05/07/2021 - 09:27

Dùng công nghệ để chống tự sát 

Các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Seoul và dịch vụ khẩn cấp Hàn Quốc đang nỗ lực phát triển công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ tự tử.

Viện Công nghệ Seoul cho biết hệ thống AI mà họ đang phát triển sẽ học các dạng hành vi bằng cách phân tích dữ liệu từ camera, cảm biến và hồ sơ điều động cứu hộ kể từ tháng 4-2020. Dựa trên thông tin từ nhiều giờ quay của hệ thống camera an ninh và đánh giá các chi tiết như sự lưỡng lự của một người nào đó, AI có thể dự đoán tình huống nguy hiểm và ngay lập tức báo cho lực lượng cứu hộ. Dự kiến, Sở chỉ huy thảm họa và cháy nổ Seoul sẽ thử nghiệm công nghệ mới từ tháng 10 năm nay.

Kim Hyeong-gil, trưởng Đoàn cứu hộ dưới nước Yeouido, theo dõi hình ảnh từ hệ thống camera giám sát những cây cầu bắc qua sông Hàn, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Kim Hyeong-gil, trưởng Đoàn cứu hộ dưới nước Yeouido, theo dõi hình ảnh từ hệ thống camera giám sát những cây cầu bắc qua sông Hàn, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Hàn Quốc, với dân số 52 triệu người, có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế. Theo dữ liệu của chính phủ, có hơn 13.700 người đã tự kết liễu đời mình trong năm 2019. Trong khi đó, chính quyền thủ đô Seoul mỗi năm ghi nhận gần 500 vụ tự tử trên 27 cây cầu bắc qua sông Hàn dài 500km.

Hướng đi của giới nghiên cứu Israel, Mỹ

Cũng trong nỗ lực ngăn chặn nạn tử tự, các nhà nghiên cứu Israel đã phát triển công nghệ ứng dụng AI tiên tiến để phát hiện sớm những người có suy nghĩ dại dột.

Theo đó, nhóm nghiên cứu tại Viện Công nghệ Technion và Ðại học Hebrew xây dựng bộ công cụ mới có thể nhận diện những dấu hiệu ban đầu về ý định tự tử đối với toàn bộ người dân bằng cách phân tích tự động nội dung những bài viết mà chủ nhân đăng tải trên mạng xã hội. Nhóm nghiên cứu đánh giá hơn 80.000 bài viết của người trưởng thành đăng trên Facebook và so sánh cách sử dụng từ ngữ với một bảng đánh giá tâm lý phức tạp. Bộ công cụ này cho kết quả phân tích bất ngờ, những người có ý định tự tử ít khi sử dụng những từ ngữ mang tính cảnh báo một cách rõ ràng trong những bài viết. Thay vào đó, họ sử dụng những từ ngữ mang tính bi quan như chửi mắng, thể hiện cảm xúc đau buồn hoặc mô tả trạng thái tâm lý tiêu cực.

Giới nghiên cứu Israel hy vọng công cụ mới được ứng dụng rộng rãi sẽ góp phần giảm tỷ lệ tự tử tại quốc gia 9 triệu dân này. Mỗi năm, Israel ghi nhận khoảng 300-400 ca tử vong do tự sát và hơn 6.000 người tìm cách tự tử.

Trong khi đó ở Mỹ, Trung tâm y tế thuộc Ðại học Vanderbilt (VUMC) cũng đã thử nghiệm thuật toán máy học VSAIL có khả năng dự đoán nguy cơ tự tử. VSAIL sử dụng thông tin thường quy từ hồ sơ sức khỏe điện tử để tính toán nguy cơ bệnh nhân thực hiện hành vi tự tử và rộng hơn là ý định tự sát.

Trong cuộc thử nghiệm đối với khoảng 78.000 người đến khám tại VUMC hồi năm ngoái, thuật toán chia bệnh nhân thành 8 nhóm theo điểm số rủi ro tự tử. Kết quả, cứ 23 người trong nhóm mà thuật toán coi là có nguy cơ cao thì có 1 trường hợp nói rằng có ý định tự tử và cứ 271 người thì có 1 người thực hiện hành vi này. “Mô hình VSAIL là bước đầu tiên trong quá trình sàng lọc tự tử, nhằm chỉ ra bệnh nhân nào nên thực hiện các bước kiểm tra kỹ hơn”. Giáo sư Colin Walsh tại VUMC,  chia sẻ.

Ước tính, cứ 100.000 người Mỹ thì có 14 người tự tử mỗi năm, trở thành nguyên nhân gây tử vong cao thứ 10 ở nước này và khoảng 8,5% các nỗ lực tự tử dẫn đến cái chết. Còn theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 đối với lứa tuổi 15-29 tuổi, chỉ sau tai nạn giao thông. Gần 800.000 người chết vì tự tử mỗi năm, nhiều hơn số người thiệt mạng vì sốt rét, ung thư vú, chiến tranh hoặc do giết người.

Số vụ cứu hộ ở Seoul trong năm 2020 đã tăng khoảng 30% so với năm 2019, trong đó các vụ tự tử chủ yếu rơi vào nhóm người trong độ tuổi 20-30. Nguyên nhân của tình trạng này có liên quan đến đại dịch COVID-19 khi phong tỏa biên giới, giãn cách xã hội đã gây khó khăn cho nền kinh tế, gia tăng áp lực trong cuộc chiến tranh giành việc làm.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, medicalxpress)

Chia sẻ bài viết