10/07/2019 - 18:26

Thực hiện Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg

Giúp đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ổn định cuộc sống 

Thực hiện chính sách hỗ trợ, giải quyết đất ở, sản xuất và việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn ở vùng ÐBSCL giai đoạn 2008-2010 theo Quyết định số 74/2008/QÐ-TTg ngày 9-6-2008 của Thủ tướng Chính phủ, TP Cần Thơ xây dựng 2 khu dân cư, xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số tại quận Ô Môn và huyện Cờ Ðỏ. Ðến nay, khu dân cư tại huyện Cờ Ðỏ đã được xây dựng khang trang, nhiều dãy nhà kiên cố, vững chắc được mọc lên. Bà con dân tộc thiểu số đã ổn định chỗ ở, an tâm phát triển kinh tế gia đình và thoát nghèo.

Gia đình chị Thạch Thị Lành trong căn nhà dành cho hộ dân tộc thiểu số nghèo ở huyện Cờ Đỏ.

► "An cư" để "lạc nghiệp"!

Những ngày đầu tháng 7-2019, có dịp đến Làng Hữu nghị Việt-Hàn ở thị trấn Cờ Đỏ (khu dân cư dành cho đồng bào dân tộc thiểu số), đời sống các hộ dân tộc Khmer mới thấy có nhiều đổi thay đáng phấn khởi. Hành lang các dãy nhà được quét dọn sạch sẽ, tươm tất. Nhiều nhà khóa cửa cẩn thận vì người dân đi làm việc kiếm sống đến trưa hay chiều mới về. Chị Thạch Thị Lành, phụ nữ dân tộc Khmer, ở Làng Hữu nghị Việt-Hàn, cho biết: “Lúc trước, cả nhà tôi ở ấp Thới Bình 1, xã Thới Xuân, nhà cửa hư hỏng, trống trước dột sau, đời sống cơ cực, khó khăn, các con ăn uống kham khổ, thiếu thốn tứ bề. Từ khi được dời đến khu dân cư thị trấn, được Nhà nước xây dựng căn nhà này, có chỗ ở chắc chắn, sạch sẽ, vợ chồng tôi thấy tinh thần thoải mái, cuộc sống cũng dần tốt hơn”. Hằng ngày, anh Danh Thanh, chồng chị Lành, làm phụ hồ, tiền công nhật gần 200.000 đồng, còn chị Lành bán vé số dạo, làm mướn, kiếm thêm thu nhập, chăm lo cuộc sống cả nhà 5 người. Mỗi tháng, vợ chồng chị Lành nhận phần trợ cấp xã hội của con trai lớn (18 tuổi) bị nhiễm chất độc da cam. Chị Lành cho biết thêm vào các dịp lễ, Tết hằng năm, gia đình chị và nhiều hộ dân tộc Khmer đều có quà để chung vui với mọi người. Về đây ở, cuộc sống gia đình bắt đầu ổn định, khấm khá hơn trước.

Làng Hữu nghị Việt-Hàn có 109 nhà Đại đoàn kết do các tổ chức, cơ quan, đơn vị hảo tâm vận động đóng góp xây tặng hộ dân tộc Khmer nghèo, khó khăn về nhà ở toàn huyện, giúp bà con nhanh chóng ổn định chỗ ở. Ngoài ra, các đoàn thể còn quan tâm chăm lo về việc làm, sức khỏe, học tập của các thành viên từng gia đình.

Ông Võ Trường Vũ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thị trấn Cờ Đỏ, cho biết: “Hằng năm, thị trấn thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách dành cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, như: cấp thẻ bảo hiểm y tế, chi trả trợ cấp cho đối tượng bảo hiểm xã hội, hỗ trợ tiền điện hộ nghèo kịp thời, đầy đủ. Ngoài ra, UBND thị trấn phối hợp mở lớp nghề đan dây nhựa, lục bình... giải quyết việc làm cho bà con dân tộc thiểu số nghèo, khó khăn trong cuộc sống. Qua đó, cuộc sống của người dân tại khu dân cư dành cho hộ dân tộc thiểu số nghèo được nâng lên, kinh tế gia đình dần dần ổn định, phát triển”.

► Tháo gỡ khó khăn

Ở quận Ô Môn, Dự án xây dựng khu dân cư tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện tại khu vực Bình Yên, phường Trường Lạc, diện tích 6.854m2, trong đó diện tích đất nền 3.120m2. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng trên 6,772 tỉ đồng, từ ngân sách nhà nước (đã quyết toán xong gần 6 tỉ đồng). Trong đó có 176 triệu đồng từ nguồn vốn đầu tư theo Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg ngày 9-6-2008 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ, giải quyết đất ở, sản xuất và việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn ở vùng ĐBSCL giai đoạn 2008-2010; trên 5,748 tỉ đồng từ vốn ngân sách của TP Cần Thơ đầu tư.

