06/09/2016 - 20:27

Gấu trúc không còn là “loài vật có nguy cơ tuyệt chủng”

Trong báo cáo vừa công bố, Liên minh bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cho biết gấu trúc hiện được phân loại là loài vật "dễ bị tổn thương" thay vì "quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng", do số lượng cá thể trong hoang dã của chúng đã tăng lên đáng kể ở miền Nam Trung Quốc.

Gấu trúc con nô đùa tại một khu bảo tồn ở Trung Quốc. Ảnh: Canadian Press

Theo liên minh nói trên, số lượng gấu trúc đã nhảy vọt từ 1.596 con hồi năm 2004 lên 1.864 con năm 2014. Đây là kết quả từ nỗ lực của các ngành hữu quan Trung Quốc trong việc thực thi lệnh cấm săn bắt trộm và mở rộng các khu bảo tồn rừng. Dù cho rằng công tác bảo vệ rừng tốt hơn đã giúp gia tăng số lượng cá thể gấu trúc, nhưng IUCN cũng cảnh báo tình trạng biến đổi khí hậu được dự đoán sẽ loại bỏ hơn 35% môi trường sống tự nhiên của chúng trong 80 năm tới, khiến loài này có nguy cơ sụt giảm dân số một lần nữa.

Động thái phân loại lại gấu trúc được Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) hoan nghênh, cho rằng điều đó chứng minh việc Trung Quốc chi hàng đống tiền để bảo tồn và gây giống loài vật này đã được đền đáp xứng đáng. Nhiều tổ chức bảo vệ động vật cũng ca ngợi sự hồi phục quý giá này đối với loài gấu chuyên ăn tre trúc, từ lâu được xem là biểu tượng của Trung Quốc và phong trào bảo tồn môi trường thiên nhiên quốc tế.

Thế nhưng trong một tuyên bố, Cục Lâm nghiệp Quốc gia Trung Quốc cho biết họ phản đối quyết định của IUCN vì môi trường sống của gấu trúc hiện vẫn bị chia nhỏ bởi các nguyên nhân tự nhiên và con người. Theo họ, gấu trúc sống cô lập thành các nhóm nhỏ chỉ khoảng 10 con nên khó sinh sản và vẫn đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

HOÀNG ĐIỂU (Theo AP)

Chia sẻ bài viết