17/12/2009 - 20:40

LÀNG NGHỀ LÀM BÁNH TẾT Ở TP CẦN THƠ

Gặp khó do giá nguyên liệu tăng

Sản xuất bánh kẹo ở làng nghề
Bánh kẹo Ba Rích.

Những năm trước, càng gần đến Tết không khí lao động ở một số làng nghề vùng ngoại thành TP Cần Thơ như: làng nghề làm bánh Ba Rích (quận Ô Môn), làng nghề bánh tráng Thuận Hưng (quận Thốt Nốt)... khá nhộn nhịp. Sức tiêu thụ thực phẩm cuối năm tăng mạnh, bạn hàng đến tận nơi nhận hàng, các chủ lò đều tăng hết công suất để có hàng giao cho khách. Năm nay, giá các loại nguyên liệu làm bánh liên tục biến động theo chiều hướng tăng, sức mua chậm, khiến nhiều cơ sở phải sản xuất cầm chừng...

Trước đây, ở xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt cũ (nay là phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt) có vài trăm lò bánh tráng, trong đó tập trung đông nhất là tại các khu vực Tân Lợi 3, Tân Phú, Tân Thạnh. Những tháng cuối năm, các lò bánh “đỏ lửa” suốt ngày đêm mà vẫn không đủ hàng giao cho khách. Theo lời kể của ông Huỳnh Bá Minh, chủ một lò bánh lớn ở khu vực Tân An (phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt), hàng năm, từ tháng 11 dương lịch trở đi là thời điểm bận rộn nhất của các chủ lò bánh ở đây. Hàng làm ra đến đâu thương lái đến mua hết đến đó. Riêng lò bánh của ông mỗi ngày phải tráng hết 100 kg gạo và cung ứng ra thị trường khoản 3-4 thiên (3.000-4.000 cái)/ngày.

Năm nay, giá cả mọi thứ nguyên liệu làm bánh đều tăng, nhưng giá bánh không thể tăng hơn vì khó tiêu thụ. Ông Huỳnh Bá Minh nói: “Tiền công mướn thợ tráng bánh trước đây chỉ khoảng 50.000 đồng/ngày/người thì nay đã tăng lên 60.000 đồng/ngày/người. Tuy nhiên, việc mướn thợ ở những tháng cuối năm không phải dễ vì ai cũng bận việc gia đình, trong khi tráng bánh phải kéo dài từ 4 giờ sáng cho tới 5 giờ chiều. Giá bán vỉ phơi bánh (đan bằng lá dừa) cũng đã tăng thêm 2.000-3.000 đồng/cái lên 11.000-12.000 đồng/cái. Giá trấu làm nhiên liệu cũng đã tăng lên 10.000 đồng/gánh (2 cần xé) đó là chưa kể đến chi phí thuê người phơi bánh”.

Đã từ lâu, bánh tráng đã trở thành một thứ quà dân dã không thể thiếu trong những ngày Tết. Những năm trước nhờ vào vài tháng chính vụ giáp Tết, không ít chủ lò ở làng nghề làm bánh tráng Thuận Hưng phất lên khá giả, có thêm vốn tiếp tục trang bị thêm máy móc để tăng công suất, giảm bớt sức lao động thủ công. Lúc đầu, bánh tráng Thuận Hưng chỉ được bán lòng vòng ở các xã trong huyện. Sau lan dần ra các tỉnh lân cận. Đến nay, thị trường chính của bánh tráng Thuận Hưng không chỉ là Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc mà đã được xuất tiểu ngạch sang Campuchia. Nhờ đó, bánh tráng Thuận Hưng ngày càng được ưa chuộng trên thị trường. Tuy nhiên vài tháng qua, giá nguyên liệu tăng cao, nhiều lò bánh phải tạm ngừng sản xuất chờ giá giảm khiến đồng vốn cũng vơi dần.

Chị Đẹp, ở khu vực Tân Lợi 3, tâm sự: “Ai mạnh vốn hoặc không phải mua nguyên liệu thì có thể sản xuất cầm chừng chứ không thì lỗ nặng. Trước đây, giá gạo làm bánh tráng chỉ có 5.000-6.000 đồng/kg, nếu cộng thêm các khoản chi phí khác như nhiên liệu, tiền thuê mướn nhân công tráng và phơi bánh... thì giá bánh tráng tại lò khoảng 225.000-250.000 đồng/thiên. Nay, mọi thứ đều nhích lên thì giá bánh phải tăng thêm 50.000-100.000 đồng/thiên mới có lời”.

Tại làng nghề làm bánh kẹo Ba Rích (phường Thới An, quận Ô Môn), không khí sản xuất có phần nhộn nhịp hơn khi hầu hết các cơ sở chế biến bánh kẹo luôn thu hút đông công nhân làm hàng. Vào cuối tháng 12 dương lịch mỗi năm là thời gian cao điểm chuẩn bị đủ nguồn hàng cung ứng ra thị trường phục vụ Tết Nguyên đán. Theo chủ cơ sở sản xuất bánh Liên Hưng, thị hiếu tiêu dùng, nhất là ở thị trường nông thôn thường ưa chuộng loại hàng rời (bánh kẹo cân ký và chưa đóng thùng hoặc đóng hộp) vì thông thường giá bán rẻ hơn khoảng 8.000 đồng/kg so với hàng đóng thùng. Trong đó, bánh xốp là sản phẩm tiêu thụ chủ lực trong dịp Tết. Còn lại, nếu đóng hộp thì chi phí in mẫu mã bao bì, nguyên liệu sản xuất thùng giấy phải cộng thêm khoảng 40.000 đồng/thùng (loại 5kg/thùng) lên khoảng 124.000 đồng/thùng.

Đặc tính của bánh kẹo là thời gian bảo quản và sử dụng thường diễn ra ngắn (khoảng 3-4 tháng), nên càng gần Tết thì các cơ sở sản xuất đều phải cho công nhân tăng ca mới đáp ứng đủ nguồn cung. Tuy nhiên, giá cả các loại nguyên liệu đầu vào nhiều tháng qua biến động mạnh khiến không ít chủ cơ sở sản xuất bánh ở Ba Rích phải lao đao, nhất là nguyên liệu đường. Những năm trước, giá đường chỉ khoảng 12.000-15.000 đồng/kg thì nay mặc dù đã hạ nhiệt, nhưng vẫn còn cao hơn khoảng 1.000-2.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, giá ga, dầu ăn, đậu xanh và bột nguyên liệu làm bánh tăng cũng đã góp phần đẩy giá thành sản xuất bánh nhích lên. Theo các cơ sở sản xuất bánh kẹo tại đây, giá đường tăng khiến việc chủ động nguồn đường cho sản xuất rất khó. Nhưng sức tiêu thụ bánh kẹo hiện có xu hướng chậm lại so với cùng kỳ năm trước và sức ép cạnh tranh của mặt hàng này cũng khá gay gắt, nên không thể tăng giá bánh kẹo. Không ít cơ sở phải sản xuất cầm chừng để chờ đợi giá đường có thể bớt căng thẳng mới có thể tăng công suất.

Bài, ảnh: VĂN TUẤN

Sản xuất bánh kẹo ở làng nghề Bánh kẹo Ba Rích.

Chia sẻ bài viết