21/10/2019 - 14:51

Gắn văn hóa từ chức với thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo hiện nay 

Từ chức và trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo luôn là vấn đề quan trọng, cấp bách, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Hội nghị Trung ương 8 khóa XII của Đảng đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, quy định “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Một trong những nội dung quan trọng và mới của Quy định này là cán bộ, đảng viên “chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”. Việc quán triệt sâu sắc quan điểm này rất có ý nghĩa trong việc đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, góp phần đưa từ chức trở thành văn hóa trong công tác cán bộ và trong hệ thống chính trị - xã hội ở nước ta hiện nay.

Hội nghị Trung ương 8 khóa XII của Đảng đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW, về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” _Ảnh: TTXVN

Nêu gương là trách nhiệm và đạo lý của cán bộ, đảng viên

Khoản 1 Điều 1 trong Điều lệ Đảng được thông qua tại Đại hội XI của Đảng ghi rõ: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng của Đảng, đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân; chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước; có lao động, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; có đạo đức và lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; phục tùng tổ chức, kỷ luật của Đảng, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng”(1). Ngay từ phần mở đầu của Điều lệ, Đảng đã nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên là phải đặt lý tưởng của Đảng, lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân; phải có đạo đức, lối sống lành mạnh; gắn bó mật thiết với nhân dân; chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đảng nhận thấy, để giữ được vai trò lãnh đạo, các tổ chức đảng và đảng viên của Đảng luôn luôn phải đi tiên phong và gương mẫu. Đó không chỉ là một yêu cầu đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, mà còn được đặt ra như một chuẩn mực, một phẩm chất đạo đức của người đảng viên. Nếu như các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội khác quy định quyền rồi tới nghĩa vụ, thì Đảng lại quy định nghĩa vụ trước cho đảng viên rồi mới tới quyền sau. 

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và chỉ dạy đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu. Năm 1927, ngay trong bài giảng đầu tiên cho lớp thanh niên cách mạng ở Quảng Châu (Trung Quốc), Người đã nêu lên những yêu cầu cần có của một người cách mạng, trong đó có “Tư cách của người cách mệnh” với 23 điểm. Theo đó, tư cách của một người cách mạng phải chuẩn mực, thật sự là tấm gương trong các mối quan hệ: với chính mình, với người khác, với công việc. Mở đầu tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, một người cách mạng với tự mình cần phải: “Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất. Bí mật”(2). Khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), Người một lần nữa khẳng định: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(3). Đảng thật sự nêu gương khi xác định: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác”(4). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cách mạng chân chính cần phải nêu gương về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nêu cao đức tính tốt đẹp; phải tránh xa những thói xấu, như lười biếng, gian giảo, tham lam,... Đồng thời, Người nêu rõ bổn phận của mỗi cán bộ, đảng viên là phải cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc: “Nếu gặp khi lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Đảng. Khi cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng”(5). Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” và Người khẳng định rằng, đó là lời khen chân thành của nhân dân và cũng là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng chủ trương, đường lối thông qua Cương lĩnh chính trị, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng,... và từ các chủ trương, đường lối này của Đảng, các cơ quan nhà nước sẽ thể chế hóa, cụ thể hóa bằng các chính sách, pháp luật. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng Đảng không phải Nhà nước và không có quyền lực của cơ quan nhà nước. Vì vậy, thước đo của lòng dân đối với Đảng phụ thuộc vào việc Đảng có ban hành những chủ trương, đường lối phù hợp với nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân và đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng có thật sự gương mẫu hay không.

Hiện nay, nêu gương được hiểu là gương mẫu, đi đầu, thể hiện tính tiền phong, bản chất cách mạng và khoa học của Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong lãnh đạo; do đó, người cán bộ, đảng viên của Đảng cũng phải là những chiến sĩ tiên phong. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nên cán bộ trong hệ thống chính trị là người của Đảng. Một người cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn đi đầu và có trách nhiệm dẫn dắt những người đi theo phía sau. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn cho người ta theo mình thì người cán bộ phải là “mực thước cho người ta bắt chước”. Đảng lãnh đạo tức là tìm con đường cách mạng đúng đắn, là dẫn đường, đưa quần chúng nhân dân đi tới mục tiêu đã được xác định. Mục tiêu đó là lý tưởng của Đảng, là lợi ích của nhân dân. Thế nhưng, đối với nhân dân, năng lực lãnh đạo của Đảng được thể hiện thông qua người cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo mà họ tiếp xúc hằng ngày, hằng giờ. Bởi vậy, dù bất luận trong hoàn cảnh nào, người cán bộ, đảng viên của Đảng cũng phải luôn gương mẫu, đi đầu. Vì lẽ đó, nêu gương thể hiện trách nhiệm rất cao của cán bộ, đảng viên trước đất nước, trước Đảng và nhân dân. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng Cộng sản Việt Nam quy định nêu gương là một trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng hiện nay, cụ thể là: 1- Lãnh đạo bằng cương lĩnh, chủ trương, định hướng lớn; 2- Lãnh đạo bằng công tác vận động, giáo dục, thuyết phục tuyên truyền; 3- Lãnh đạo bằng phương pháp tổ chức cán bộ; 4- Lãnh đạo bằng công tác kiểm tra, giám sát; 5- Lãnh đạo bằng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Hình thành văn hóa từ chức ở Việt Nam hiện nay

