31/10/2017 - 21:33

“Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch quận Ô Môn - Lễ hội Ok-Om-Bok đồng bào Khmer thành phố Cần Thơ lần I năm 2017”

Gìn giữ bản sắc văn hóa đồng bào Khmer gắn với lễ hội 

“Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch quận Ô Môn - Lễ hội Ok-Om-Bok đồng bào Khmer TP Cần Thơ lần I năm 2017” (Ngày hội) là sự kiện do UBND quận Ô Môn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) TP Cần Thơ tổ chức. Trong lần đầu được tổ chức ở địa phương, Ngày hội nhằm hưởng ứng Lễ hội Ok-Om-Bok truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, đồng thời tạo ra sự kiện điểm nhấn cho du lịch Ô Môn nói riêng và Cần Thơ nói chung.

Ngày hội diễn ra từ ngày 1 đến 3-11 (nhằm ngày 13 đến 15 tháng 9 âm lịch), tại Trung tâm Văn hóa- Thể thao quận Ô Môn, với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao đậm tính cộng đồng như tinh thần vốn có của Lễ hội Ok-Om-Bok.

Đội Ngũ âm Trường Dân tộc Nội trú TP Cần Thơ tập chương trình biểu diễn cho Ngày hội.

Đây là lần đầu tiên Ngày hội được tổ chức, tạo sân chơi ý nghĩa cho người dân trên địa bàn, góp phần tạo mối quan hệ gắn kết giữa các dân tộc cùng cộng cư tại vùng đất này trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển. Thông qua những hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch… phong phú , du khách sẽ hiểu sâu hơn về bản sắc văn hóa, nếp sống sinh hoạt của cộng đồng người Khmer ở Ô Môn nói riêng và Nam bộ nói chung. Ngoài ra, Ngày hội còn là sự kiện giúp người dân quảng bá, giới thiệu các loại nông sản, sản phẩm làng nghề truyền thống; kết nối, quảng bá du lịch.

Trong ba ngày diễn ra, Ngày hội có hơn 10 hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Điểm nhấn là Lễ khai mạc, giải thể thao lễ hội Ok-Om-Bok đồng bào dân tộc Khmer TP Cần Thơ, giao lưu văn nghệ tổng hợp và trình diễn thời trang dân tộc Kinh- Hoa- Khmer, trình diễn nhạc ngũ âm… Ngoài ra, còn có nhiều hoạt động: Triển lãm ảnh chủ đề “Tình đoàn kết các dân tộc Kinh- Hoa -Khmer”; các hội thi: Trang trí mâm ngũ quả và hoa nghệ thuật, Trang trí gian hàng ẩm thực Kinh-  Hoa-  Khmer; các gian hàng quảng bá, xúc tiến du lịch, trưng bày các sản phẩm của làng nghề và các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp; các hoạt động trò chơi dân gian…

Lễ khai mạc diễn ra vào ngày 1-11 với nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật dàn dựng công phu, bám sát chủ đề Ngày hội, trong đó nhấn mạnh những nét đặc trưng trong đời sống văn hóa, nếp sinh hoạt của người dân ĐBSCL và đồng bào dân tộc Khmer. Đặc biệt, ngay sau lễ khai mạc là chương trình giao lưu văn nghệ tổng hợp và trình diễn thời trang dân tộc Kinh- Hoa- Khmer mang đậm nét văn hóa truyền thống.

Trình diễn nhạc ngũ âm là hoạt động đặc trưng của Ngày hội ở Ô Môn. Đây là tinh hoa âm nhạc gắn với nếp sống sinh hoạt truyền thống lâu đời của người Khmer. Trong các kỳ lễ hội lớn ở các chùa, phum sóc, người Khmer thường biểu diễn dàn nhạc ngũ âm hòa với những điệu múa uyển chuyển và duyên dáng, tạo nên không gian văn hóa đặc sắc, thu hút du khách. Trong những ngày cận kề Ngày hội, các em học sinh trong Đội ngũ âm của Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú thành phố Cần Thơ chăm chỉ luyện tập, để chuẩn bị tốt cho các buổi biểu diễn. Em Thạch Thế Toàn, 16 tuổi, hào hứng cho biết: “Trước đó, em cũng đã tham gia trình diễn ở nhiều lễ hội riêng của dân tộc mình, nhưng đây là lần đầu biểu diễn ở sự kiện của thành phố, nên em rất vui và hồi hộp. Em hy vọng qua những lễ hội quy mô như lần này, sẽ có thêm nhiều người sẽ biết đến những nét văn hóa đặc trưng của người Khmer và những nét đẹp của quê hương Ô Môn”. Thạch Thế Toàn chia sẻ thêm, em học đàn Rô- Niết- ek (một nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm) và gắn bó với Đội ngũ âm của trường khoảng 3-4 năm nay. Một phần vì được gặp gỡ bạn bè, có sân chơi giải trí ý nghĩa sau giờ học, nhưng quan trọng hơn chính là em muốn học và gìn giữ những tinh hoa của dân tộc mình.

Còn Đào Sây La (17 tuổi) là cô gái duy nhất trong Đội ngũ âm của trường, cũng gắn bó với nhạc cụ dân tộc này sớm nhất. Từ khi 11 tuổi, Sây La đã học các điệu múa, nhạc ở chùa Neryvone (Vàm Nhon, Thới Lai). Niềm đam mê đó được Sây La giữ gìn cho đến khi em được tham gia Đội ngũ âm của trường, học tập bài bản. Đào Sây La, cho biết: “Đây là lần đầu em biểu diễn trước đông người trong sự kiện của thành phố, trước đây em chỉ biểu diễn ở chùa và trường thôi, nên em đã luyện tập kỹ lưỡng. Em mong muốn có thể chia sẻ nhiều hơn với mọi người về những nét văn hóa của dân tộc mình”. Ông Đặng Phú Cường, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc Nội trú thành phố Cần Thơ, cho biết: “Từ năm 2000, để tạo điều kiện cho các em học sinh có những hoạt động sinh hoạt ý nghĩa, cũng như góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc, trường đã thành lập các đội văn nghệ Khmer, trong đó có đội ngũ âm. Tại Ngày hội tới, các em sẽ được tạo điều kiện tham gia nhiều hoạt động: biểu diễn nhạc ngũ âm, trình diễn trang phục dân tộc… cũng là giúp gìn giữ và phát huy những nét đẹp truyền thống của người Khmer”.

Ngoài những nét đặc sắc về văn hóa Khmer, Ngày hội còn có trên 25 gian hàng quảng bá, xúc tiến và giới thiệu làng nghề, trái cây, ẩm thực địa phương như: làng nghề đan lọp Thới Long, bánh tằm Thới Long, bánh kẹo Thới An… để du khách có thêm lựa chọn khi tham quan, mua sắm và thưởng thức; hoặc trải nghiệm không khí sôi nổi khi tham gia các hoạt động trò chơi dân gian.

Sở VHTT&DL, quận Ô Môn và các đơn vị hữu quan có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong các khâu xây dựng kế hoạch, công tác tổ chức; họp bàn nhiều lần để đảm bảo sự kiện được diễn ra an toàn, chất lượng. Các món ăn trưng bày, trái cây bày bán tại ngày hội đều được địa phương  tuyển chọn từ những cơ sở uy tín, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, giá cả được niêm yết, tránh tình trạng chặt chém. Dự kiến ngày hội năm nay đón khoảng 25.000 lượt khách tham quan và vui chơi, giải trí.

Ái Lam 

Chia sẻ bài viết