Dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ngành Du lịch vì thế liên tục rơi vào vòng lặp khó khăn, đòi hỏi phải có sự chuyển biến mạnh mẽ. Ngành Du lịch 9 tỉnh, thành: Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long và Ðồng Tháp vừa cùng bắt tay giải bài toán kích cầu tại hội nghị do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức, cùng sự tham gia của nhiều doanh nghiệp liên quan.
Du khách làm thủ tục tại Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ.
Phải giúp nhau vượt khó
Trải qua những làn sóng COVID-19, nhiều doanh nghiệp ngành Du lịch và những dịch vụ liên quan phải tạm dừng hoạt động bởi hệ lụy dây chuyền từ lữ hành, vận chuyển, các dịch vụ lưu trú… Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ du lịch Hồng Hiếu, cho biết: “Chúng ta phải có chính sách hỗ trợ nhau. Cụ thể là những chính sách về giá, chính sách bảo lưu giữa các bên, từ vận chuyển đến lưu trú, để cùng nhau vượt khó. Lữ hành là đơn vị kết nối các dịch vụ, nhưng nếu như các bên đều không hợp sức thì rất khó giải bài toán này”. Ðồng quan điểm, ông Cao Tấn Dũng, Phó Giám đốc Lữ hành Fiditour Cần Thơ, thông tin: “Muốn có sản phẩm tốt, chất lượng thì cần nhiều yếu tố kết hợp: điểm đến, vận chuyển, lưu trú. Tuy nhiên, hiện nay các đơn vị lữ hành bị động nhiều hơn. Chuyện du khách hủy tour, hủy dịch vụ diễn ra nhanh và dồn dập khi dịch bệnh tái diễn vào mùa cao điểm. Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi phải giải quyết những vấn đề liên tục phát sinh, nhất là những khó khăn từ cơ chế hoạt động của các hãng bay, nhà xe”.
Ðây là tình trạng chung mà các đơn vị lữ hành phải gồng mình hứng chịu thời gian qua. Khi đặt dịch vụ cho khách hàng, các đơn vị lữ hành đều phải đặt cọc chi phí cho các đối tác. Khi dịch bệnh xảy ra đột ngột, khách dồn dập hủy tour hoặc thay đổi hợp đồng, các đơn vị lữ hành đứng giữa chịu trận. Chi phí đặt cọc có thể được một số đơn vị hỗ trợ giữ lại trong thời gian hạn định từ 3-6 tháng, tuy nhiên nhiều trường hợp không được giải quyết. Bà Lương Thị Quỳnh, Phó Giám đốc Vietravel Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay tâm lý khách hàng đã thay đổi. Họ cân nhắc thời gian du lịch rất cận dựa trên tình hình dịch bệnh, quyết định chỉ vài ngày trước khi khởi hành. Ðiều này thực sự tạo áp lực cho các đơn vị lữ hành, nhất là các dịch vụ vận chuyển. Với các đơn vị lữ hành lâu năm và có nguồn khách ổn định, chúng tôi thường có hợp đồng sê-ri booking với các hãng bay. Tuy nhiên chúng tôi vẫn cần có những chính sách về thời gian hay hỗ trợ chuyển đổi linh hoạt hơn”. Mặt khác, để xây dựng chương trình kích cầu hiệu quả, các đơn vị lữ hành cũng cần các thông tin về các điểm đến, sản phẩm du lịch mới... nhằm xây dựng các chương trình tour, bộ sản phẩm kích cầu hấp dẫn du khách.
Để kích cầu hiệu quả
Kích cầu du lịch đòi hỏi sự chung tay của nhiều dịch vụ liên quan và đáng quý là nhiều doanh nghiệp sẵn sàng cho công tác này. Ông Nguyễn Bác Toán, Giám đốc Thương mại Vietjet Air, cho biết: “Chúng tôi luôn có chính sách linh hoạt để hỗ trợ các đối tác tốt nhất giữa bối cảnh COVID-19. Hàng không cũng chịu thiệt hại nặng nề vì COVID-19, tuy nhiên chúng tôi luôn sẵn sàng có chính sách giá phù hợp để các đơn vị lữ hành xây dựng được tour với chi phí kích cầu. Ðồng thời cũng có những chính sách bảo lưu từng thời điểm. Ðể hỗ trợ Cần Thơ và các tỉnh ÐBSCL, chúng tôi sẵn sàng thỏa thuận cùng các bên để có những khung giá kích cầu tốt nhất và hiệu quả”. Bà Võ Xuân Thư, Giám đốc khách sạn Victoria Cần Thơ, cho biết thêm: “Chúng tôi có chính sách giá linh động. Các đối tác có thể bảo toàn chi phí đặt cọc trong 6 tháng và có thể sử dụng linh hoạt nó trong các dịch vụ và hệ thống của chúng tôi ở các tỉnh, thành tại Việt Nam. Về quảng bá, hiện tại hoạt động du lịch tại Cần Thơ đang diễn ra rất tốt khi các khách sạn đều được lấp đầy vào cuối tuần. Cho nên, chúng ta cân nhắc thêm các hoạt động trong tuần, đồng thời đẩy mạnh việc quảng bá, liên kết điểm đến nhiều hơn”.
Về phía quản lý nhà nước, ông Phan Văn Giàu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Công tác quảng bá phải hiệu quả, chất lượng, trọng điểm, đa dạng. Liên kết phải tạo ra xu hướng mới, với giải pháp đồng bộ hơn. Sản phẩm quảng bá phải mới, đặc trưng”. Ðồng quan điểm, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, chia sẻ: “Trước đây, các địa phương thường đi xúc tiến, quảng bá riêng lẻ, nên chưa định hình và phát huy được thương hiệu du lịch vùng ÐBSCL, cũng chưa tận dụng hiệu quả kết nối từ hàng không. Cho nên lần này ngành Du lịch 9 địa phương cùng tìm giải pháp và xây dựng kế hoạch quảng bá với hướng tiếp cận mới, tập trung và trọng tâm hơn”.
Theo đó, các bên thống nhất hai đợt kích cầu: từ 9 đến 30-4 và từ 1-5 đến tháng 8, để đón đầu du lịch hè - mùa chính của ngành. Trong đó tập trung các sự kiện trọng tâm: hội nghị kích cầu du lịch ÐBSCL tổ chức tại Cần Thơ, hội nghị quảng bá xúc tiến tại Thanh Hóa, tham gia quảng bá tại hội chợ du lịch VITM - Hanoi 2021, đón các đoàn famtrip, fresstrip từ Hải Phòng, Nghệ An đến Cần Thơ và các tỉnh ÐBSCL trong cụm liên kết. Trên cơ sở này, các địa phương xây dựng các điểm đến và sản phẩm du lịch mới; tạo các chuỗi sự kiện từ nay đến cuối năm, lựa chọn các chương trình xúc tiến, quảng bá phù hợp kết nối với từng địa phương; các doanh nghiệp tham gia với những chương trình kích cầu cụ thể. Cần Thơ và Hậu Giang sẽ chủ lực trong các hoạt động này.
Ðể thực hiện nhiệm vụ kép vừa đảm bảo an toàn vừa phục hồi ngành Du lịch, nhiều địa phương và các doanh nghiệp tại ÐBSCL đang đồng lòng bắt tay trong những hành động cụ thể, kỳ vọng sẽ lần nữa vượt qua khó khăn do COVID-19.
Bài, ảnh: ÁI LAM