15/05/2019 - 09:32

Phát triển kinh tế hợp tác tại ĐBSCL

Giải “lời nguyền” chi phí cao, chất lượng kém 

Sản xuất nông nghiệp tại ÐBSCL đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như: chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra không ổn định, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... Ðối phó với tình trạng này, nhiều nông dân ÐBSCL đã liên kết lại, cùng vào các hợp tác xã (HTX) để giảm rủi ro, tăng lợi nhuận. Không chỉ vậy, họ còn tổ chức lại sản xuất, nhạy bén áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, nghiên cứu, tìm các giống cây trồng mới phù hợp với các yêu cầu ngày càng cao từ thị trường.

Xoài của HTX Xoài Mỹ Xương đã chính thức xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

► “Làm mới” HTX

Trong tháng 4 vừa qua, các xã viên HTX Xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) và HTX Xoài cát núm Trung Chánh, HTX Xoài Quới An (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) đón nhận niềm vui lớn khi sản phẩm xoài của họ chính thức được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Ông Võ Việt Hưng, Giám đốc HTX Xoài Mỹ Xương, chia sẻ: “Được tỉnh chọn làm mô hình HTX kiểu mới từ năm 2016, HTX đã rất nỗ lực trong việc thay đổi tư duy, phương thức sản xuất. Đó là chuyển từ sản xuất theo số lượng sang chất lượng và trồng theo hướng rải vụ để tránh tình trạng vào các vụ thu hoạch rộ, xoài bị rớt giá. Nhờ vậy, mấy năm qua, HTX này đã xuất khẩu xoài sang các thị trường như: Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Úc… Và gần đây nhất là lô 8 tấn xoài sang Hoa Kỳ với giá cao hơn khoảng 10-15% so với các thị trường khác”.

Hành trình nâng chất lượng sản phẩm lúa gạo làm ra, HTX Giống nông nghiệp Định An (xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) luôn định hướng cho xã viên sản xuất lúa giống đặc sản, chất lượng cao. Đáng nói, HTX đã mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, chọn tạo 5 giống lúa có phẩm chất vượt trội: Ngọc Đỏ Hương Dứa, Sen Việt, Tím Sen, LD2012 và OM384. Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ nhiệm HTX Giống nông nghiệp Định An: “Tôi tâm đắc nhất là giống lúa Ngọc Đỏ Hương Dứa. Đây là loại lúa thân cao, có khả năng chống chịu đổ ngã tốt, kháng rầy nâu và đạo ôn, năng suất cao từ 6-7 tấn/ha. Không chỉ vậy, giống này có thành phần dinh dưỡng cao, lượng đường thấp, rất thích hợp cho bệnh nhân bị tiểu đường”. Ngoài kết quả ấn tượng trong lai tạo giống lúa mới, hiện HTX Giống nông nghiệp Định An có đến 50ha diện tích trồng lúa, sản xuất lúa bằng phân vi sinh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ở dưới chân ruộng, HTX còn thả nuôi thêm cá, tôm, ếch.

Trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản tại HTX Giống nông nghiệp Định An.

Tìm hướng đi mới trong sản xuất, nhiều HTX đã áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu tại ĐBSCL và nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản. Đơn cử như tại tỉnh Đồng Tháp, có HTX Nông nghiệp Tân Bình (huyện Thanh Bình) với mô hình sấy ớt bằng năng lượng mặt trời, HTX Nông sản an toàn Vĩnh Thới (huyện Lai Vung) với mô hình tưới phun tự động trên cây ăn trái. Riêng các địa phương vùng giáp biển, thường xuyên chịu tác động của hạn, mặn (Sóc trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang) cũng nhạy bén chuyển đổi mô hình sản xuất từ 2 lúa sang mô hình lúa-tôm, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng. “Các HTX này phát triển theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu, nổi bật nhất là mô hình lúa-tôm. Vào mùa mưa, xã viên trồng lúa, mùa khô có nước mặn sẽ nuôi tôm. Mô hình này cũng được nhiều nước có nền nông nghiệp hiện đại đánh giá là thông minh, ứng phó được với điều kiện biến đổi khí hậu” - ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau thông tin.

