07/11/2012 - 20:29

Giải quyết căn cơ bài toán “liên kết” giữa các địa phương

Cam sành Cái Bè, Tiền Giang.

Liên kết để phát triển bền vững, khai thác lợi thế và phát huy đúng tiềm năng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBCSL)- đó là mong muốn được đặt ra tại Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC). Chủ đề của MDEC năm 2012 là "Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững" do tỉnh Tiền Giang đăng cai tổ chức. MDEC- Tiền Giang 2012 sẽ khái quát toàn cục thực trạng phát triển nông nghiệp của vùng ĐBSCL, giải pháp hướng đến sự bền vững. Theo các chuyên gia, muốn thực hiện được vấn đề trên, cần giải quyết căn cơ bài toán "liên kết" giữa các địa phương.

Theo Ban Tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL - Tiền Giang 2012, sau 5 lần tổ chức thành công MDEC với các chủ đề: "ĐBSCL chủ động hội nhập WTO", "Vì sự phát triển hạ tầng giao thông", "Phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL thời hội nhập", "Phát huy lợi thế sông, biển-phát triển kinh tế bền vững vùng ĐBSCL", "ĐBSCL- Liên kết phát triển bền vững", diễn đàn đã đạt được những kết quả thiết thực, có ảnh hưởng, lan tỏa lớn trong và ngoài khu vực, góp phần vào sự phát triển cho ĐBSCL. Đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, cho biết: "ĐBSCL có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế đất nước, nhưng do hạn chế trong liên kết phát triển giữa các địa phương và liên kết vùng nên các sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản có lợi thế so sánh, giá trị cao bị phân khúc trong chuỗi giá trị ngành hàng và sức cạnh tranh thấp trên thị trường. Do đó, MDEC-Tiền Giang 2012 nhằm mục đích thu thập ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp, những người sản xuất, kinh doanh giỏi để cùng bàn thảo, tìm ra giải pháp hành động và đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp với đặc điểm của vùng trong thời kỳ hội nhập". ĐBSCL có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp so với các vùng kinh tế cả nước, tuy nhiên, nông dân vẫn nghèo, đời sống khó khăn. Do vậy, hướng đến nền nông nghiệp chất lượng cao sẽ góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp vươn xa hơn.

Ông Đoàn Văn Phương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại - Du lịch Tiền Giang, kiêm Phó Trưởng ban Diễn đàn MDEC- Tiền Giang 2012, cho biết UBND tỉnh Tiền Giang đã thành lập Ban Tổ chức và 5 tiểu ban giúp việc; chọn được nông dân tiêu biểu để tham dự và phát biểu ý kiến tại diễn đàn. Công tác chuẩn bị cho diễn đàn đang khẩn trương hoàn tất để sẵn sàng cho 7 chuỗi sự kiện MDEC – Tiền Giang 2012 từ 5 đến ngày 9-12-2012. Trong khuôn khổ MDEC – Tiền Giang 2012 diễn ra các hoạt động về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; tạo điều kiện, cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu về tiềm năng, ký kết hợp tác phát triển.

Diễn đàn nông dân ĐBSCL là dịp để các cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp lắng nghe những kiến nghị và giải đáp tâm tư, nguyện vọng của nông dân; tăng cường mối quan hệ giữa nông dân với chính quyền và doanh nghiệp. Hội chợ triển lãm rau quả và thương mại ĐBSCL sẽ tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh "Đất phù sa cho cây trái ngọt lành" của vùng sông nước Cửu Long với bạn bè trong nước và quốc tế. Thông qua lễ hội này để tôn vinh những thành quả lao động của người nông dân ĐBSCL đã đem lại sự phong phú, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, Ban Tổ chức có lồng ghép các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, tiếp thị cho sản phẩm trái cây Việt Nam, góp phần xây dựng vững chắc cho trái cây Việt Nam trên bản đồ hội nhập. Diễn đàn Doanh nghiệp ĐBSCL là kênh đối thoại mang tính xây dựng giữa UBND các tỉnh, thành Tây Nam bộ với cộng đồng doanh nghiệp, nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL. Hội thảo xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch ĐBSCL nhằm sơ kết, đánh giá chương trình xúc tiến trong khuôn khổ diễn đàn hàng năm và tạo cơ hội cho các địa phương tiếp cận, gặp gỡ doanh nghiệp để mời gọi đầu tư.

Bên cạnh đó, Hội nghị Ban Chỉ đạo MDEC sẽ xem xét các vấn đề đã được đưa ra thảo luận tại các hội nghị, hội thảo trước đó. Đánh giá kết quả thực hiện tuyên bố chung hằng năm của diễn đàn. Ban Chỉ đạo sẽ thống nhất các chương trình đối ngoại giữa vùng với các địa phương và các tổ chức quốc tế. Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết, qua Diễn đàn, ngành chức năng sẽ tìm hướng đi phù hợp cho vùng ĐBSCL. Diễn đàn còn tìm cơ chế, chính sách đặc thù cho nền nông nghiệp. Thực trạng nhiều năm qua, trúng mùa mất giá và trúng giá mất mùa cứ lặp đi lặp lại thường xuyên, nên người nông dân sản xuất nông nghiệp không ổn định. Diễn đàn sẽ tìm ra một cơ chế, chính sách sát thực tiễn để nền nông nghiệp ĐBSCL luôn bền vững.

Theo ý kiến của một số lãnh đạo các ngành của các địa phương, MDEC được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức hằng năm. Vấn đề liên kết vùng được đặt ra nhiều năm qua, nhưng vẫn chỉ dừng lại ở ký kết liên kết, còn công việc cụ thể chưa được khai thông. Có ý kiến cho rằng, liên kết giữa các địa phương khó thực hiện, rời rạc vì thiếu "nhạc trưởng" xâu chuỗi liên kết, nên liên kết chưa đạt kết quả như mục tiêu đã ký kết. Và kết nối giữa vùng với các bộ, ngành Trung ương, với các vùng kinh tế cả nước vẫn còn nhiều khoảng trống. Thiếu cơ chế chính sách từ Trung ương để giữ chặt liên kết. ĐBSCL còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác đúng mức, đầu tư hạ tầng cho vùng phát triển cũng chưa được quan tâm thỏa đáng. Sự "cục bộ địa phương" trong phát triển cũng là yếu tố tác động đến liên kết vùng, do vậy, cần giải quyết căn cơ bài toán liên kết trên cơ sở lợi ích toàn vùng, phát huy đúng lợi thế của từng tiểu vùng và nâng cao mức sống của người dân. Đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, khẳng định rằng, diễn đàn không chỉ là vỏ bọc hình thức mà phải tìm ra được những giải pháp, hướng đi hiệu quả cho sự phát triển của toàn vùng.

Bài, ảnh: KHẢI CA

Cam sành Cái Bè, Tiền Giang.

Chia sẻ bài viết