27/09/2022 - 09:27

Giày dép phân hủy sinh học, một nỗ lực hướng tới thời trang bền vững 

Lâu nay, thời trang vốn là một ngành công nghiệp không thân thiện với môi trường. Để góp phần cải thiện sản phẩm và thúc đẩy xu hướng thời trang bền vững, các kỹ sư và nhà thiết kế thời trang đang nỗ lực tạo ra các sản phẩm có thể tái chế và ít gây hại môi trường.

Đôi giày do Đại học California San Diego sáng chế tự phân hủy dần dần khi ngâm trong nước biển.

Đôi giày do Đại học California San Diego sáng chế tự phân hủy dần dần khi ngâm trong nước biển.

Đầu tháng này, hàng trăm vị khách - bao gồm giám đốc thương hiệu, nhà sáng lập, nhà thiết kế, nhà sáng tạo nội dung - đã đến Luân Đôn (Anh) để tham dự một hội nghị bàn về tính bền vững của ngành thời trang do Hãng thời trang nổi tiếng PUMA (Đức) tổ chức. Tại sự kiện lớn này, các diễn giả đã thảo luận tất cả mọi thứ về thời trang bền vững - từ mối lo về môi trường, giảm thiểu chất thải dệt may đến cách thức mà các thương hiệu có thể đảm bảo chuỗi cung ứng gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Phát biểu tại sự kiện, Izzy Manuel - một nhà sáng tạo nội dung trẻ tuổi, chuyên thúc đẩy thời trang chậm và mua hàng cũ - cho biết: “Chúng ta luôn nói với mọi người về sự lưu thông, hãy mua sắm đồ cũ, đừng vứt quần áo vào bãi rác, nhưng tôi nghĩ vấn đề là từ góc độ của người tiêu dùng, chúng ta cần tìm cách để giảm thiểu chất thải một cách bền vững”. Manuel kêu gọi các thương hiệu đưa ra các giải pháp minh bạch và hữu hình cho người tiêu dùng. Ví dụ, các hãng thời trang nên tạo ra các sản phẩm có thể tái chế dễ dàng giống như sản phẩm RE: SUEDE của PUMA. Đây là phiên bản cải tiến từ mẫu giày SUEDE nổi tiếng, nhưng có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn nhờ được làm từ làm từ các vật liệu bền vững hơn như da lộn Zeology, nhựa TPE phân hủy sinh học và sợi gai dầu, nhằm tối ưu hóa việc quản lý chất thải trong ngành công nghiệp giày dép hiện nay.

Cũng với nỗ lực thúc đẩy xu hướng thời trang “xanh”, thương hiệu giày Andoze mới đây vừa tung ra dòng sản phẩm giày thể thao được làm từ 98% nguyên liệu có nguồn gốc thực vật - bao gồm mía, bông hữu cơ, tre và rơm rạ. Không chỉ có kiểu dáng bắt mắt, loại giày có trọng lượng nhẹ này còn mang lại cảm giác thoáng khí, mềm mại cho người mang, chống thấm nước hiệu quả, có thể giặt máy và phần trên có thể phân hủy sinh học. 

Theo nghiên cứu mới đây từ IRI và Trung tâm Kinh doanh bền vững NYU Stern, 77% người tiêu dùng tin rằng tính bền vững là quan trọng khi lựa chọn sản phẩm để mua, tăng 8% so với kết quả hồi năm 2021.

Mới đây, các chuyên gia tại Đại học California San Diego (Mỹ) cũng cho biết họ vừa tạo ra mẫu giày có khả năng phân hủy sinh học chỉ sau 4 tuần ngâm dưới nước. Trước đó, nhóm sáng chế đã mất 8 năm để phát triển một loại nhựa dạng bọt xốp (PU foam) làm từ dầu tảo. Loại nhựa này đã được chứng minh là có khả năng phân hủy nhanh chóng trong phân trộn và đất, cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại để dùng làm phần lót trong dép hoặc lót đế trong giày thể thao. Vì thế, nhóm nghiên cứu đã thiết kế giày từ loại nhựa này để cho phép các loài vi khuẩn và nấm trong biển dễ dàng phá hủy các phân tử nhựa trong giày thành nguyên liệu ban đầu, rồi tiêu thụ chúng như chất dinh dưỡng.

Theo nhóm nghiên cứu, vật liệu thay thế nhựa của họ có thể giải quyết vấn nạn ô nhiễm nhựa trên đại dương của thế giới. Hồi năm 2010, các nhà khoa học ước tính 8 tỉ kg nhựa sẽ trôi ra biển mỗi năm và con số này dự đoán sẽ tăng mạnh vào năm 2025. Trong đó, giày dép đóng góp một phần lớn vào lượng rác thải gây ô nhiễm môi trường.

AN NHIÊN (Theo Refinery29, PRWEB, Daily Mail)

Chia sẻ bài viết