Ngay từ năm 1997, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa VIII của Đảng đã chỉ ra yêu cầu cần kíp: “Xây dựng và thực hiện tốt chế độ miễn nhiệm, từ chức, cho thôi việc, thay thế cán bộ kém phẩm chất, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ”(6). Thế nhưng, chủ trương này trên thực tế vẫn chưa được thực hiện tốt.

Hiện nay, quy định về từ chức cũng đã được thể chế hóa thành các văn bản, chính sách của Đảng và Nhà nước. Quy định số 260-QĐ/TW, ngày 2-10-2009, của Bộ Chính trị, về “Việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ”, ghi rõ: “Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”(7). Điều 7 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 giải thích: “Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm”(8). Điều 6 Quy định số 260-QĐ/TW của Bộ Chính trị đưa ra các căn cứ xem xét việc từ chức của cán bộ như sau: 1- Cán bộ xin từ chức để chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý. 2- Cán bộ xin từ chức do nhận thấy hạn chế về năng lực hoặc sức khỏe. 3- Cán bộ xin từ chức do nhận thấy không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; do nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc của cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình. 4- Cán bộ xin từ chức vì lý do cá nhân khác. Điều 7 Quy định này cũng ghi rõ các trường hợp không được từ chức bao gồm: 1- Đang đảm nhận nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; đang đảm nhận nhiệm vụ trọng yếu, cơ mật, chưa hoàn thành nhiệm vụ mà cần tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ do bản thân cán bộ đã thực hiện; nếu cán bộ từ chức sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiệm vụ mà đơn vị được giao. 2- Đang trong thời gian chịu sự thanh tra, kiểm tra, điều tra của cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật. Điều 30, Điều 54 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định về các trường hợp miễn nhiệm hoặc từ chức đối với cán bộ, công chức, như không đủ sức khỏe; không đủ năng lực, uy tín; theo yêu cầu nhiệm vụ;... Có thể thấy, theo các quy định của Đảng và Nhà nước, từ chức là một hành động hoàn toàn tự nguyện, thể hiện lòng tự trọng và bản lĩnh của người lãnh đạo. Như vậy, từ chức rõ ràng thuộc phạm trù văn hóa: Văn hóa từ chức.

Từ chức được hiểu là việc rời bỏ chức vụ trước khi hết nhiệm kỳ. Ở Việt Nam hiện nay, thời gian bổ nhiệm giữ các chức vụ được quy định là 5 năm. Như vậy, những người từ chức là những người chưa đảm nhiệm hết thời gian bổ nhiệm nhưng vì một lý do nào đó mà xin từ chức. Rõ ràng, từ chức khó được xem xét trên góc độ pháp lý - nhất là ở Việt Nam, mà từ chức chỉ là vấn đề đạo đức. Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều quy định, quy chế về xử lý kỷ luật đối với những vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức. Có 4 hình thức kỷ luật đảng viên vi phạm, đó là khiển trách, cảnh cáo, cách chức và khai trừ. Kỷ luật của Đảng phải song song và phù hợp với kỷ luật của Nhà nước. Hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ hiện nay bao gồm khiển trách, cảnh cáo, cách chức và bãi nhiệm. Thực tế hiện nay, nhiều đảng viên, cán bộ sai phạm chỉ bị cảnh cáo về mặt Đảng và Nhà nước, mặc dù họ đã không còn đủ uy tín để lãnh đạo và ở lại vị trí đó. Trong những trường hợp ấy, từ chức là hành xử tốt nhất, văn hóa nhất để thể hiện phẩm giá, lòng tự trọng, bản lĩnh của một nhà lãnh đạo, thể hiện tư cách của một đảng viên, đồng thời cũng có thể cứu vãn uy tín đã mất trước đó.

Trong lịch sử của Đảng ta đã có nhiều cán bộ, đảng viên cao cấp của Đảng xin rút khỏi các cơ quan lãnh đạo cấp cao sau khi phạm sai lầm trong công tác quản lý. Sau những sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất được kết luận, ông Hoàng Quốc Việt đã xin rút khỏi Bộ Chính trị, ông Hồ Viết Thắng xin rút khỏi Ban Chấp hành Trung ương và đặc biệt, ông Trường Chinh xin từ chức Tổng Bí thư của Đảng...

Đề xuất một số giải pháp để gắn trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên với văn hóa từ chức

Để việc nêu gương và từ chức trở thành công việc bình thường của Đảng, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, mỗi cán bộ, đảng viên nêu gương trước hết ở việc trung thành với lý tưởng của Đảng, với mục tiêu và con đường cách mạng của Đảng. Từ trách nhiệm nêu gương, người cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, tự giác chấp hành Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không được vi phạm những điều đảng viên không được làm, không được vi phạm pháp luật; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với tinh thần, trách nhiệm gương mẫu của người đảng viên.

Hai là, bản thân mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự nêu gương về đạo đức, lối sống, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; không sa vào chủ nghĩa cá nhân, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí; không bị lợi ích vật chất cám dỗ, không bị chi phối bởi các nhóm lợi ích. Cán bộ, đảng viên của Đảng phải luôn luôn tâm niệm và thực hiện đúng lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm; việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng, nêu gương còn phải là gần dân, hiểu dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tham mưu ban hành và thực thi các chủ trương, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu, lợi ích chính đáng của nhân dân. Là chiến sĩ tiên phong, đảng viên của Đảng phải có lối sống khiêm tốn, giản dị, hòa đồng; phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau;...

Ba là, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo ở cương vị cao, phải là những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, năng động và sáng tạo, luôn đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân. Đặc biệt, khi tự mình thấy không có đủ năng lực và uy tín hoặc để xảy ra vụ, việc nghiêm trọng thuộc trách nhiệm lãnh đạo, quản lý thì nên chủ động từ chức.

Bốn là, để từ chức trở thành một nét văn hóa, thể hiện sự văn minh, lương tâm, trách nhiệm của một người cán bộ, đảng viên, cần thay đổi nhận thức của xã hội về vấn đề này. Do đó, phải đẩy mạnh tuyên truyền trong xã hội về văn hóa từ chức; khuyến khích sự tự nguyện từ chức và đánh giá cao những người có đủ dũng khí, lòng tự trọng, biết liêm sỉ tự nguyện từ chức, đồng thời định hướng dư luận xã hội không nên nặng nề đối với những người tự nguyện từ chức. Phải xem đó cũng là một hoạt động thực thi công vụ bình thường.

Như vậy, văn hóa từ chức là một văn hóa chính trị, văn hóa ứng xử dựa trên lương tâm và trách nhiệm. Khi những người lãnh đạo thấy mình có thiếu sót, khuyết điểm hoặc tự nhận thấy mình không còn xứng đáng đảm nhận được nhiệm vụ thì sẽ từ chức. Văn hóa từ chức cho thấy sự hiểu biết về bổn phận và trách nhiệm của người nắm giữ chức vụ; là một trong những biểu hiện sinh động, cụ thể và thiết thực nhất thể hiện một nhà lãnh đạo có liêm sỉ, trọng danh dự và dám chịu trách nhiệm. Khi những cán bộ cảm thấy mình không đủ uy tín, năng lực để đảm nhiệm nhiệm vụ, mà xin từ chức thì chính là phản ánh một nền chính trị văn minh dựa trên phẩm giá, lòng tự trọng và bản lĩnh của những nhà lãnh đạo thực sự có tâm huyết và đầy dũng khí. Điều này hoàn toàn tương phản với những người lãnh đạo cố “giữ ghế” cho đến cùng, dù dư luận bất bình và phản ứng. Và, việc thực hiện tốt nội dung nêu gương gắn với văn hóa từ chức chính là thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” với nội dung: “Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ”.

--------------------------------------

(1) Điều lệ Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 7
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t. 2, tr. 260
(3), (4), (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 249, 250, 251
(6) Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18-6-1997, của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”
(7) Quy định số 260-QĐ/TW, ngày 2-10-2009, của Bộ Chính trị, về “Việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ”
(8) Luật Cán bộ, công chức, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 11

Theo Tạp chí Cộng sản

Chia sẻ bài viết