08/02/2011 - 08:53

Ông Nguyễn Quí Đôn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP Cần Thơ:

Giáo viên cần mạnh dạn đổi mới phương pháp giảng dạy

Chương trình sách giáo khoa hiện nay đòi hỏi giáo viên phải thực hiện phương pháp giảng dạy mới. Thế nhưng, làm thế nào để đổi mới phương pháp giảng dạy (PPGD) là vấn đề trong ngành giáo dục vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ về vấn đề này, ông Nguyễn Quí Đôn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ cho biết:

-Có thể nói, cán bộ, giáo viên các bậc học trên địa bàn thành phố đã có sự chuyển biến trong việc đổi mới PPGD. Tuy nhiên, sự chuyển biến này chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Tỷ lệ giáo viên ở các trường muốn đổi mới PPGD còn ít, số khác lại không mạnh mẽ thử cái mới... Nhiều giáo viên ngại thay đổi, ngại thử thách, tìm tòi cái mới nên sức “ì” trong ngành còn lớn. Nhìn chung, đổi mới PPGD đã và đang diễn ra ở các trường, tuy nhiên, sự đổi mới này chưa đạt yêu cầu. Nhiều giáo viên vẫn chưa định nghĩa được thế nào là đổi mới PPGD và đổi mới như thế nào... Trong khi đó, chương trình sách giáo khoa hiện nay được xây dựng với một lượng kiến thức khá lớn, đòi hỏi phải dạy theo phương pháp mới...

* Theo ông, đâu là nguyên nhân của sự chậm đổi mới này ?

Giáo viên Trường THPT Lưu Hữu Phước, quận Ô Môn thực hiện tiết dạy có ứng dụng công nghệ thông tin. Ảnh: L.G 

- Theo cá nhân tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm đổi mới, trong đó có nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Một trong những nguyên nhân mấu chốt vẫn là do chất lượng đội ngũ giáo viên còn hạn chế. Một bộ phận giáo viên không đủ trình độ nên thiếu bản lĩnh trong việc tiếp cận và truyền tải kiến thức cho học sinh. Thực tế, trình độ năng lực cũng như chất lượng giáo viên ở các trường phổ thông đang dần được nâng lên, dần hoàn thiện. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận giáo viên lâu năm có tâm lý bằng lòng với hiện tại, ngại thay đổi. Một số giáo viên trẻ dù được đào tạo bài bản nhưng vẫn thiếu bản lĩnh trong giảng dạy khi đứng trước học sinh nên cũng không dám thay đổi. Nguyên nhân quan trọng nữa là do điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp hiện tại nhiều nơi quá cũ, lớp học thì quá tải, chật chội nên khó lòng thực hiện phương pháp giảng dạy mới. Thử hình dung, có những lớp học trên 40 học sinh, bàn ghế chen cả lối đi, bàn ghế ngồi học là bàn 2 chỗ thì làm sao tổ chức ngồi học theo nhóm được. Bên cạnh đó, một số cán bộ, giáo viên nhận thức không đúng về đổi mới phương pháp giảng dạy nên chỗ này thực hiện thế này, chỗ kia thực hiện thế kia mà vẫn chẳng thể thay đổi gì...

* Thời gian qua, một số phụ huynh cho rằng việc tổ chức ngồi học theo nhóm làm ảnh hưởng đến việc phát triển thể chất của học sinh do phải nhìn nghiêng lên bảng, ông nghĩ sao về ý kiến này?

- Việc tổ chức học nhóm là cần thiết bởi khi học nhóm, học sinh có điều kiện trao đổi, thảo luận để hiểu bài dễ dàng hơn. Ông bà xưa thường nói “Học thầy không tày học bạn”, có nhiều vấn đề khi thảo luận nhóm, các em dễ dàng trao đổi với nhau hơn với thầy cô. Vì vậy, nhiều nội dung khó, các em cùng thảo luận sẽ dễ hiểu bài. Vai trò của việc học nhóm là không thể phủ nhận, nhất là khi thực hiện chương trình sách giáo khoa hiện nay. Tuy nhiên, khi thực hiện việc học nhóm, đòi hỏi phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, phòng ốc. Chẳng hạn, bàn ghế phải là bàn ghế đơn khi học sinh học nhóm, các bàn đơn này ráp lại thành những khối hình vuông, hình thoi... để các em thuận lợi trao đổi, thảo luận. Đến khi học các tiết bình thường, các em tự dời bàn nên đều có thể nhìn lên thẳng bảng. Sĩ số lớp cũng không quá 30 học sinh, để khi học nhóm, các em di chuyển bàn dễ dàng. Do bàn ghế ở các trường hiện nay còn nhiều loại bàn theo kiểu cũ, phòng chật chội nên khi tạo thành nhóm, học sinh, giáo viên thường để nguyên, ngại di chuyển. Vì vậy, khi chuyển sang nhìn bảng, các em thường lười quay người lại nên thường nhìn nghiêng, lâu dần thành thói quen.

* Thưa ông, hiện nay một số giáo viên cho rằng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào dạy học là đã đổi mới phương pháp giảng dạy. Ông nghĩ sao về việc này?

- Nhiều cán bộ, giáo viên vẫn ngộ nhận việc ứng dụng CNTT chính là đổi mới PPGD. Thực tế, CNTT chỉ là một trong những phương tiện hỗ trợ đổi mới PPGD. Nhiều tiết học cần CNTT để vẽ hình, minh họa hình ảnh... nhờ vậy, tiết học sẽ sinh động hơn. Tuy nhiên, không phải tiết học nào cũng cần có CNTT, nhất là những tiết học cần sự biểu cảm của người thầy. Và chính trình độ của người giáo viên sẽ tạo nên phong cách riêng với khả năng chiếm lĩnh kiến thức và hướng dẫn học sinh chiếm lĩnh nó.

Thực tế, những phần mềm tốt nhất cũng là một chương trình làm sẵn nên chắc chắn phải có nhược điểm. Bên cạnh đó, do điều kiện cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu thốn, để thực hiện ứng dụng CNTT, mỗi phòng học cần phải có đầy đủ màn hình, máy chiếu... nên việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy ở các trường cũng còn hạn chế...

* Theo ông, mỗi giáo viên cần làm gì để góp phần thực hiện tốt mục tiêu đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy và học?

- Trước hết bản thân mỗi giáo viên phải tự hiểu như thế nào là đổi mới PPGD để tự mình thay đổi. Thực tế, đổi mới PPGD là thay đổi những cách thức trong hành động để mang đến hiệu quả cao nhất, đó chính là: học sinh hiểu bài. Vì vậy, đổi mới PPGD không có một khuôn mẫu mà giáo viên phải tùy tình hình thực tế để có cách đổi mới phù hợp, trong đó, phụ thuộc nhiều vào trình độ học sinh. Vì vậy, đổi mới PPGD phải linh hoạt, sáng tạo, không thể máy móc... Để thực hiện điều này, giáo viên phải có đầy đủ năng lực chuyên môn và bản lĩnh của người thầy.

LY GIANG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết