25/01/2015 - 15:40

Giáo dục thể chất cho thế hệ tương lai

Xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh phải có con người phát triển về trí tuệ, trong sáng về đạo đức và cường tráng về thể chất. Chăm lo cho con người về thể chất là trách nhiệm của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ, vấn đề này cần đáng quan tâm nhiều hơn.

Trường Tiểu học (TH) Lê Bình 2, quận Cái Răng có 892 học sinh với 3 giáo viên dạy thể dục. Ở khối lớp 1, trường tổ chức dạy giáo dục thể chất (GDTC) 1 buổi/tuần, từ khối lớp 2 đến lớp 5 là 2 buổi/tuần. Những ngày học trong tuần, học sinh của trường còn tham gia thể dục giữa giờ. Tuy nhiên, do sân trường nhỏ, hẹp nên chỉ có một số ít học sinh (những lớp học ở tầng trệt) tham gia tập thể dục giữa giờ. Thầy Chim Hoàng Sơn, Tổ trưởng Tổ Bộ môn thể dục Trường TH Lê Bình 2, cho biết: "Bên cạnh chương trình GDTC chính khóa, nhà trường chủ động tổ chức GDTC ngoại khóa với nhiều môn thể thao, giúp các em rèn luyện sức khỏe, tăng cường thể lực. Vì GDTC là yếu tố quan trọng giúp các em phát triển toàn diện về thể chất". Hiện tại, Trường TH Lê Bình 2 đã thành lập 2 câu lạc bộ: đá cầu và điền kinh với 24 học sinh, nhiều học sinh còn học võ tại trường vào buổi tối do giáo viên của trường dạy.

Học sinh Trường TH Lê Bình 2 tham gia tập thể dục giữa giờ.

 

Theo kết quả nghiên cứu Đề tài "Đánh giá thực trạng và một số giải pháp nâng cao GDTC của học sinh TH ở TP Cần Thơ" của Thạc sĩ Lư Quốc Nhiêu (được nghiệm thu vào đầu tháng 1-2015): 100% các trường TH ở TP Cần Thơ thực hiện tốt công tác GDCT chính khóa cả thời gian và nội dung môn học cũng như các hình thức tổ chức dạy cho học sinh. Đặc biệt, GDTC ngoại khóa được các trường tổ chức và thực hiện thường xuyên. Trong số 9 trường được khảo sát, có 7 trường tổ chức GDTC ngoại khóa đa dạng các môn thể thao. Trường TH Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh là trường tổ chức ngoại khóa nhiều môn thể thao gồm 8 môn: Cờ vua, Cầu lông, Đá cầu, Bi sắt, Bóng bàn, Điền kinh, Bóng rổ và Bóng đá. Phần lớn, các trường TH trên địa bàn thành phố tổ chức 4-5 môn thể thao ngoại khóa cho học sinh.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất phục vụ công tác GDTC ở trường TH của thành phố hiện thiếu và yếu. Thực tế các trường không đủ sân tập các môn thể thao. Cũng theo kết quả nghiên cứu của Thạc sĩ Lư Quốc Nhiêu, phần lớn các trường chỉ có sân tập ngoài trời, nhiều trường sử dụng luôn sân trường để làm sân tập, trong đó nhiều sân đã hư hỏng, xuống cấp, ảnh hưởng đến chất lượng luyện tập. Tính trung bình mỗi trường chưa có tới một sân tập các môn thể thao (riêng Trường TH Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều có nhà tập đa năng được xây dựng mới để tổ chức Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2012). Đây là hạn chế cơ bản dẫn đến không thể phát triển phong trào tập luyện ngoại khóa các môn thể thao tại các trường TH. Thực trạng trình độ thể lực của học sinh các trường TH trên địa bàn TP Cần Thơ chủ yếu ở mức độ đạt theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, thể lực của nhiều học sinh còn ở mức không đạt, trong đó kết quả kiểm tra thấp nhất là test đánh giá sức bền.

Song song đó, thực trạng thiếu giáo viên GDTC ở bậc học TH của TP Cần Thơ cũng được đặt ra trong đề tài này. Theo Tiến sĩ-Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, ở bậc học TH là giai đoạn đặt nền tảng cho quá trình phát triển toàn diện về sau. Song song với chương trình học văn hóa cho trẻ, hoạt động vận động thể chất là yếu tố quan trọng để trẻ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần.

Việc thường xuyên tổ chức luyện tập thể dục thể thao cho trẻ trong giai đoạn này giúp tăng cường thể lực và sức đề kháng cho các em. Mỗi năm, Nhà Nuôi trẻ mồ côi Hướng Dương nhận nuôi dưỡng từ 30-33 trẻ bị bỏ rơi, mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt. Năm 2014, nhà nuôi trẻ áp dụng phương pháp tăng cường hoạt động thể chất cho trẻ thông qua các sinh hoạt thường ngày như cho các em tập thể dục vào buổi sáng, vệ sinh phòng ở, môi trường xung quanh nhà trẻ, chơi một số môn thể thao vận động phù hợp với tuổi của các em… Sau một năm, sức khỏe của các em được cải thiện rõ, ít bệnh và không có trường hợp bệnh phải đi bệnh viện như những năm trước.

Bên cạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác GDTC trong trường học hiện nay, chủ nhiệm đề tài đã đề xuất thành phố cần có thêm những hoạt động tuyên truyền, vận động để mỗi người dân nhận thức được tầm quan trọng của GDTC đối với con em trong gia đình, thế hệ "rường cột" của tương lai đất nước. Những công dân trí tuệ phát triển, tinh thần trong sáng, cơ thể cường tráng sẽ đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Bài, ảnh: THẢO MỘC

Chia sẻ bài viết