30/01/2019 - 08:01

Giao lưu, giới thiệu 2 tập sách của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng 

NXB Văn hóa – Văn nghệ vừa tổ chức giao lưu, giới thiệu 2 tập sách “Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội” và “Khảo luận về Tết” của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. Hai ấn phẩm và buổi giao lưu nhằm giúp người đọc hiểu rõ về Tết và nghệ thuật dân gian, từ đó giữ gìn các phong tục tập quán của Tết truyền thống và nét đẹp của diễn xướng dân gian.

Quang cảnh buổi giao lưu.

Trong phần ra mắt sách “Khảo luận về Tết”, tác giả Huỳnh Ngọc Trảng cùng bạn đọc thảo luận về những ý kiến, cảm nhận trái chiều về Tết hiện nay như: Liệu Tết có còn cần thiết? Tết đã thay đổi như thế nào theo dòng biến chuyển không ngừng của lịch sử? Từ tìm hiểu, đối chiếu, tác giả cho thấy vai trò của Tết đối với lịch sử - văn hóa - đời sống của dân tộc. “Khảo luận về Tết” cho thấy Tết Nguyên đán là một phong tục tốt đẹp mà nhân dân ta còn duy trì, lưu giữ như một nét sinh hoạt văn hóa mang những giá trị truyền thống trong nhịp sống hiện đại.

Trong khi đó, “Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội” là tập hợp các hình thức diễn xướng dân gian mà tác giả Huỳnh Ngọc Trảng với sự cộng tác của Trương Ngọc Tường, Nguyễn Đại Phúc, Lê Hải Đăng đã dày công điều tra theo phương thức điền dã trong suốt nhiều năm (từ 1980 đến 1990). Sách ghi nhận các hình thức diễn xướng dân gian ở vùng đất Gia Định - Sài Gòn xưa, trong địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Cụ thể gồm các phần chính như sau:  Các hình thức diễn xướng trữ tình, bao gồm các thể loại dân ca, hò, hát, lý...; các hình thức diễn xướng tự sự dân gian bao gồm các lối nói vần vè, kể vè, nói thơ, nói tuồng…; các hình thức diễn xướng nghi lễ, gồm các hình thức diễn xướng tổng hợp trong lễ hội cúng miễu, cúng Kỳ yên ở đình làng, diễn xướng nghi lễ trong các cuộc trai đàn chẩn tế, hát Ông Tổng trong tang lễ và đặc biệt là hát sắc bùa chúc Tết; các hình thức: múa Hẩu, múa Lân, múa Rồng...

Chia sẻ bài viết