17/04/2019 - 10:18

Giám sát việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự 

(CT)- Ngày 16-4-2019, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự do đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì. Tham dự buổi giám sát có đồng chí Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: P.N

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: P.N

Hiện nay, thành phố có tổng cộng 3 tổ chức giám định tư pháp công lập: Trung tâm pháp y thuộc Sở Y tế, Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an thành phố, Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế. Đội ngũ giám định viên tư pháp 132 người về các lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự… Hệ thống văn bản pháp luật về giám định tư pháp được ban hành từng bước hoàn thiện và đầy đủ hơn giúp cho thành phố có được công cụ pháp lý để quản lý có hiệu quả hoạt động giám định tư pháp; các Sở, ngành đã có sự phối hợp trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp như bổ nhiệm, lập, công bố danh sách giám định viên tư pháp, tổ chức giám định và người giám định tư pháp theo vụ việc.

Bên cạnh đó, công tác giám định tư pháp còn gặp nhiều khó khăn như: quy định của pháp luật tố tụng về trưng cầu giám định, đánh giá, sử dụng kết luận giám định còn thiếu nên việc thực hiện thiếu thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; việc đầu tư trang thiết bị, máy móc thực hiện công tác giám định tư pháp còn hạn chế do ngân sách địa phương có hạn nên phần nào chưa đáp ứng được đầy đủ các trang thiết bị hiện địa cho tổ chức giám định tư pháp...

Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh: Đoàn đánh giá cao việc thực hiện quản lý nhà nước trong công tác giám định tư pháp ở địa phương. Việc chấp hành pháp luật của địa phương đạt nhiều hiệu quả tích cực nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ viên tư pháp; chất lượng các vụ việc giám định được nâng cao đảm bảo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và yêu cầu giám định của tổ chức và cá nhân trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đề nghị thành phố cần có sự quan tâm hơn nữa trong việc nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của giám định tư pháp trong tố tụng hình sự đặc biệt là giám định theo vụ việc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong công tác giám định tư pháp; tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị có liên quan trong giám định tư pháp.

P.N

Chia sẻ bài viết