27/02/2012 - 21:07

PHÁT TRIỂN TRỒNG RAU AN TOÀN

Gắn kết sản xuất và tiêu thụ

Sản xuất rau màu ở CLB sản xuất rau màu Nhơn Bình A ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền. Ảnh: V. CÔNG

Đáp ứng nhu cầu đòi hỏi chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng cao, sản xuất các loại rau màu theo hướng an toàn đã được các ngành chức năng ở TP Cần Thơ quan tâm và khuyến khích phát triển. Để tạo thuận lợi cho đầu ra sản phẩm rau an toàn (RAT), thành phố đang hướng đến việc hình thành các sản phẩm RAT có bao bì, thương hiệu...

* Sản xuất theo hướng an toàn

TP Cần Thơ hiện có khoảng 1.000 ha đất chuyên canh trồng rau màu và vài ngàn ha rau màu trồng luân canh với cây lúa hoặc các loại cây trồng khác. Năm 2011, toàn thành phố gieo trồng đạt hơn 7.000 ha rau màu các loại. Năm 2012, thành phố có kế hoạch sản xuất khoảng 9.000 ha và đến nay đã đạt 1.789 ha. Rau màu được trồng nhiều tại các quận Bình Thủy, Ô Môn, Cái Răng và huyện Phong Điền, Cờ Đỏ... Trong đó, diện tích tập trung nhiều tại các khu vực nằm trong vành đai xanh của thành phố thuộc quận Bình Thủy, Cái Răng và huyện Phong Điền. Trong những năm gần đây, thành phố đã quan tâm nhiều đến việc hướng dẫn nông dân sản xuất rau màu theo quy trình RAT và quy trình GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Theo đó, ngành nông nghiệp thường xuyên mở các lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật, quy trình sản xuất RAT, áp dụng sản xuất theo IPM, VietGap...; hướng dẫn nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cho phép và đảm bảo thời gian cách ly thuốc, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học và hạn chế dùng phân thuốc hóa học... Ngành nông nghiệp thành phố còn phối hợp với các sở ngành và viện trường thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm phát triển việc sản xuất RAT tại thành phố.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kiêm Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ, qua nhiều hoạt động tuyên truyền tập huấn, đến nay nông dân trồng rau màu tại thành phố đã thay đổi tích cực trong nhận thức và hành vi sản xuất. Bởi theo nhiều người dân, trồng rau theo hướng an toàn không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe người sản xuất, tiêu dùng mà còn giúp nâng cao hiệu quả sản xuất do giảm được lượng bón phân, thuốc trừ sâu... Qua kết quả kiểm tra của ngành nông nghiệp cho thấy, các mẫu rau màu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép đã giảm trong thời gian gần đây. Nếu các năm trước, có đến 17-18% mẫu rau lấy tại các vùng sản xuất rau, các chợ và siêu thị có dự lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, nay đã giảm chỉ còn khoảng 10%...

Dù có nhiều chuyển biến nhưng theo nhận định của ngành nông nghiệp, việc sản xuất RAT vẫn còn những hạn chế. Thành phố hiện chưa hình thành được các sản phẩm RAT có bao bì, thương hiệu và có chứng nhận... nên đầu ra sản phẩm gặp khó, người tiêu dùng còn khó phân biệt đâu là RAT và không an toàn. Ông Nguyễn Văn Lợt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Sản xuất rau màu Nhơn Bình A (ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền), cho biết: “CLB có 11 thành viên, với diện tích 3,5 ha trồng các loại rau như: cải bắp, cải làm dưa, đậu xanh, cà chua, mướp, dưa leo.... Thời gian qua, các thành viên trong CLB sản xuất rau màu theo hướng an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe cho mình và người sử dụng sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do sản phẩm làm ra chưa có bao bì, thương hiệu nên giá bán ngang bằng các loại sản phẩm thông thường, đôi lúc cũng gặp cảnh bấp bênh về đầu ra...”.

* Hướng đến xây dựng thương hiệu

TP Cần Thơ đang thực hiện dự án “Xây dựng quy trình đóng gói bảo quản, tồn trữ sản phẩm RAT theo quy mô nông hộ”, bắt đầu từ 2011-2013. Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, qua dự án này, thành phố sẽ phát triển được các sản phẩm RAT có thương hiệu, đồng thời gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ; giảm thất thoát sau thu hoạch do thời gian tồn trữ kéo dài, từ đó tăng được giá bán và thu nhập. Ngoài ra, để phát triển sản xuất RAT theo hướng bền vững, tới đây cùng với việc tiếp tục khuyến khích người dân áp dụng các quy trình sản xuất RAT, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp chặt hơn với các sở ngành có liên quan giúp nông dân giải quyết vấn đề đầu ra sản phẩm. Trong đó, sẽ quan tâm giúp cho các các nông hộ, tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất rau đạt theo các tiêu chuẩn và quy trình sản xuất RAT được cấp giấy chứng nhận cũng như xây dựng bao bì, thương hiệu sản phẩm.

Quận Bình Thủy hiện có khoảng 180 ha sản xuất rau màu chuyên canh tập trung ở 3 phường Long Tuyền, Long Hòa và Thới An Đông. Ngoài ra, trên địa bàn quận còn có một số diện tích trồng rau màu luân canh. Hàng năm, nông dân Bình Thủy gieo trồng trên 900 ha rau màu, chủ yếu là dưa hấu, bắp, đậu xanh, cà chua, dưa leo, khổ qua... Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận Bình Thủy, năm 2012, Bình Thủy sẽ triển khai sản xuất rau màu theo hướng VietGap ở 2 hợp tác xã (HTX) RAT (thuộc các phường Long Tuyền và Long Hòa). Vừa qua, quận đã triển khai làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu RAT cho HTX RAT Long Tuyền với Chi cục Nông lâm thủy sản TP Cần Thơ. Qua kiểm nghiệm đất và nước tại vùng sản xuất của HTX cho thấy đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất RAT. Ngoài ra, quận chọn HTX RAT Long Tuyền và HTX RAT ở phường Long Hòa để phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố triển khai dự án “Xây dựng quy trình đóng gói bảo quản, tồn trữ sản phẩm rau an toàn theo quy mô nông hộ” trong năm nay. Thông qua dự án này, xây dựng thương hiệu từng loại sản phẩm (chủ yếu trên dưa leo, cà chua ghép, khổ qua...) cho 2 HTX, đưa sản phẩm rau màu vào siêu thị, tiêu thụ dễ dàng hơn...

Hiện nay, đã có nhiều người tìm đến các sản phẩm RAT tại các siêu thị, các điểm bán RAT. Tuy nhiên, do chưa có điểm cung cấp RAT có thương hiệu nên nhiều siêu thị trên địa bàn thành phố phải nhập rau từ một số địa phương như: Tiền Giang, Hậu Giang... Chính vì vậy, việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu... cho các HTX RAT là cần thiết, không chỉ từng bước nâng cao giá trị rau màu mà còn giúp nông dân có nhiều kênh tiêu thụ hàng hóa, nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất.

VĂN CỘNG - ANH KHOA

Chia sẻ bài viết