16/12/2018 - 11:02

Giao lưu về tín ngưỡng ở Cần Thơ 

Từ khi đất Cần Thơ hình thành, đã là trung tâm quần cư của nhiều dân tộc. Từ đó, đời sống tín ngưỡng có sự giao lưu, tạo nét đặc sắc riêng.

Dân số, dân tộc và đặc điểm sinh hoạt

Ngay từ buổi đầu khai phá, Cần Thơ đã là vùng đất quần cư của nhiều tộc người. Khi nhà Nguyễn tổ chức quản lý Nam bộ, cách quản lý nhân khẩu giống các triều đại trước: chỉ nắm số “đinh” - số người nam trong tuổi lao động - để phân định sưu hằng năm. Nhưng người dân lại thường tìm cách không đăng ký sổ “đinh”, nên không thể có được các số liệu nhân khẩu đáng tin cậy. Đến năm 1876, dân số của hạt Cần Thơ là 53.910 người (36.000 người Việt, 7.571 đinh Việt; 8.000 Khmer, 1.116 đinh Khmer; 1.221 Hoa; 2 Âu). Còn theo Paul Alinot trong quyển “Géographie Générale de l’Indochine Francaise” thì tỉnh Cần Thơ vào năm 1915 có số dân là 214.700 người (trong đó có 41.320 người các dân tộc Khmer, Hoa, Âu). Như vậy từ 1876 đến 1915, dân số Cần Thơ đã tăng gần 4 lần, quá trình tăng dân nhanh chóng chủ yếu do nhập cư. Vào đầu thế kỷ XX, Cần Thơ đã là trung tâm kinh tế - hành chính - tài chính của vùng hữu ngạn sông Hậu. Năm 1953, trước khi Pháp buộc phải ký hiệp định Genève (1954), tỉnh Cần Thơ có số dân gồm: 222.660 người Việt; 15.769 người Khmer; 15.542 người Hoa; 251 người Âu; 65 người Ấn. Vậy là tổng 254.287 người.(1)


Bà Chúa Xứ ở đình Thường Thạnh (quận Cái Răng). Ảnh: Trần Phỏng Diều

Những số liệu trên đây cho thấy từ buổi hình thành vùng đất, Cần Thơ đã là nơi hội tụ của nhiều tộc người. Thế nhưng sự giao lưu văn hóa ở Cần Thơ nổi bật là giữa các tộc người Việt, Khmer, Hoa bởi đây là ba dân tộc đã chung tay khai mở và tạo lập vùng đất, đoàn kết chống giặc ngoại xâm.

Trong đó, người Việt giữ vai trò chủ chốt khai phá và bảo vệ vùng đất, phân bố từ thành thị đến các vùng nông thôn. Họ giữ lại phong tục tập quán của tổ tiên, trồng lúa nước là nghề truyền thống; nhưng có thay đổi để thích hợp với vùng đất mới, với tính cách tự do của các lưu dân, như đơn giản nhiều phong tục, giảm bớt nhiều lễ hội. Người Khmer với tập quán định cư trên các vùng đất giồng, sống quanh chùa chiền Phật giáo tiểu thừa mang đậm nét kiến trúc Nam Á, vẫn giữ truyền thống sùng đạo Phật và sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Còn người Hoa giỏi nghề mua bán, sống tập trung trong thành phố, thị trấn, hoặc các trung tâm xã, ấp. Họ hoạt động rất có hiệu quả trong các ngành chế biến nông sản, thực phẩm, tiểu thủ công mỹ nghệ và thương mại.

Tuy có sự phân biệt về mặt thống kê, nhưng đã từ lâu vùng đất Cần Thơ minh chứng cho giao thoa văn hóa ở vùng sông Hậu. Tiếng Việt trở thành phổ ngữ cho cả cộng đồng. Ngược lại, nhiều từ ngữ, lễ hội, nông cụ… của người Hoa, người Khmer đã được người Việt sử dụng như của chính mình(2). Tất cả các yếu tố trên là tiền đề cho việc giao lưu về tín ngưỡng.

