12/06/2020 - 09:35

EU tố Trung Quốc bóp méo thông tin 

EC nói Nga và Trung Quốc đang thực hiện “các chiến dịch gây ảnh hưởng và thông tin sai sự thật bên trong EU, các nước xung quanh và trên toàn thế giới”. Nga đã bị EU cáo buộc nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên cơ quan hành pháp của EU công khai chỉ đích danh Trung Quốc là nguồn phát tán tin giả, theo Guardian.

Do đó, EU kêu gọi các công ty truyền thông xã hội như Facebook, YouTube và Twitter công bố báo cáo hàng tháng về cách họ xử lý thông tin sai lệch về COVID-19.  Ngoài ra, EC mong muốn thúc đẩy hợp tác về chống thông tin sai lệch giữa các tổ chức thuộc EU cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7).

“Tôi tin rằng nếu chúng ta có bằng chứng, chúng ta không bỏ qua cho họ. Chúng tôi nhận rất nhiều lời cáo buộc rằng SARS-CoV-2 được phát tán từ các phòng thí nghiệm ở Mỹ cũng như những lời tán dương quá lố đối với sự hỗ trợ của Trung Quốc tại EU” - Věra Jourová (ảnh), Phó Chủ tịch EC phụ trách về các giá trị và sự minh bạch, phát biểu với phóng viên.

Thật vậy, kể từ khi nổ ra đại dịch COVID-19 đầu năm 2020, Trung Quốc đã tạo ra nhiều câu chuyện có lợi cho Bắc Kinh trên các nền tảng truyền thông xã hội phương Tây, rằng châu Âu và Mỹ thất bại trong việc đối phó với COVID-19; rằng Trung Quốc vượt qua dịch bệnh tốt hơn bất kỳ quốc gia nào khác; và Washington đã tạo ra SARS-CoV-2 dưới dạng vũ khí sinh học. Đặc biệt, các chính trị gia Pháp đã rất tức giận khi trang web của Đại sứ quán Trung Quốc đưa ra tuyên bố vào giữa tháng 4 - đỉnh điểm đại dịch COVID-19 tại châu Âu - rằng các nhân viên y tế xứ gà trống Gaulois đã tự ý bỏ việc, khiến bệnh nhân COVID-19 thiệt mạng. Không những vậy, một nhà ngoại giao Trung Quốc giấu tên còn “phao tin” 80 nhà lập pháp Pháp đã có những lời lẽ phân biệt chủng tộc đối với Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) người châu Phi Tedros Adhanom Ghebreyesus. Mareike Ohlberg, thành viên cao cấp tại Quỹ Marshall Đức, cho biết trong cuộc khủng hoảng COVID-19, các chiến thuật truyền bá thông tin sai lệch kiểu Nga rất được Trung Quốc “chuộng”.

Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell trong cuộc họp trực tuyến với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới đây nói rằng Trung Quốc có thể là “một đối thủ có hệ thống” đối với khối này nhưng Bắc Kinh không phải là mối đe dọa đối với hòa bình thế giới.  

Tuy nhiên, người phát ngôn của Phái đoàn Trung Quốc tại EU khẳng định: “Trung Quốc luôn phản đối việc bịa đặt và phổ biến thông tin sai lệch bởi bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào. Trung Quốc cũng là nạn nhân chứ không phải là nơi khởi xướng thông tin sai trái”. Theo người này, việc truyền bá tin giả và cáo buộc lẫn nhau sẽ không giúp ích gì trong cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch; cộng đồng quốc tế nên cùng nhau phản bác thông tin sai lệch, làm việc với nhau một cách thiện chí nhằm sớm vượt qua đại dịch và cùng nhau bảo vệ nền an ninh y tế công cộng toàn cầu.

TRÍ VĂN (Theo Politico, Guardian)

Chia sẻ bài viết