19/02/2011 - 09:09

TUYỂN SINH NĂM 2011:

Giữ nguyên "3 chung", siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh

Thí sinh dự thi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 tại Hội đồng thi khu II, Trường ĐH Cần Thơ. Ảnh: B.NG.

Hôm qua (18-2), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị thi và tuyển sinh năm 2011 tại 6 điểm cầu truyền hình trên cả nước tại các tỉnh, thành: Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ. Mặc dù kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm nay vẫn giữ nguyên theo hình thức “3 chung”, nhưng cũng có một số điểm mới về đối tượng tuyển sinh, mở mã ngành mới, tăng chỉ tiêu… được các đại biểu quan tâm, bàn luận khá sôi nổi…

* Điểm mới trong tuyển sinh

Năm 2011, công tác tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn giữ ổn định theo giải pháp “3 chung” (chung đề, chung đợt, chung kết quả) như các năm trước. Tuy nhiên, để tiếp tục cải tiến thi cử theo hướng gọn, nhẹ, hiệu quả và thiết thực, đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực theo vùng miền, ngành nghề, chính sách xã hội và chất lượng tuyển chọn đầu vào..., Bộ GD&ĐT đã bổ sung một số điểm mới về đối tượng dự thi. Cụ thể, thí sinh là người nước ngoài, có nguyện vọng học tại các trường ĐH, CĐ Việt Nam, không phải dự thi tuyển sinh. Hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập THPT (học bạ), kết hợp với kiểm tra kiến thức và trình độ tiếng Việt của thí sinh theo quy định của trường để xét tuyển. Hầu hết các đại biểu dự hội nghị đều đồng tình với quy định này. Ông Nguyễn Công Dương, Hiệu trưởng Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên, cho rằng: “Tôi nhất trí cao việc Bộ cho phép các trường xét tuyển thí sinh là người nước ngoài. Điều này vừa tạo điều kiện thu hút thí sinh các nước, vừa giúp các trường mở rộng công tác hợp tác quốc tế cũng như vị thế của mình”.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng sửa đổi, bổ sung những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của thí sinh trong kỳ thi; triệu tập thí sinh trúng tuyển đến trường... Đơn cử như việc quy định thí sinh trúng tuyển vào trường phải nộp hồ sơ trúng tuyển cũng được bãi bỏ. Thí sinh trước khi làm bài thi phải ghi đầy đủ số báo danh (cả phần chữ và phần số) vào giấy thi, giấy nháp và phải yêu cầu cả hai cán bộ coi thi ký và ghi rõ họ tên vào giấy thi, giấy nháp. Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh trường trực tiếp xét duyệt danh sách thí sinh trúng tuyển do Ban Thư ký trình và ký giấy triệu tập thí sinh trúng tuyển nhập học. Trong giấy triệu tập cần ghi rõ kết quả thi của thí sinh và những thủ tục cần thiết đối với thí sinh khi nhập học.

Đặc biệt, Bộ còn bổ sung chế tài xử lý với hình thức cảnh cáo đối với những cán bộ tham gia công tác tuyển sinh nếu vi phạm một trong các lỗi như: gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường; thông báo nhận và kết thúc việc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh không đúng thời hạn quy định; hạ điểm trúng tuyển các nguyện vọng trái quy định; tính điểm sàn với điểm môn thi đã nhân hệ số. Những quy định mới này đều nhận được sự đồng tình ủng hộ của các đại biểu, thậm chí nhiều đại biểu cho rằng cần có biện pháp xử lý mạnh hơn với những trường hợp cố tình vi phạm. Ông Nguyễn Công Dương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên, nói: “Việc xử lý cán bộ tham gia công tác tuyển sinh là hợp lý. Nhưng chỉ xử lý cán bộ là chưa đủ, bởi người chịu trách nhiệm chính vẫn là Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh của các đơn vị”. Ông Ngô Tấn Lực, Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang cũng đồng tình với quan điểm: phải xử lý rốt ráo những điểm thi tuyển sinh có sai phạm, thậm chí Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh vẫn phải chịu trách nhiệm.

* Hạn chế mở mã ngành, siết chặt chỉ tiêu tuyển sinh

Không phủ nhận hiệu quả của việc thực hiện kỳ thi “3 chung”, cũng như việc tổ chức thi theo cụm, nhưng một số đại biểu đề nghị Bộ GD&ĐT nên có quy chế hướng dẫn thi các môn trắc nghiệm cùng lúc với quy chế thi các môn tự luận. Đặc biệt, việc quy định thời gian thi của các môn tự luận và trắc nghiệm khác nhau cũng làm nhiều giám thị gặp khó, nhất là trong cùng một thời điểm thi.

Theo ông Nguyễn Tấn Vui, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên, hằng năm trường chỉ tuyển sinh được khoảng 50% sinh viên các ngành Nông- Lâm- Nghiệp. Trong khi đây là các ngành mũi nhọn, quan trọng trong chiến lược phát triển của vùng và cả nước. Trường Đại học Thái Nguyên cũng rơi vào tình trạng tương tự khi các ngành thuộc khối Nông- Lâm- Nghiệp luôn tuyển không đủ chỉ tiêu mặc dù trường chịu trách nhiệm đào tạo lực lượng cán bộ nông- lâm- nghiệp phục vụ cho các tỉnh vùng Đông Bắc... Vì vậy, hầu hết đại biểu đều mong muốn Bộ GD&ĐT có những chính sách riêng ưu đãi cho sinh viên thuộc các nhóm ngành này.

Chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành mới là một trong những vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm, nhất là đối với các trường ngoài công lập, các trường đại học trực thuộc tỉnh. Ông Ngô Tấn Lực, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang, cho biết: “Nhiều trường đại học trực thuộc tỉnh được nâng cấp trên cơ sở các trường cao đẳng sư phạm. Trong khi giáo viên các cấp học dần ổn định, bảo hòa thì việc mở ngành mới là cần thiết”. Riêng đại biểu các trường đại học ngoài công lập, việc mở ngành mới là vấn đề cấp thiết đối với các trường. Ngoài ra, đại biểu các trường công lập còn cho rằng số lượng thí sinh tham gia dự thi ĐH, CĐ nhiều nhưng các trường ĐH, CĐ công lập không gánh hết. Vì thế, nên chăng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các trường ngoài công lập thu hút thí sinh, tạo điều kiện cho thí sinh không trúng tuyển vào trường công lập có nơi để học hành... Về vấn đề này, ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chủ trì hội nghị, cho rằng, việc tạo điều kiện cho các thí sinh học tập là cần thiết. Tuy nhiên, phải chú ý đến năng lực đào tạo của các trường để đảm bảo chất lượng đào tạo. Về chỉ tiêu tuyển sinh, các trường phải đảm bảo các tiêu chí về số sinh viên qui đổi trên một giảng viên. Đối với những cơ sở đào tạo có chỉ tiêu tuyển sinh năm 2009 và năm 2010 thấp hơn 50% thì chỉ tiêu tuyển sinh năm 2011 tối đa bằng 50% chỉ tiêu tuyển được năm 2010.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: “Điều quan trọng vẫn là chất lượng đào tạo ở các trường, lòng tin của xã hội. Sắp tới, Bộ sẽ tăng cường hơn công tác hậu kiểm tuyển sinh ở các trường. Theo đó, những trường mới thành lập chưa đủ điều kiện, trường đã thành lập nhưng vi phạm qui chế tuyển sinh liên tục trong 3 năm thì không được phép mở mã ngành mới. Bộ GD&ĐT sẽ giao mã ngành mới cho những trường đào tạo có uy tín, thương hiệu nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo...”.

THANH NGỌC

LỊCH THI TUYỂN SINH ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG NĂM 2011


Chia sẻ bài viết