27/09/2022 - 07:15

Giải pháp an toàn, hiệu quả cao cho vụ lúa đông xuân mới 

Vụ lúa thu đông 2022 đang bước vào mùa thu hoạch ở các địa phương vùng ĐBSCL. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đánh giá đây là vụ lúa được mùa, cho lợi nhuận khá cao... Tiếp nối niềm vui, nông dân ĐBSCL bắt đầu chuẩn bị cho vụ lúa đông xuân 2022-2023 sắp tới.

Hiệu quả sản xuất

Thu hoạch lúa thu đông trên địa bàn TP Cần Thơ.

Thu hoạch lúa thu đông trên địa bàn TP Cần Thơ.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, phối hợp của các đơn vị trực thuộc, các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã  tuyên truyền, vận động nông dân tập trung sản xuất lúa thu đông 2022 theo khung lịch thời vụ khuyến cáo. Từ đó, quá trình sản xuất giảm nhẹ thiệt hại do dịch bệnh, ảnh hưởng do lũ, nước thượng nguồn đổ về. Công tác dự báo về tình hình sinh vật gây hại cây trồng, theo dõi diễn biến chất lượng nước phục vụ tưới tiêu được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, kịp thời; điều kiện thời tiết, khí hậu cơ bản thuận lợi cho sản xuất các loại cây trồng chủ lực như lúa, rau, cây ăn trái… phát triển. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: "Cục Trồng trọt phối hợp với Tổng cục Thủy lợi và các địa phương theo dõi sát sao diễn biến của lũ, bão và tăng cường kiểm soát tình hình sản xuất lúa thu đông tại vùng ĐBSCL. Trong đó, khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa cho vụ thu đông phải lưu ý về tính chống chịu với rầy nâu, dịch bệnh và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã. Đặc biệt, quá trình sản xuất bổ sung canxi và silic cho lúa để tăng cường tính chống chịu trong điều kiện mưa, bão… Nhờ đó, năng suất thu hoạch tăng cao so với cùng kỳ năm 2021".

Vụ thu đông 2022, các địa phương vùng ĐBSCL gieo sạ 700.500ha, đạt 100% kế hoạch và giảm 3.000ha so với cùng kỳ năm 2021; năng suất ước đạt trên 5,7 tấn/ha, tăng trên 0,1 tấn/ha và sản lượng ước đạt 4,037 triệu tấn, tăng 55.000 tấn so với cùng kỳ. Tại TP Cần Thơ, vụ thu đông 2022 gieo sạ 66.839ha, đến nay (22-9-2022) đã thu hoạch được 33.746ha, sớm hơn 17.123ha so với cùng kỳ, năng suất ước đạt trên 5,5 tấn/ha, tương đương so với cùng kỳ 2021. Dự kiến, lúa thu đông tại TP Cần Thơ sẽ thu hoạch dứt điểm vào đầu tháng 10-2022. Nông dân cũng bắt đầu mở đồng, đón nước hứng lấy phù sa để chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân 2022-2023 sắp tới.

Vụ mùa năm 2022, vùng ĐBSCL gieo sạ 170.000ha, tăng 19.200ha so với cùng kỳ; năng suất ước trên 4,7 tấn/ha, tăng 0,35 tấn/ha so với cùng kỳ; sản lượng đạt 810.000 tấn, tăng 145.000 tấn so với cùng kỳ năm 2021. Hiệu quả sản xuất các vụ mùa trên là nhờ nông dân có nhận thức về sử dụng giống tốt và đầu tư, thâm canh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất ngày càng cao. Lãnh đạo địa phương hướng dẫn tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp, thích ứng biến đổi khí hậu…

