03/01/2021 - 08:32

Gả bán con vì COVID-19 

“Con phải đến trường bây giờ. Con không muốn kết hôn rồi ở nhà” - Marie Kamara, một nữ sinh lớp 5 tại Sierra Leone, đã nói như thế với người hỏi cưới mình. Thế nhưng, áp lực tài chính mà đại dịch COVID-19 gây ra cho gia đình mạnh hơn ước muốn của cô bé. Người đàn ông hơn 20 tuổi này tuy không khá giả lắm nhưng có thể cung cấp gạo để nuôi 4 em gái của Kamara và cho phép gia đình cô sử dụng nguồn nước của họ. Vì thế, cha mẹ Kamara quyết định gả con với số tiền sính lễ 500.000 leone (khoảng 50USD).

Do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều gia đình ép con gái nghỉ học để kết hôn sớm.

Ðáng lo ngại là những trường hợp bị ép lấy chồng sớm như thế đang gia tăng trên thế giới. Trong những thập niên gần đây, nhiều quốc gia đã đạt được tiến bộ trong việc chống lại nạn tảo hôn cũng như các cuộc hôn nhân mang tính “gả bán”. Tuy nhiên, sự tàn phá kinh tế của đại dịch COVID-19 đã tạo ra một bước lùi đáng kể. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, những khó khăn do dịch bệnh sẽ khiến có thêm 13 triệu bé gái phải kết hôn trước tuổi 18.

Như tại Sierra Leone, tỷ lệ kết hôn trước tuổi 18 đã giảm từ 56% xuống 39% trong giai đoạn 2006-2017. Nhưng với việc trường học đóng cửa hồi tháng 3-2020 vì dịch bệnh, số vụ tảo hôn đã tăng lên khi các nữ sinh đi học xa quay về nhà. Tình cảnh tương tự cũng diễn ra ở Ấn Ðộ, khi mà lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn SARS-CoV-2 khiến hàng triệu lao động nhập cư nghèo mất việc ở các thành phố. Khi trường học đóng cửa và áp lực tài chính ngày một tăng, việc gả con sớm trở thành một lựa chọn để nhiều gia đình giảm gánh nặng cơm áo. Tổ chức ChildLine India ghi nhận 5.214 trường hợp kết hôn sớm chỉ trong 4 tháng phong tỏa, nhưng con số thực tế có thể còn cao hơn.

Mặc dù đa số những cuộc hôn nhân như vậy diễn ra trong bí mật, nhưng tổ chức Save the Children ước tính chỉ riêng năm 2020, có gần nửa triệu bé gái dưới 18 tuổi bị ép lấy chồng trên toàn cầu, với hầu hết diễn ra ở châu Phi và châu Á. Trong đa số trường hợp gả con, các gia đình túng thiếu thường nhận lại sính lễ - có thể là đất đai, gia súc, tiền mặt và lời hứa chu cấp tài chính cho cô dâu trẻ. Ðổi lại, cô gái sẽ đảm nhận công việc nội trợ và thường là cả việc đồng áng khi về nhà chồng.

Ðáng buồn là hành động can thiệp đôi khi chỉ hiệu quả ở việc ngăn chặn chứ chưa thể xử phạt các vụ tảo hôn, dù chúng bất hợp pháp. Ở nhiều quốc gia, tuổi hợp pháp để kết hôn là 19, nhưng thường có những “kẽ hở” luật pháp để cha mẹ đồng ý gả con trước tuổi.

Trong một vài trường hợp hiếm hoi, một số thiếu nữ đã thoát ra khỏi những cuộc tảo hôn nhờ sự hỗ trợ của người thân, dù sự giúp sức đó thường chỉ là tạm thời. Ðiển hình như trường hợp của Naomi Mondeh, cô gái người Sierra Leone đã chạy đến ở nhà người dì vì không chịu nổi cuộc sống khổ sở bên nhà chồng. Cha mẹ ép Mondeh kết hôn khi mới 15 tuổi vì lý do không còn khả năng cho cô đi học. Một thương gia người Liberia đã tặng một bao gạo 50kg để cưới cô. Nhưng khi về nhà chồng, Mondeh thường bị bỏ mặc một mình đến nỗi phải sống nhờ thức ăn từ hàng xóm. Giờ đây, cô kiên quyết kết thúc với chồng và đang học để trở thành thợ may.

NGUYỆT CÁT (Theo AP)

Chia sẻ bài viết