06/01/2024 - 08:59

Giải pháp sáng tạo tự động hóa và số hóa trong sản xuất nông - công nghiệp 

Cuộc thi “Giải pháp sáng tạo tự động hóa và số hóa trong sản xuất nông - công nghiệp” năm 2023 vừa được Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) phối hợp doanh nghiệp tổ chức. Cuộc thi không chỉ tạo sân chơi trí tuệ, mà còn khơi dậy khả năng sáng tạo của sinh viên trong thực hiện các giải pháp số hóa, góp phần giải quyết các vấn đề thực tế trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp ở ĐBSCL và cả nước.

Lê Anh Khoa (trái), Đội trưởng Đội Ước mơ, nhận giải Nhất.

Cuộc thi có chủ đề “Ứng dụng giải pháp số hóa và tự động hóa để thiết kế, xây dựng hệ thống đếm và phân loại sản phẩm phân bón Cà Mau (Urea hạt đục, Urea Bio xanh và NPK 22-5-6)”. Đây cũng là chủ đề thực tế, xuất phát từ yêu cầu của doanh nghiệp. Theo ban tổ chức, sản phẩm trước hoặc sau khi được đóng gói hay xuất xưởng cần được kiểm soát số lượng một cách nghiêm ngặt. Thông thường công đoạn kiểm tra này do người trực tiếp đếm bằng mắt hoặc xử lý bằng các công nghệ cũ như cảm biến tiệm cận, bộ mã hóa xung,...

Việc sử dụng nhân công để kiểm soát hoặc dùng các công nghệ, thiết bị cũ trong khâu này rất dễ xảy ra sai sót, nhất là đối với các sản phẩm có hình dạng phức tạp, đa dạng về chủng loại, điều kiện ánh sáng không đảm bảo hoặc di chuyển trên băng chuyền với mật độ dày đặc. Như vậy, có thể thấy một hệ thống ứng dụng giải pháp số hóa và tự động hóa sử dụng hình ảnh để đếm và phân loại sản là một chủ đề thiết thực để nâng cao năng suất, hiệu quả trong quá trình số hóa, quản lý các đơn hàng, đem đúng giá trị sản phẩm đến người tiêu dùng.

Tham gia cuộc thi, thí sinh có thể thi theo cá nhân hoặc theo đội (tối đa 5 người), cần đăng ký và nộp bài theo đúng thời hạn quy định, bao gồm: PowerPoint trình bày tổng quan về hệ thống (tổng cộng không quá 10 slide); video demo toàn bộ các tính năng của hệ thống (tối đa 8 phút). Ban tổ chức và ban giám khảo dựa vào 5 tiêu chí đánh giá giải pháp dự thi gồm: nhận dạng và đếm được bao của hệ thống; phân loại bao của hệ thống theo yêu cầu; giao diện tương tác với người dùng: bảo mật, vận hành, lưu trữ dữ liệu phục vụ cho công tác vận hành tra cứu; ý tưởng đột phá, sáng tạo; thuyết trình báo cáo ấn tượng.  

Sau 3 tháng phát động cuộc thi, vòng chung kết được tổ chức vào cuối tháng 12-2023, có 7 giải pháp dự thi của các sinh viên đến từ 3 trường ĐH là: ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ và ĐHCT. Kết quả, Ban tổ chức trao 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 4 giải Khuyến khích. Trong đó, giải Nhất được trao cho Đội Ước mơ (gồm 5 sinh viên Khoa Cơ khí, Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ).

Sinh viên Lê Anh Khoa, Đội trưởng Đội Ước mơ, cho biết rằng thông qua cuộc thi cả nhóm đúc kết được phương pháp xử lý ảnh theo màu sắc và đếm sản phẩm theo thông số. Cuộc thi có đề bài từ yêu cầu thực tế của doanh nghiệp đã giúp nhóm có cơ hội học thêm nhiều kiến thức chuyên môn, có thể nghiên cứu nhiều trường hợp khác cho công việc tương lai sau này. Lê Anh Khoa tâm tình: “Trên lý thuyết thì có rất nhiều phương pháp, nhưng để có thể áp dụng được trong thực tế sản xuất của doanh nghiệp thì rất khó và tốn nhiều thời gian. Cuộc thi này đã tạo cơ hội để sinh viên tiếp cận và hình dung công việc sau này, khi ra trường và đi làm”.

Theo các thành viên Đội Ước mơ, trong quá trình thực hiện giải pháp, khó nhất là viết code vì nếu sai khó sửa được. Để giành giải cao một cách thuyết phục trong cuộc thi, giải pháp phải mang tính mới và khả năng ứng dụng cao. Do vậy, bằng kiến thức đã học, với sự hướng dẫn của giảng viên, cả nhóm còn tìm hiểu thêm công nghệ qua sách báo, mạng internet và học hỏi, góp ý chỉnh sửa từ bạn bè, thầy cô… Sau cuộc thi, cả nhóm hiểu rõ những kiến thức đã học trên lớp và càng thấm thía rằng có phương pháp sẽ áp dụng phù hợp vào thực tế nhưng có phương pháp lại không phù hợp. Từ đó, nhóm xây dựng được giải pháp đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thành công trong cuộc thi.

Theo ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm đào tạo công nghiệp số Siemens Việt Nam, Công ty TNHH Siemens Việt Nam, trong chương trình đổi mới sáng tạo có lĩnh vực số hóa, tự động hóa. ĐBSCL có nền nông nghiệp phát triển và tất yếu sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên nền tảng tự động hóa và số hóa. Trong chuyển đổi số, Trường ĐHCT là cơ sở đào tạo đi đầu vùng ĐBSCL, song hành cùng mạng lưới các trường ĐH trong vùng. Siemens mong muốn chia sẻ nhiều hơn với các sinh viên về những kiến thức, các kỹ năng, kinh nghiệm, phát triển tự động hóa để sinh viên sau khi ra trường vững niềm tin trong công việc sau này.

Trường ĐHCT hiện đào tạo 91 chuyên ngành ĐH (trong đó có 2 chương trình đào tạo tiên tiến, 8 chương trình đào tạo chất lượng cao), 51 chuyên ngành cao học (trong đó 1 ngành liên kết với nước ngoài, 3 ngành đào tạo bằng tiếng Anh), 19 chuyên ngành nghiên cứu sinh. Trường ĐHCT có 5 trường chuyên ngành; trong đó có 2 đơn vị đào tạo cho lĩnh vực kỹ thuật công nghệ là Trường Bách khoa; Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông. Đây cũng là 2 đơn vị có số lượng sinh viên đông nhất Trường ĐHCT. Bên cạnh hoạt động đào tạo, chuyển đổi số được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển trường, khi từ năm 2021, Ðảng ủy Trường ÐHCT đã ban hành nghị quyết về “Ðẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển Trường ÐHCT theo hướng đại học thông minh”. Cùng với đó, nhà trường còn có hoạt động ký kết hợp tác với các viện, trường ĐH, doanh nghiệp (như Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, Siemens AG…) trong tổ chức các hội thảo quốc tế, hợp tác đào tạo nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Theo GS.TS Trần Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHCT, Cuộc thi “Giải pháp Tự động hóa và số hóa trong sản xuất nông công nghiệp” sẽ được tổ chức thường niên nhằm tạo sân chơi bổ ích, kết nối, chia sẻ tri thức giữa sinh viên các trường ĐH vùng ĐBSCL; gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp. Đồng thời, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo của sinh viên với các giải pháp đa dạng và hữu ích, góp phần giải quyết các bài toán thực tế trong sản xuất nông và công nghiệp ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết