24/07/2025 - 20:52

Giúp nông dân an tâm thực hiện Ðề án 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao 

Cử tri thành phố đề nghị có cơ chế, chính sách cụ thể giúp nông dân an tâm thực hiện Ðề án phát triển bền vững 1 triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030. Nội dung trả lời của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) như sau:

Ngay sau khi Ðề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1490/QÐ-TTg, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các bộ, ngành có liên quan và 12 địa phương tham gia Ðề án thực hiện các việc: thành lập Ban chỉ đạo Ðề án; tổ chức hội nghị triển khai Ðề án; lễ khởi động cánh đồng 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp; sơ kết 7 mô hình thí điểm theo chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp; phối hợp Ngân hàng Nhà nước xây dựng Chương trình tín dụng hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia Ðề án... Ðồng thời, đã ban hành kế hoạch triển khai Ðề án, quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải phục vụ Ðề án, kế hoạch nâng cao năng lực cho các đối tác, hợp tác xã nông nghiệp phát triển liên kết chuỗi giá trị thực hiện Ðề án, kế hoạch thực hiện mô hình thí điểm triển khai thực hiện Ðề án, hướng dẫn nội dung khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia Ðề án.

Trên cơ sở quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm phát thải, hiện nay đang thực hiện thí điểm 7 mô hình tại 5 địa phương, kết quả bước đầu đã thu được kết quả tích cực. Các mô hình thí điểm so với mô hình đối chứng: giảm chi phí 20-30% (giảm trên 50% lượng giống sử dụng, giảm trên 30% lượng phân bón đạm; giảm 2-3 lần phun thuốc bảo vệ thực vật; giảm lượng nước tưới khoảng 30-40%), tăng năng suất 10% (năng suất trong mô hình đạt 6,3-6,6 tấn/ha so với đối chứng đạt 5,7-6 tấn/ha), tăng thu nhập cho nông dân thêm 20-25% (lợi nhuận tăng thêm từ 4-7,6 triệu đồng/ha so với đối chứng), giảm trung bình 3-5 tấn CO2 tương đương/ha và tất cả sản lượng lúa thu hoạch đều đã có sẵn doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn 200-300 đồng/kg lúa.

Ðã thống nhất với Ngân hàng Thế giới (WB), Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) và nhiều tổ chức quốc tế khác về phương pháp xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định phát thải (MRV). WB đã cơ bản thống nhất hỗ trợ thực hiện Ðề án với 3 nguồn lực cơ bản sau: (1) Viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc ủy thác qua Ngân hàng Thế giới; (2) Nguồn từ Quỹ chuyển đổi tài sản các-bon (TCAF); (3) Nguồn vốn vay thực hiện dự án “Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ÐBSCL”.

Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ phối hợp để tham mưu đề xuất thí điểm chính sách và cơ chế chi trả tín chỉ các-bon dựa vào kết quả cho vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp; chính sách và cơ chế thí điểm trao đổi tín chỉ các-bon cho ngành hàng lúa gạo để sớm triển khai thực hiện, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân tham gia Ðề án như kiến nghị của cử tri Cần Thơ.

Chia sẻ bài viết