Theo Cục Trồng trọt, trong vụ thu đông, vụ mùa cũng như các năm gần đây cơ cấu giống lúa chất lượng cao, giống lúa thơm, nếp chiếm tỷ lệ khoảng 80% trong sản xuất, góp phần nâng cao giá trị cho ngành hàng lúa gạo. Nếu như trước đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thường ở mức dưới 400 USD/tấn, thì hiện nay đã đạt ngưỡng 500 USD/tấn. Điều này cho thấy sự chuyển đổi cơ cấu giống, công tác nghiên cứu, chọn tạo, chuyển giao các giống lúa đã phát huy hiệu quả; thị trường xuất khẩu tốt hơn cũng góp phần nâng cao vị thế hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Triển khai vụ đông xuân 2022-2023

Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2022-2023, vùng ĐBSCL sẽ gieo sạ 1,5 triệu héc-ta, giảm 6.890ha so với cùng kỳ; năng suất ước 71,4 tấn/ha, sản lượng 10,71 triệu tấn, tăng 36.000 tấn so cùng kỳ đông xuân 2021-2022. Thời vụ và diện tích xuống giống được khuyến cáo theo từng vùng, như xuống giống sớm từ ngày 10 đến 30 tháng 10-2022 ở những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ (vùng ven biển Nam Bộ các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang), với diện tích khoảng 400.000ha, chiếm khoảng 26% diện tích gieo sạ. Xuống giống đợt 1 từ ngày 1-11 đến ngày 30-11-2022 cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển, với diện tích khoảng 700.000ha, chiếm khoảng 46% diện tích gieo sạ. Xuống giống đợt 2 từ ngày 1-12 đến ngày 31-12-2022 cho cả 3 vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển, với diện tích khoảng 400.000ha, chiếm khoảng 26% diện tích theo kế hoạch. Một số vùng xuống giống đông xuân muộn phải kết thúc trước ngày 10-1-2023.

Ông Lê Thanh Tùng cho biết: "Việc bố trí thời vụ như trên và chủ động xuống giống sớm, linh hoạt cho những vùng ảnh hưởng của xâm nhập mặn hằng năm tại các tỉnh ven biển sẽ đảm bảo đủ lượng nước cho sản xuất lúa và sẽ hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra; đồng thời cũng đề phòng khô hạn cục bộ tại một số địa bàn thuộc vùng phù sa ngọt. Xuống giống lúa đông xuân trong tháng 10 sẽ có một số bất lợi ở giai đoạn đòng trỗ của cây lúa và thường cho năng suất không cao, tuy nhiên lại khá an toàn đối với vùng bị ảnh hưởng của hạn, mặn. Do vậy, đây là sự lựa chọn an toàn trong giai đoạn hiện nay, về lâu dài vùng khó khăn này cần được chuyển sang cơ cấu sản xuất 2 lúa -1 màu".

Tại hội nghị sơ kết sản xuất vụ thu đông, vụ mùa năm 2022 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022-2023, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: "Vụ đông xuân 2022-2023 nông dân cần cố gắng xuống giống sớm, nhất là phần diện tích ở các tỉnh ven biển vùng ĐBSCL để tránh hạn mặn có thể xảy ra. Các địa phương lựa chọn, ưu tiên các giống lúa cho năng suất cao và phục vụ xuất khẩu; tăng cường sử dụng nhóm giống đặc sản, lúa thơm trong sản xuất, phát huy lợi thế của vùng. Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng thủy văn, diễn biến nguồn nước để chủ động bảo vệ sản xuất, hạn chế thiệt hại xảy ra; bố trí nguồn lực để nạo vét kênh mương, kiểm tra và gia cố các tuyến đê bao, bờ bao, các cửa cống ngăn triều cường, mặn và có kế hoạch vận hành các cống kịp thời, hiệu quả; xây dựng kế hoạch phòng chống hạn và xâm nhập mặn, ứng phó khi có hạn, mặn thiếu nước tưới xảy ra vào mùa khô; nhân rộng các mô hình hiệu quả cao trong sản xuất như "Cánh đồng lớn", "3 giảm 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", "Quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái", "Quản lý rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá"…".

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết