08/04/2017 - 15:56

Giọng ca vàng đất Tây Đô

Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Kiều Nga là một trong những giọng ca nổi bật của đoàn Cần Thơ tại Liên hoan ĐCTT quốc gia lần này. Nhiều năm qua, giới tài tử Cần Thơ biết đến Kiều Nga không chỉ vì sự tâm huyết, yêu nghề mà còn bởi giọng ca bản Oán mùi mẫn hiếm có.

"Trước phút phân ly. Võ Đông Sơ vì nước quên mình. Chàng gượng chốn hơi tàn cắt tóc của mình. Còn nhuộm máu sa trường gửi lại cho em…". Những ai đã nghe NNƯT Kiều Nga ca, dù rất nhiều lần, bài Oán này trong tuồng "Giọt máu chung tình" của cố soạn giả Mộc Quán- Nguyễn Trọng Quyền cũng đều cảm động trước giọng ca lâm ly, uất nghẹn. Soạn giả Nhâm Hùng đã dùng hai chữ "tê tái" khi nói về giọng hát bản Oán của Kiều Nga. Ông nói rằng: "Đó là giọng ca lạ, không giống bất cứ ai. Không quá lời khi nói rằng, sau cố nghệ nhân Bạch Huệ, Kiều Nga là giọng ca bản Oán "đặc sản" của Cần Thơ". Thật vậy, NNƯT Kiều Nga có cách ca Oán bằng chất giọng mạnh, đẩy cột hơi cao, phát âm bằng giọng mũi (giả thanh) đặc biệt.

NNƯT Kiều Nga (thứ 5, từ trái sang) hướng dẫn học trò ca cổ. Ảnh: NVCC

Giọng ca vàng NNƯT Kiều Nga từng chinh phục hầu hết các giải thưởng cổ nhạc ở Cần Thơ, và cả Nam bộ trong những năm 1999-2005. Giới tài tử đồng bằng cũng biết nhiều về Kiều Nga và khi nghe chị ca Tứ Đại Oán thì đều khen. Giọng ca của chị ngọt ngào nhưng phảng phất u buồn, tạo sự đồng điệu với người nghe. Trong Liên hoan ĐCTT quốc gia lần này, NNƯT Kiều Nga cũng sẽ phát huy sở trường qua bài "Đất phương Nam". Chị nói: "Biết là sở trường nhưng cũng phải tập luyện nhiều, đã lên sân khấu là phải chỉn chu".

Nói về con đường đến với ĐCTT, ngoài cái nôi gia đình, NNƯT Kiều Nga nhắc nhiều đến cố thầy đờn Hoài Mong, người đã truyền lửa cổ nhạc cho chị. Từ thiếu nữ 20 tuổi ca theo bản năng, nhịp phách chưa vững vàng, thầy Hoài Mong đã truyền những ngón nghề độc đáo và giúp chị tự tin trên sân khấu, chinh phục các cuộc thi lớn. Từ nền tảng đó, chị theo học lớp Trung cấp cải lương khóa 1997- 2000 rồi sau đó tốt nghiệp đạo diễn sân khấu. Nhưng NNƯT Kiều Nga vẫn thích gắn bó với phong trào đờn ca ở cơ sở, thích cùng bác nông dân, chị thợ may cất vang cung Oán cung Xuân.

Đi cơ sở nhiều, NNƯT Kiều Nga thấy được có nhiều người yêu thích ĐCTT nhưng chưa vững nhịp, lấy hơi chưa chuẩn, biết sao ca vậy. Vậy là chị quyết định mở lò truyền nghề theo đúng cách làm của tiền nhân. Chị nhớ rõ lớp đầu tiên chị đứng lớp cùng thầy đờn Hoài Mong là năm 2003. Bao thế hệ học trò đã được chị truyền dạy lên Cống xuống Xề. Hiện tại, "lò" của Kiều Nga đang truyền dạy ĐCTT cho 8 cán bộ, công chức và 3 em học sinh. Chị Nga chú ý dạy từ thấp lên cao: xướng âm lòng bản, đọc chữ đờn rồi ca lý, bài bản nhỏ, phát triển những bài "trộng trộng" như Nặng tình xưa, Ngựa ô nam… và sau cùng là 20 bài bản tổ. Chị Kiều Nga trầm tư rằng, chị dạy không phải vì kinh tế, bởi chẳng thể làm giàu với những buổi học nhỏ này, mà chị dạy vì không muốn ĐCTT mất đi bản sắc. Hiện, NNƯT Kiều Nga còn đang phụ trách môn Ca cổ của khoa Sân khấu, Trường Trung cấp Văn hóa- Nghệ thuật Cần Thơ. Đường đi Thốt Nốt- Cần Thơ không phải gần nhưng chị vẫn đều đặn lên lớp bởi chị tìm thấy niềm vui trong những tâm hồn đồng điệu của học trò.

NNƯT Kiều Nga hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Thể thao quận Thốt Nốt. Công việc quản lý bận rộn nhưng cuộc đờn ca nào cũng có chị. "Vắng thì buồn, bỏ không được. Nghe ai đờn ca là lòng dạ xốn xang, muốn xin ca liền vậy đó"- NNƯT Kiều Nga trải lòng như vậy và cũng vì lẽ đó mà mấy mươi năm theo nghề, tằm vẫn vương tơ…

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết