Trước Tết (khoảng 23 âm lịch), tại TP Cần Thơ, thịt heo đùi giá chỉ 46.000 đồng/kg, thịt ba rọi 44.000 đồng/kg, hay thịt nạc đùi 51.000 đồng/kg. Nhưng đến 28 Tết, giá các loại thịt vừa nêu đã tăng tương ứng thêm 12.000 đồng/kg, 14.000 đồng/kg, 11.000 đồng/kg và tiếp tục tăng vào những ngày sau đó. Trong tháng 2-2008, nhiều loại hàng hóa thực phẩm công nghệ cũng được ghi nhận tăng giá từ 10-30% so với cuối tháng 1, thời điểm trước Tết.
Hằng năm, sau Tết Nguyên đán, giá cả hàng hóa trên thị trường thường quay về mức khởi điểm của thời gian trước Tết. Năm nay thì khác. Tết Nguyên đán đã qua hơn nửa tháng nhưng số mặt hàng giảm giá như thông lệ rất ít, cụ thể như thịt gia cầm, các loại cá đồng... và một số hàng thực phẩm công nghệ. Nhiều mặt hàng giá giảm rồi tăng trở lại hay vẫn giữ ở mức cao; nhiều mặt hàng lại tiếp tục tăng giá. Điển hình như giá thịt heo các loại giảm 2.000 10.000 đồng/kg vào ngày mùng 8 Tết (nhằm ngày 14-2) nhưng tuần sau đồng loạt tăng 2.000 15.000 đồng/kg và tiếp tục tăng thêm từ 1.000 10.000 đồng/kg vào ngày 26-2. Giá các loại dầu ăn như: Nakydaco, Neptune, Cooking Oil Tường An... khá bình ổn trong tháng 1, song trong tháng 2 cũng đã tăng 3.400 28.700 đồng/bình (hoặc chai).
Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, nhóm hàng vật liệu xây dựng trong tháng 2 cũng biến động không ngừng. Giá gạch xây dựng dao động từ 500-600 đồng/viên; giá sắt xây dựng từ 16.000 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg; xi măng cũng tăng thêm 3.000 đồng/bao so với cuối năm 2007. Ngoài ra, trong tháng, giá một số loại tân dược như Ventolin, Gastropulgite, Stimol A, Flixonase, Colchicin, Tadyferon... cũng tăng thêm từ 3-13,4%...
Tình trạng giá cả hàng hóa tiếp tục tăng trong tháng 2 được nhận định là do thiên tai dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thiếu nguồn nguyên liệu chế biến, tác động tăng của giá cả hàng hóa thế giới... Đây cũng là những nguyên nhân chính khiến nhiều loại hàng hóa, nhất là các hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, thuốc chữa bệnh khó giảm giá trong thời gian tới.
Những ghi nhận trên cho thấy diễn biến giá cả hàng hóa trên thị trường trong tháng 2 2008 khá phức tạp. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến chỉ số giá cả tiêu dùng ở TP Cần Thơ trong tháng 2 tăng 5,73% so với tháng 12-2007 và tăng 3,79% so với tháng 1-2008. Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, trong “rổ hàng hóa” tính chỉ số giá tiêu dùng, trong tháng 2 tăng mạnh nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế, tăng 11,59%; kế đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,76%; nhóm may mặc, nón và giày dép tăng 4,07%...
Trưa ngày 25-2, giá 1 lít dầu đã tăng thêm 3.700 đồng, 1 lít xăng tăng thêm 1.500 đồng. Các nhà phân tích kinh tế cho rằng, việc tăng giá xăng dầu lần này có thể làm tăng chỉ số giá tiêu dùng từ 0,4-0,5%. Và một trong những ảnh hưởng sớm nhất của sự kiện xăng dầu lên giá là nhiều đơn vị (nhất là ngành kinh doanh vận tải) đã họp bàn và chuẩn bị tăng giá cước vận tải ít nhất 5-15%.
Trong khi người tiêu dùng vẫn chưa “bắt nhịp” được với giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường chưa hạ nhiệt như thông lệ sau Tết Nguyên đán, khi mà chỉ số lạm phát vẫn đang ở mức cao hơn tốc độ tăng GDP, thì việc giá xăng dầu trong nước lại tăng rõ ràng đã tạo ra một áp lực mới với người sản xuất, kinh doanh; người tiêu dùng có thu nhập trung bình, thấp và cả nền kinh tế. Sự biến động tăng hoặc giảm của loại hàng hóa nhạy cảm như xăng dầu có tác động lớn đến sự tăng hoặc giảm tương ứng của nhiều loại hàng hóa trên thị trường. Người tiêu dùng đang căng thẳng lo toan khi mặt bằng giá mới đang và sẽ hình thành.
Hà Triều