09/04/2022 - 05:41

Gia nhập NATO: người khó, kẻ dễ 

Tiết lộ với báo giới, một quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ cho biết cơ hội để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) được đưa ra thảo luận tại hội nghị ngoại trưởng các nước thành viên ở Brussels (Bỉ) trong tuần này.

Tổng Thư ký NATO Stoltenberg (giữa) và nữ Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cùng Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto. Ảnh: NATO

Tổng Thư ký NATO Stoltenberg (giữa) và nữ Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde cùng Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto. Ảnh: NATO

Trước nay, Phần Lan và Thụy Điển vẫn theo đuổi đường lối trung lập. Tuy nhiên, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga đang tiến hành ở Ukraine khiến hai quốc gia Bắc Âu quan ngại và cân nhắc tham gia NATO. Nói trong điều kiện giấu tên, quan chức ngoại giao Mỹ khẳng định cánh cửa gia nhập NATO vẫn để ngỏ và đã có cuộc thảo luận nội bộ về những ứng cử viên tiềm năng. Người này nói rõ đã đến lúc các quốc gia tự mình lựa chọn quyết định.

Trong phát biểu ngày 6-4, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng bày tỏ tin tưởng Phần Lan và Thụy Điển có thể dễ dàng gia nhập nếu quyết định đăng ký. Ông khẳng định liên minh sẵn sàng cung cấp đảm bảo an ninh để bảo vệ cả hai kể từ thời điểm họ công bố quyết định gia nhập NATO tới lúc đơn đăng ký được chấp nhận. Khi trở thành thành viên chính thức, các nước được hưởng lợi từ điều khoản phòng thủ tập thể nếu một đồng minh bị tấn công. Trong tình huống hiện nay, ông Stoltenberg không cho biết những đảm bảo an ninh ban đầu hỗ trợ Phần Lan và Thụy Điển.

Khác biệt với Ukraine

Gia nhập NATO cũng là mong muốn của Ukraine trước thời điểm xảy ra giao tranh với Nga, nhưng liên minh đến giờ vẫn lấp lửng trước đề nghị từ Kiev. Về lý do tại sao Phần Lan cũng như Thụy Điển có thể dễ dàng gia nhập NATO trong khi Ukraine thì khó khăn hơn, câu trả lời có thể đơn giản là vì liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu không tin tưởng Ukraine đã sẵn sàng và đáp ứng “các mục tiêu chính trị, kinh tế và quân sự” trong quy trình xét duyệt.

Cụ thể, một quốc gia nộp đơn gia nhập phải thể hiện cam kết đối với nền dân chủ cũng như quyền tự do cá nhân và sự ủng hộ đối với nhà nước pháp quyền. Về phía Ukraine, chuyên gia về quan hệ xuyên Đại Tây Dương Stanley Sloan tại Đại học Middlebury (Mỹ) cho rằng đánh giá của giới chức ở Brussels vẫn là nền dân chủ ở Kiev còn non trẻ và chính quyền chưa quan tâm giải quyết tham nhũng chính trị. Theo đó, báo cáo của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2020 chỉ chấm Ukraine 33 điểm trên thang điểm 0-100 về độ “sạch” và xếp nước này ở vị trí 117 trong số 180 quốc gia về chỉ số tham nhũng, thấp hơn bất kỳ thành viên NATO nào hiện nay. Trong khi đó, Phần Lan và Thụy Điển đều được đánh giá cao với điểm số 85 và xếp thứ 3/180 nước.

Thành viên cấp cao Quỹ Marshall (Mỹ) Jonathan Katz cho biết, lý do khác khiến nhiều quan chức phương Tây lưỡng lự nữa là Ukraine từng có thời gian phản đối tư cách thành viên NATO và những nỗ lực trở lại liên minh chỉ mới bắt đầu khi quốc hội nước này sửa đổi hiến pháp vào năm 2019. Ngược lại, Thụy Điển và Phần Lan đều có quan hệ lâu dài và đóng góp vào an ninh NATO trong nhiều thập kỷ. Sự thận trọng một phần còn do NATO muốn tránh gia tăng căng thẳng với Nga khi Mát-xcơ-va coi việc Ukraine gia nhập liên minh do Mỹ dẫn đầu là “lằn ranh đỏ”. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa cho cuộc giao tranh ở Đông Âu hiện nay.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết