06/10/2022 - 21:29

Giảm kỳ thị cộng đồng đối với người nhiễm HIV 

Bài, ảnh: H.HOA

Kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV còn phổ biến là kết quả nghiên cứu chỉ số kỳ thị do Mạng lưới người sống với HIV tại Việt Nam thực hiện. Sau 30 năm, kể từ khi ca nhiễm HIV đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam, người nhiễm HIV vẫn đối mặt với sự kỳ thị và phân biệt đối xử. Ðây được ví là "đại dịch" đáng sợ khiến cho người nhiễm HIV giấu tình trạng bệnh, chậm tham gia điều trị, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và tử vong. 

Nghiên cứu viên chính Đỗ Đăng Đông, Chủ tịch Mạng lưới người sống với HIV tại Việt Nam, báo cáo kết quả nghiên cứu tại TP Cần Thơ. 

Nghiên cứu được thực hiện với sự tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật của Chương trình cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về HIV/AIDS; CDC Hoa Kỳ và Tổ chức hợp tác phát triển y tế Việt Nam (HAIVN). Nghiên cứu nhằm mục đích nâng cao hiểu biết về mức độ và các hình thức kỳ thị và phân biệt đối xử mà người nhiễm HIV phải đối mặt, hỗ trợ cho việc cải thiện các chương trình, chính sách để đạt được mục tiêu tiếp cận phổ cập với dự phòng, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ HIV.

Theo báo cáo của nghiên cứu viên chính Ðỗ Ðăng Ðông, Chủ tịch Mạng lưới người sống với HIV tại Việt Nam, nghiên cứu được thực hiện 3 vòng vào năm 2011, 2014 và 2020. Năm 2020 nghiên cứu đã thực hiện với sự tham gia của 1.623 người tại 7 tỉnh, thành Việt Nam, gồm: Ðiện Biên, Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Ðắk Lắk, Cần Thơ và Hồ Chí Minh. Số người tham gia nghiên cứu từ 18 tuổi trở lên và được chẩn đoán nhiễm HIV ít nhất 12 tháng.

Riêng tại Cần Thơ có 76 người nhiễm HIV tham gia nghiên cứu với 25% là nữ, 75% là nam giới. Ðộ tuổi trung bình là 36 tuổi, thời gian phát hiện bệnh là 6 năm; 52,6% có học vấn từ THPT trở lên. Kết quả ghi nhận với 76 người có H tại Cần Thơ là: Rất ít người có H tiết lộ tình trạng HIV của họ khi tiếp cận các cơ sở y tế không liên quan đến HIV; 13,2% bỏ lỡ một liều thuốc ARV vì sợ người khác biết được tình trạng HIV của họ; 51,6% từng lưỡng lự khi quyết định đi làm xét nghiệm HIV vì lo sợ phản ứng của người khác nếu có kết quả xét nghiệm dương tính. 18,4% người có H ở Cần Thơ cho biết từng gặp phải ít nhất một dạng kỳ thị và phân biệt đối xử trong cộng đồng vì tình trạng HIV của họ trong 12 tháng qua, gồm: 10,5% bị từ chối việc làm hoặc mất một nguồn thu nhập; 9,2% từng bị bàn tán sau lưng; 3,9% bị xúc phạm bằng lời nói... Trong 7 tỉnh, thành, thì tỷ lệ này ở Cần Thơ chỉ thấp hơn Ðắk Lắk (25,8%).

Kết quả nghiên cứu ở Cần Thơ cũng chỉ ra trong cơ sở y tế có 23,7% từng gặp phải ít nhất một dạng phân biệt đối xử khi tìm kiếm các dịch vụ y tế trong 12 tháng qua: 3,9% cho rằng nhân viên y tế sử dụng biện pháp dự phòng quá mức hoặc tránh tiếp xúc trực tiếp; 1,3% bị từ chối cung cấp dịch vụ vì tình trạng HIV; 19,7% được khuyên không nên quan hệ tình dục vì tình trạng HIV của mình... khi tiếp cận các dịch vụ y tế không liên quan đến HIV thì 14,3% nhân viên y tế tránh đụng chạm hoặc dự phòng quá mức, 4,8% người có H bị từ chối cung cấp dịch vụ vì tình trạng HIV.

Bên cạnh đó, nghiên cứu ở Cần Thơ cho thấy, người nhiễm HIV tự kỳ thị chiếm tỷ lệ cao: cảm giác tội lỗi chiếm 37%; cảm thấy bản thân vô dụng chiếm gần 41%...  Nhiều người có H cho biết trong 12 tháng qua từng có tự cô lập bản thân hoặc tránh các hoạt động tập thể vì tình trạng HIV của bản thân: 22,4% quyết định cô lập bản thân khỏi gia đình hoặc bạn bè; 18,4% chọn không tham gia vào các buổi sinh hoạt xã hội, 27,6% quyết định không quan hệ tình dục. Ðáng lưu ý có 9,2% cho biết họ quyết định không tìm đến các dịch vụ y tế.

Sức khỏe tâm thần trở thành vấn đề phổ biến trong nhóm người có H: Ðáng chú ý là 18% đối tượng nghiên cứu cho biết từng được chẩn đoán có vấn đề về sức khỏe tâm thần trong vòng một năm qua. Ðược hỏi về các triệu chứng gặp phải trong 2 tuần qua, 85,5% đối tượng nghiên cứu cho biết suy sụp, chán nản, tuyệt vọng. 50% người có H không biết liệu Việt Nam có luật nào bảo vệ người có H khỏi phân biệt đối xử không. 

Nhìn chung kết quả nghiên cứu cho thấy kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người có HIV vẫn còn phổ biến cả trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế. Nghiên cứu này chỉ rõ cần tiếp tục nỗ lực xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những người có H. Nhóm nghiên cứu khuyến nghị Cần Thơ và các tỉnh, thành tham gia nghiên cứu cần cải thiện dịch vụ tư vấn để hỗ trợ cho người có H; tập huấn nhân viên y tế và khách hàng về quyền riêng tư và bảo mật cho khách hàng - người có HIV; cần hướng đến những chiến dịch truyền thông để xóa bỏ kỳ thị; mở rộng những dịch vụ tư vấn gia đình để giúp việc đối thoại và những chiến lược ứng phó cho người có H và gia đình trở nên dễ dàng hơn; tiếp tục đẩy mạnh thành công của chiến dịch K=K tại Việt Nam; tập trung vào sức khỏe tình dục và sự đa dạng về giới tính; tăng cường hỗ trợ sức khỏe tâm thần và lồng ghép các dịch vụ sức khỏe tâm thần vào các mô hình điều trị HIV; huy động các tổ chức dựa vào cộng đồng để giảm kỳ thị.

Chia sẻ bài viết