10/06/2021 - 09:13

Giới siêu giàu Mỹ trốn thuế 

Ngày 8-6, tổ chức báo chí phi lợi nhuận ProPublica của Mỹ công bố báo cáo chấn động cho thấy nhiều tỉ phú giàu nhất ở nước này đã trả rất ít hoặc thậm chí không trả thuế thu nhập trong một số năm.

Từ trái sang: các tỉ phú Bezos, Musk và Buffett. Ảnh: CNN

Từ trái sang: các tỉ phú Bezos, Musk và Buffett. Ảnh: CNN

Theo Tạp chí Forbes, 25 người giàu nhất xứ cờ hoa ghi nhận tổng tài sản tăng 401 tỉ USD từ năm 2014-2018. Tuy nhiên trong 5 năm này, họ chỉ phải trả tổng cộng 13,6 tỉ USD thuế thu nhập liên bang, tương đương mức thuế thu nhập thực chất chỉ 3,4%. ProPublica tính toán rằng không ai trong số những nhân vật trên trốn thuế nhiều như tỉ phú Warren Buffett, Giám đốc điều hành (CEO) của Tập đoàn đa quốc gia Berkshire Hathaway. Thuế suất mà ông Buffett thực sự phải chịu là 0,1%, tương đương 23,7 triệu USD đối với mức tăng tài sản 24,3 tỉ USD trong giai đoạn 2014-2018. Vị CEO này báo cáo mức thu nhập chịu thuế hợp pháp trong cùng thời gian là 125 triệu USD.

Trong khi đó, nhà sáng lập Tập đoàn thương mại điện tử Amazon là Jeff Bezos cũng phải trả thuế thực sự chưa tới 1%, tương đương 973 triệu USD đối với phần tăng tài sản 99 tỉ USD. Còn thu nhập chịu thuế thực sự của ông là 4,22 tỉ USD. Nhân vật hiện giàu nhất hành tinh này thậm chí đã không phải trả một đồng thuế nào trong năm 2007 và 2011. Riêng Elon Musk - CEO của Hãng xe điện Tesla và Tập đoàn công nghệ SpaceX - được cho là chịu thuế thực sự 3,27%, tương đương 455 triệu USD khi tài sản tăng 13,9 tỉ USD. Doanh nhân này có thu nhập chịu thuế thực tế là 1,52 tỉ USD trong khoảng thời gian 5 năm kể trên. Ông Musk, giàu thứ hai thế giới, cũng từng không trả thuế thu nhập liên bang vào năm 2018.

Những người khác bị cho là không trả thuế trong một số năm còn có tỉ phú truyền thông kiêm cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg, tỉ phú đầu tư Carl Icahn và tỉ phú tài chính George Soros. Ông Bloomberg trả thuế thực tế ở mức 1,3%, tương đương 292 triệu USD, trong khi thu nhập chịu thuế thực sự của ông là 10 tỉ USD. Nhà đầu tư kỳ cựu Icahn cũng không phải trả một đồng thuế nào vào năm 2016 và 2017 trong khi tổng thu nhập đã điều chỉnh là 544 triệu USD. Tỉ phú Icahn nói rằng ông bị thua lỗ trong cả hai năm đó do phải chi hàng trăm triệu USD để trả lãi cho các khoản vay. Còn theo phát ngôn viên của George Soros, tỉ phú này không nợ thuế từ năm 2016-2018 vì các khoản đầu tư đều bị lỗ. Lâu nay, ông Soros ủng hộ đánh thuế cao hơn đối với những người giàu ở Mỹ.

Nhờ chiến lược trốn thuế “vượt tầm người  bình thường”

ProPublica cho rằng báo cáo dựa trên các bản khai thu nhập của Sở Thuế vụ Mỹ đối với những người siêu giàu trong hơn 15 năm. Khi được hỏi, các tỉ phú Buffett, Bloomberg và Icahn đều khẳng định họ đã trả hết các khoản nợ thuế. ProPublica cũng nói rõ nhóm tỉ phú này không sai phạm trong kê khai thuế, nhưng có các chiến lược trốn thuế “vượt tầm người bình thường”. Họ còn được hưởng lợi từ cách tính thuế thu nhập chịu thuế, khi không tính giá trị tăng trưởng của các tài sản như cổ phiếu và bất động sản và chỉ tính thuế từ việc bán các tài sản này.

Đối với báo cáo của ProPublica, hiện Bộ Tài chính Mỹ và các cơ quan chức năng đang điều tra về việc để lộ các thông tin liên quan kê khai thu nhập. Phát ngôn viên Bộ Tài chính Lily Adams nhấn mạnh việc tiết lộ không đúng thẩm quyền đối với thông tin mật của chính phủ là phi pháp.

Vụ rò rỉ hồ sơ trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang muốn tăng thuế suất tối đa thuế thu nhập cá nhân từ 37% hiện nay lên 39,6%. Thượng nghị sĩ Dân chủ Elizabeth Warren cũng đề xuất đánh thuế giới siêu giàu, bao gồm thuế trên giá trị của cổ phiếu và nhà cửa của họ, thay vì chỉ tập trung vào thuế thu nhập. Trong những năm gần đây, một hộ gia đình bình thường tại Mỹ kiếm được khoảng 70.000USD mỗi năm và phải trả thuế thu nhập ở mức 14%. Ở khung thuế thu nhập cao nhất, có những cặp vợ chồng phải đóng thuế tới 37% khi thu nhập cao hơn 628.300USD.

Bộ trưởng Tài chính Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hôm 5-6 đã nhất trí ủng hộ một thỏa thuận quốc tế mang tính lịch sử về cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp toàn cầu, theo đó áp mức thuế thu nhập tối thiểu 15% đối với doanh nghiệp.

HẠNH NGUYÊN (Theo AFP)

Chia sẻ bài viết