Giao lưu tín ngưỡng                     

Vào thời khẩn hoang, các tộc người gặp khó khăn trước thực tế khắc nghiệt của thiên nhiên. Thế nhưng với ý thức về cội nguồn dân tộc, nhu cầu văn hóa tâm linh và gắn kết cộng đồng, người dân Việt đã có những sinh hoạt tín ngưỡng đơn giản, như thờ Phúc thần, Trời, Phật… Bên cạnh đó, người Việt tiếp thu các giá trị văn hóa tín ngưỡng thuộc các tộc người khác trong quá trình giao tiếp văn hóa trên vùng đất mới. Bởi vì thần thánh của dân tộc khác vẫn là tiêu biểu cho việc khuyến thiện trừng ác, đã tôn kính rồi thì người bản địa và người mới đến không ai mặc cảm tự ti hoặc tự tôn. Việc giao lưu tín ngưỡng trên hết nhằm tăng cường sức mạnh tinh thần cho lưu dân nơi vùng đất mới. Những giá trị được tích hợp thông qua các quá trình giao lưu, hội nhập, tiếp biến văn hóa… ngày càng mở rộng để trở thành những sức mạnh có tác động đời sống xã hội… từ đó từng bước góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa ở địa phương.(3)


Bà Thiên Hậu ở Thiên Hậu miếu (quận Cái Răng). Ảnh: Trần Phỏng Diều

Như vậy, trong quá trình định cư và khai phá ở vùng đất này, các dân tộc anh em đã cùng chung lưng đấu cật. Khi đất đai đã được thuần, các dân tộc này lại cùng đoàn kết với nhau mà cày cấy, đánh bắt, nuôi trồng… chung sống hòa bình. Vì lẽ đó, văn hóa của các dân tộc tuy có nét riêng nhưng cũng có những điểm chung và chịu ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Việc người Kinh và người Hoa lập miễu thờ thần NeakTa của người Khmer là điều bình thường. Ngược lại, người Khmer, người Kinh có niềm tin với Bà Chúa Xứ, Bà Cố Hỉ của người Chăm và Bà Thiên Hậu của người Hoa cũng không có gì lạ.

Đến bất kỳ đình, miễu nào ở Cần Thơ chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp sự giao thoa này. Ở đây, ngoài các vị thần chính của dân tộc mình, người ta còn thờ thêm thần thánh của các dân tộc khác. Và các vị thần được thờ này cũng thuộc nhiều dạng khác nhau: có vị là nhân vật có thật, có vị chỉ tồn tại trong truyền thuyết, cũng có khi là Đức Phật Quan Âm, Bồ Tát Địa Tạng, hay những vị thần tồn tại trong kinh sách của dân tộc… Các vị thần này ngụ chung một chỗ để thực hiện quyền năng cứu khổ cứu nạn, phò chính trừ tà, diệt trừ ma quái, xua đi điều rủi để đưa điều may đến, mang phúc đức và bình an đến mọi nhà.

Chẳng hạn như tín ngưỡng thờ Bà Thiên Hậu. Tín ngưỡng Thiên Hậu mặc dù đã toàn thịnh ở Trung Quốc, nhưng khi Người Hoa di cư sang nước ta mang theo tín ngưỡng này, đã tiếp thu một số yếu tố văn hóa mới. Nếu như ở Trung Quốc, người dân thường gọi vị nữ thần này là Ma Tổ, thì ở nước ta, tên gọi phổ biến của bà là Thiên Hậu. Hầu hết các nơi thờ bà có biển đề là Thiên Hậu cung hay Thiên Hậu miếu, dân gian thì hay gọi là chùa Bà. Ở Trung Quốc, chưa bao giờ người ta thờ Quan Công trong cùng một ngôi miếu với Thiên Hậu thì ở Việt Nam, hiện tượng này không có gì đáng ngạc nhiên. Dân gian gọi những nơi thờ Quan Công là chùa Ông, còn những nơi thờ Thiên Hậu là chùa Bà, miếu Bà. Lúc đầu, khi người Hoa mới vượt biển đến đây và buôn bán theo mùa, thì Bà phù hộ cho người vượt biển bình an, không gặp nguy hiểm. Dần dần, người Hoa nhập quốc tịch Việt nhiều hơn, làm nhiều nghề khác nhau, số người buôn bán đường biển giảm mạnh. Mưu sinh trên vùng đất mới, ước mong lớn nhất của họ là an cư lạc nghiệp và khỏe mạnh. Nhu cầu tâm linh thay đổi đã làm cho chức năng của bà Thiên Hậu thay đổi theo. Trải qua chiều dài thời gian, tín ngưỡng Thiên Hậu đã tiếp thu những yếu tố thời đại và qua bề rộng không gian, vừa bảo lưu những yếu tố văn hóa truyền thống vừa tiếp thu những yếu tố văn hóa riêng của từng vùng, miền đó.(4)