Theo UBND quận Ô Môn, đến nay, dự án trên xây dựng cơ bản hoàn thành, với tổng số 80 nền, diện tích 40m2/nền (trong đó có 2 lô nền được sử dụng làm trạm cấp nước). Theo Công văn số 2885/STC-QLG&CS ngày 5-9-2017 của Sở Tài chính thành phố, thì chi phí đầu tư xây dựng dự án là 2,154 triệu đồng/m2. Do đó, mỗi lô nền dành cho hộ dân tộc thiểu số xây dựng nhà ở phải nộp tiền sử dụng đất là 86,160 triệu đồng (chưa tính hỗ trợ miễn, giảm). Đến nay, quận Ô Môn đã tổ chức cho 42 hộ dân tộc thiểu số khó khăn về nhà ở trên địa bàn bốc thăm vị trí lô, nền. Tất cả các hộ trên thuộc diện hộ nghèo, hộ dân tộc gặp khó khăn về nhà ở được miễn giảm 50% tiền sử dụng đất theo Nghị định 45/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Đồng thời, trong 42 hộ có 22 hộ được ưu tiên xét trước, miễn giảm thêm theo Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 10 triệu đồng/hộ. Theo đó các hộ dân tộc thiểu số này phải nộp tiền sử dụng đất là 33,080 triệu đồng/nền. Riêng 20 hộ còn lại được xét duyệt hỗ trợ tiền sử dụng đất theo Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 30 triệu đồng/hộ (quyết định ban hành sau). Do đó, mỗi hộ trong số 20 hộ này nộp thêm tiền sử dụng đất là 13,080 triệu đồng… Với mức chênh lệch này (ứng dụng hỗ trợ theo Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg), quận Ô Môn gặp khó khăn trong quá trình giải quyết cũng như chi phí hỗ trợ 42 hộ gia đình xây dựng nhà ở và cần sự hỗ trợ của thành phố.

Ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn, cho biết: “Hầu hết các hộ dân tộc thiểu số được bố trí nền nhà tại khu dân cư là những hộ đặc biệt khó khăn. Bà con gặp khó trong việc nộp tiền sử dụng đất, nhất là 22 hộ phải nộp 33,080 triệu đồng/nền. Do đó, quận kiến nghị thành phố có giải pháp hỗ trợ để 22 hộ dân tộc thiểu số này nộp tiền sử dụng đất tương đương 20 hộ được hưởng lợi từ Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, ưu tiên hỗ trợ Quỹ vì người nghèo cho các hộ dân trên để tạo điều kiện cho các hộ xây dựng nhà ở tại khu dân cư. Hiện nay quận Ô Môn còn lại 992 hộ nghèo, trong đó có 177 hộ cần hỗ trợ xây dựng nhà ở để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình… Địa phương sẽ tiếp tục vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp ủng hộ, đóng góp vật chất để chăm lo, xây dựng nhà ở cho các đối tượng nêu trên".

Đồng chí Trần Quốc Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, chỉ đạo: Hầu hết các hộ dân tộc thiểu số đều khó khăn về nhà ở và là các hộ nghèo của địa phương. Đối với 22/42 hộ đã áp dụng hỗ trợ theo Quyết định 74, quận Ô Môn nên thực hiện nâng mức hỗ trợ lên bằng các hộ được hỗ trợ theo Quyết định 29 (hỗ trợ từ 10 triệu đồng lên 30 triệu đồng/hộ). Kinh phí hỗ trợ này từ các nguồn thu và vận động xã hội hóa của địa phương. Riêng, chi phí xây dựng nhà ở cho 42 hộ nêu trên, đồng chí Bí thư Thành ủy Cần Thơ cũng giao đơn vị chức năng thành phố hỗ trợ xây dựng 21 căn nhà, quận Ô Môn xây dựng 21 căn từ nguồn vận động xã hội hóa, kêu gọi sự đóng góp của nhà hảo tâm, doanh nghiệp. Đặc biệt, nhà xây dựng cho các hộ dân tộc  phải đồng bộ, vững chắc, an toàn, đảm bảo mỹ quan đô thị tại khu dân cư… Quận Ô Môn cũng tập trung thực hiện các thủ tục cần thiết để có thể khởi công xây dựng nhà ở cho bà con dân tộc thiểu số nghèo tại khu dân cư trên trong thời gian sớm nhất.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết