24/03/2011 - 22:00

Giờ Trái đất thành công nhờ đâu?

Trong lần trả lời phỏng vấn độc quyền với Tân Hoa Xã (Trung Quốc) sau sự kiện Giờ Trái đất 2010, Andy Ridley – “cha đẻ” của Giờ Trái đất (ảnh) - thừa nhận bản thân chưa bao giờ dám kỳ vọng sáng kiến của anh được cả thế giới đón nhận nồng nhiệt đến vậy, nhất là chỉ sau một thời gian ngắn. Vậy mấu chốt nào làm nên thành công rực rỡ đó?

Theo chuyên gia bảo vệ môi trường 39 tuổi, tốc độ vươn xa ấn tượng của Giờ Trái đất từ một thành phố đến hàng nghìn thành phố khắp hành tinh chỉ có thể lý giải là nhờ bản chất “rộng mở” của chiến dịch này cùng với sức mạnh của các cá nhân trong thời đại truyền thông đại chúng. Ngoài ra, lực đẩy mạnh mẽ nhất giúp Giờ Trái đất ngày càng trở nên quen thuộc chính là sự hậu thuẫn của các thành phố và cộng đồng doanh nghiệp, nhờ đó thông điệp “tắt đèn một giờ vì Trái đất” của chiến dịch đã vươn khắp năm châu.

 

Thật ra, Giờ Trái đất khó có thể có được danh tiếng như ngày hôm nay nếu lần tổ chức đầu tiên ở Sydney bất thành. “Một trong những nguyên nhân làm nên thành công của Giờ Trái đất ngay từ lần đầu tiên chính là bất kỳ ai cũng có thể tham gia bởi nó là chương trình tự hành động. Chúng tôi muốn hướng đến hy vọng chứ không phải nỗi tuyệt vọng chán chường”, Ridley lý giải. Đó mới chỉ là một lý do. Ngoài chiến lược tuyên truyền phối hợp không chê vào đâu được của hai “đại gia” Leo Burnett – tập đoàn quảng cáo toàn cầu và Fairfax Media, tập đoàn truyền thông hàng đầu ở Úc, thành công vượt ngoài mong đợi của Giờ Trái đất ở Sydney không thể không kể đến sự ủng hộ nhiệt tình của Thị trưởng Clover Moore và nhà tài trợ đầu tiên, tập đoàn dịch vụ lừng danh PricewaterhouseCoopers (PwC) của Úc. “Chính nhờ sự ủng hộ của chính quyền Sydney và PwC, sáng kiến của chúng tôi trở nên có trọng lượng”, Ridley tâm sự.

Tuy nhiên, yếu tố thật sự quyết định sự thành công làm thế giới phải ngỡ ngàng của Giờ Trái đất chính là sự táo bạo trong suy nghĩ và hành động của Ridley và các cộng sự. Chính Ridley đã phá vỡ lối mòn trong công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường khi ngay thuở sơ sinh, Giờ Trái đất đã được định hình theo hướng “đại tiệc đường phố” rộng mở với mọi thị dân chứ không phải những cuộc biểu tình, tuần hành đậm chất chỉ trích. Và thay vì mời một nhân vật nổi tiếng làm đại diện phát ngôn như các chiến dịch bảo vệ môi trường trước nay vẫn làm, các nhà tổ chức Giờ Trái đất chọn giải pháp chưa từng có: nhắm tới giới doanh nghiệp. PwC là công ty đầu tiên trên thế giới ủng hộ Giờ Trái đất và việc được một tên tuổi uy tín như PwC tài trợ đã giúp ê-kíp của Ridley không phải tốn nhiều công sức thuyết phục các công ty khác. Theo website earthhour.org, bản thân PwC xem việc tham gia Giờ Trái đất như một cơ hội giúp thay đổi hành vi của đội ngũ nhân viên và chính sách hoạt động của mình. Từ đó đến nay PwC đã triển khai nhiều mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Đó là một điển hình về sự khác biệt mà Giờ Trái đất đã mang lại.

Ridley cho rằng rất khó tính được tổng mức năng lượng tiết kiệm được trên toàn cầu trong một Giờ Trái đất và đó không phải là đích nhắm của chiến dịch. Tuy nhiên, đối với mỗi gia đình và công ty thì đó không phải là bài toán khó. Cái mà ông và ê-kíp tổ chức Giờ Trái đất nhắm tới là thay đổi nhận thức của mọi người về việc bắt tay hành động chống biến đổi khí hậu. Một ví dụ rõ nét nhất chính là việc chính phủ Úc từ chỗ chưa quan tâm đã cam kết đến năm 2020 sẽ cắt giảm 5% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 2000. Mặc dù chỉ tiêu này khá khiêm tốn nhưng nó thể hiện sự thay đổi nhận thức của giới lãnh đạo xứ sở chuột túi. Theo Ridley, Giờ Trái đất đã chứng tỏ bất kỳ ai cũng có thể hành động chống hiện tượng biến đổi khí hậu.

VIỆT QUỐC (Theo Xinhua, Earthhour)

Chia sẻ bài viết