader dành cho máy tính xách tay Chromebook đang trong quá trình thử nghiệm, với các công cụ mới giúp người dùng tương tác dễ dàng hơn với hệ điều hành Chrome OS qua các "tín hiệu" âm thanh hơn là nhìn vào màn hình.

ChromeVox đã được tích hợp sẵn trên các máy tính xách tay Chromebook và máy tính để bàn Chromebox, nhưng người dùng cũng có thể cài đặt nó dưới dạng một tiện ích mở rộng trong trình duyệt web Chrome trên máy tính Windows hay Mac. ChromeVox Next là tên của phiên bản thử nghiệm mới, cung cấp các phím tắt cập nhật, trình đơn lệnh mới, bộ âm thanh mới, và một khung chú thích mới.

Google Docs

Trên web, người dùng đã có thể thử nghiệm tính năng nhập liệu, ra lệnh chỉnh sửa và định dạng văn bản Google Docs bằng giọng nói. Điều này mang đến sự dễ dàng cho những người dùng bị thương tật không sử dụng được màn hình cảm ứng để chỉnh sửa tài liệu, nhưng nó cũng hữu dụng trong trường hợp người dùng cảm thấy mệt mỏi với việc gõ phím.

Accessibility trong công nghệ có nghĩa là phát triển hướng đến tiện ích cho mọi người dùng, bất kể khả năng vận động của họ. Google đã đặt mục tiêu này từ rất lâu, nhưng nó đặc biệt được tập trung kể từ tháng 12-2015, khi gã khổng lồ tìm kiếm công bố chiến lược "Google Impact Challenge: Disabilities". Những phát triển trong thời gian gần đây đã cho thấy chiến lược này đang đi đúng hướng.

Lê Phi (Theo PCW, Liliputing)

Chia sẻ bài viết