► Tìm hướng thích ứng

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho biết, theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới, nông sản Việt Nam kém sức cạnh tranh vì “chi phí cao, chất lượng kém”. Để vượt qua “lời nguyền” này, ông Hoan cho rằng, người dân phải vào HTX, hợp tác với nhau một cách tự nguyện, bỏ qua quan điểm “mạnh ai nấy làm” để làm nên sự thành công của tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. “Quy mô HTX càng lớn, thành viên càng nhiều sẽ giúp hạ giá thành sản xuất, tăng chất lượng do cùng quy trình, tăng khả năng đàm phán nhờ bán chung nên giá bán cao hơn. HTX không chỉ dừng lại là liên kết tiêu thụ nông sản cho các thành viên mà còn phải tổ chức các hoạt động phân loại, bảo quản, sơ chế, chế biến trong một hay nhiều công đoạn nào đó của chuỗi ngành hàng. Nơi đây không chỉ hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp mà còn tổ chức các dịch vụ phi nông nghiệp, vừa mang lại nguồn thu cho HTX, vừa hỗ trợ nâng cao phúc lợi xã hội cho thành viên và người dân nông thôn” - ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Từ những kết quả có được, các HTX của vùng ĐBSCL khẳng định tiếp tục nâng chất hoạt động để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản làm ra. Ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ nhiệm HTX Giống nông nghiệp Định An, cho biết: Để phục vụ tốt hơn cho sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, HTX của ông Dũng đã đầu tư trên 2 tỉ đồng xây Trại nghiên cứu và sản xuất lúa giống và thuê thêm 2 kỹ sư nông nghiệp hỗ trợ. Tới đây, HTX của ông sẽ triển khai thực hiện mô hình “Trải nghiệm nông dân” trên đồng ruộng sản xuất an toàn của mình, du khách đến đây sẽ được trồng lúa, câu cá, bơi xuồng, được tự tay xay gạo, nấu ăn… Riêng HTX Xoài Mỹ Xương khẳng định tiếp tục duy trì mô hình “Cây xoài nhà tôi” với mong muốn mang sản phẩm của mình đến gần hơn nữa với người tiêu dùng. Theo đó, sau thao tác lựa chọn tại trang Web của HTX, người mua sẽ được làm hợp đồng và trở thành chủ sở hữu thực thụ của cây xoài đó trong thời gian nhất định. Trong khoảng thời gian này, nguồn lợi từ cây xoài sẽ hoàn toàn thuộc về người mua. Riêng người bán - xã viên HTX sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc cây đến khi cho trái.

Để các HTX ở ĐBSCL phát triển tốt hơn, đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chỉ đạo các HTX chủ động lập kế hoạch ứng phó song song với kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, cần tập trung vào công việc đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận sáng kiến của người dân về ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngành nông nghiệp cũng vừa đề nghị bổ sung Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, giao nhiệm vụ cho Bộ NN&PTNT xây dựng Đề án phát triển HTX nông nghiệp ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu của Đề án là hỗ trợ HTX nông nghiệp lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý và vận hành máy móc, thiết bị quan trắc môi trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng và nhân rộng các HTX hình mẫu… Từ đó cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân ĐBSCL.

Theo thống kê của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT, toàn vùng ĐBSCL có 1.803 HTX nông nghiệp (chiếm 13% tổng số HTX nông nghiệp của cả nước). Nhờ áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và công nghệ sản xuất tiên tiến vào sản xuất, nhiều HTX nông nghiệp đã mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, có 569 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, chiếm 43,6% tổng số HTX cả vùng, doanh thu bình quân của HTX toàn vùng ĐBSCL là 1,07 tỉ đồng/năm (cao hơn mức bình quân chung cả nước là 0,98 tỉ đồng/năm), thu lợi bình quân của HTX nông nghiệp là 154 triệu đồng/năm (cao nhất so với các vùng khác của cả nước).

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết