02/05/2022 - 19:36

EU nan giải bài toán năng lượng Nga 

ÐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Các bộ trưởng năng lượng của 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 2-5 có cuộc họp khẩn cấp tại Brussels (Bỉ) nhằm tìm kiếm tiếng nói chung trong vấn đề thanh toán khí đốt bằng đồng ruble trước nguy cơ Nga “khóa van” các đường ống khí đốt như đã làm đối với  Bulgaria và Ba Lan hồi tuần trước.

Một kho dự trữ dầu mỏ tại Mỹ.

Ngoài việc phải quyết định thanh toán khí đốt bằng đồng ruble, EU cũng đang “đau đầu” với đề xuất cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga. Trước khi cuộc chiến Nga - Ukraine bắt đầu từ ngày 24-2, EU phụ thuộc khoảng 40% khí đốt thiên nhiên, 27% dầu mỏ và 46% than đá từ Nga. Hôm 7-4, trong gói trừng phạt thứ 5 đối với Mát-xcơ-va, Brussels đã thông qua quyết định cấm nhập khẩu than đá có giá trị hơn 4 tỉ euro/năm của Nga nhưng lệnh này chỉ có hiệu lực từ tháng 8-2022.

Vào ngày 4-5, các đại sứ trong EU sẽ thảo luận gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, mà trọng tâm là lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ. Trong 2 tháng qua, EU đã cắt giảm lượng nhập khẩu dầu mỏ và than đá của Nga lần lượt là 20% và 40%. Chẳng hạn, nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Ðức chỉ còn nhập khẩu 12% dầu mỏ và 8% than đá của Nga. Nga cả khí đốt thiên nhiên, Berlin đã giảm nhập khẩu từ mức hơn 50% xuống còn 35% nhờ được tăng nguồn cung từ Na Uy và Hà Lan.

Tuy nhiên, những nước có vị trí địa lý không thuận lợi và có cơ sở hạ tầng dầu mỏ tương thích với Nga như Hungary, Slovakia lại khó tìm kiếm nguồn cung thay thế. Vì vậy, Hungary vốn phụ thuộc đến 85% khí đốt và 65% dầu mỏ của Nga đã tuyên bố sẽ phủ quyết bất kỳ lệnh nhập khẩu năng lượng nào và sẵn sàng thanh toán khí đốt bằng đồng ruble theo yêu cầu của Mát-xcơ-va.

Có một thực tế khác là dù nhiều nước EU chủ động giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga kể từ ngày 24-2, nhưng theo số liệu của Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA), giá trị nhập khẩu năng lượng từ Nga của EU trong 2 tháng qua lên tới 44 tỉ euro, tức tăng vọt hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Giá nhiên liệu tăng cao là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.

Trong bối cảnh đó, Hãng tin AFP dẫn lời các nhà ngoại giao châu Âu cho biết lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga sẽ được áp dụng trong vòng từ 6-8 tháng nhằm tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên có thời gian đa dạng hóa nguồn cung dầu mỏ. Lệnh cấm này vẫn cần sự nhất trí của các quốc gia thành viên EU để được thông qua. Lệnh cấm vận dầu mỏ được coi là biện pháp trừng phạt quan trọng nhất trong gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga.

Bên cạnh đó, gói thứ 6 cũng sẽ bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với ngân hàng lớn nhất của Nga, Sberbank, vốn chiếm 37% hoạt động ngân hàng của Nga, cũng như các biện pháp bổ sung đối với những quan chức cấp cao của Nga.

Tuy nhiên, trong khi Ðức - một trong những nước mua dầu mỏ nhiều nhất của Nga - dường như sẵn sàng chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vào cuối năm 2022, các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia nằm ở khu vực Nam Âu, vẫn có sự e dè, lo ngại rằng lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga sẽ làm tăng giá cả, khi giá tiêu dùng đang tăng mạnh do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine.

Ngoại trưởng Sergei Lavrov vừa cáo buộc hơn 300 tỉ USD của Nga, phần lớn trong số đó là tiền thanh toán cho việc giao nhận dầu mỏ và khí đốt, đã bị “đánh cắp” khi các nước phương Tây tịch thu số tiền dùng để trả cho khí đốt của Nga. Theo ông Lavrov, các hợp đồng được ký trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine quy định các khoản thanh toán bằng USD và euro. Các khoản thanh toán này được chuyển trực tiếp vào tài khoản của tập đoàn dầu khí Nga Gazprom và được giữ lại trong các ngân hàng phương Tây. Do đó, Nga đã quyết định yêu cầu thanh toán việc mua khí đốt của Nga bằng đồng ruble để ngăn chặn xảy ra tình trạng trên. EU cho rằng hình thức thanh toán này vi phạm các biện pháp trừng phạt của họ đối với Mát-xcơ-va.

Chia sẻ bài viết