Trên bước đường khai hoang mở cõi, những lưu dân người Việt từ miền ngoài vào không khỏi lo lắng trước một thực tế thiên nhiên còn hoang sơ, những nỗi lo về dịch bệnh, thú dữ… luôn thường trực trong cuộc sống của họ. Họ vẫn tôn kính ông Thổ thần, Thổ địa mà họ mang theo, nhưng để yên tâm hơn trong công cuộc khai hoang nơi rừng sâu nước độc, họ cũng tiếp nhận niềm tin vào vị thần Đất của người Khmer, lập miễu thờ vị thần Đá với ước mong được yên ổn làm ăn, cầu xin thần phù hộ tai qua nạn khỏi… Có điều, họ tiếp nhận vị thần này bằng cảm quan của họ cho phù hợp với tâm tính của dân tộc mình, như: đổi tên, thay đổi chức năng, tạo nét kiến trúc khác… và lưu dân đã Việt hóa vị thần NeakTa thành ông Tà với chức năng của một vị thần Đất.

So với thần NeakTa của người Khmer thì quyền năng của ông Tà người Việt ít hơn. Nội dung thờ NeakTa của người Khmer là cả một hệ thống tín ngưỡng rất phong phú, vừa là thần của một núi rừng, ruộng rẫy, làng xóm; vừa là nhân vật có công với làng nước, ông tổ của một dòng họ, lại vừa là một vị thần gốc Bàlamôn… Ông Tà của người Việt chỉ có chức năng cai quản khu vực đất ruộng rẫy, không nằm trong khuôn viên đất thổ cư.(5)

Giao lưu về tín ngưỡng với người Chăm được thể hiện ở việc thờ cúng Bà Chúa Xứ và Bà Cố Hỉ. Hai vị nữ thần này được thờ rất phổ biến ở Cần Thơ và được người dân Cần Thơ hết sức tin tưởng.

Giao lưu về tín ngưỡng cũng như giao lưu về các phương diện khác giữa các dân tộc ở Cần Thơ là một hiện tượng tự nhiên và phổ biến, xảy ra hàng trăm năm qua, minh chứng cho sự đoàn kết, chung sống hòa bình giữa các dân tộc trên một vùng đất. 

Trần Phỏng Diều

.............................

(1) Tỉnh ủy Cần Thơ (2002), Địa chí Cần Thơ, tr.192-193.
(2) Địa chí Cần Thơ, Sđd, tr.200-201.
(3) Huỳnh Quốc Thắng (2003), Lễ hội dân gian Nam Bộ, khía cạnh giao tiếp văn hóa dân tộc, Nxb Văn  hóa Thông tin, Hà Nội, tr.156-158.
(4) Phan Thị Hoa Lý (2012), Sự hình thành và phát triển của tín ngưỡng Thiên Hậu, Tạp chí Văn hóa dân gian số 1, tr.25-28.
(5) Nguyễn Hữu Hiếu (2015), Tục thờ thần qua am miếu Nam Bộ, Nxb ĐHQG Hà Nội, tr.261-265.

 

Chia sẻ bài viết