31/12/2024 - 19:59

Đức chỉ trích tỉ phú Elon Musk “tác động chính trị” 

Theo cáo buộc, tỉ phú Mỹ Elon Musk đang cố gắng tác động cuộc bầu cử của Ðức dự kiến diễn ra vào tháng 2 thông qua các bài viết “vô nghĩa” ủng hộ phe cực hữu ở nước này.

Tỉ phú Elon Musk xuất hiện trên Đồi Capitol.

Ngày 27-12, Tổng thống Ðức Frank-Walter Steinmeier giải tán Hạ viện để mở đường cho cuộc bầu cử trước thời hạn vào ngày 23-2-2025 sau sự sụp đổ của chính phủ liên minh trung tả của Thủ tướng Olaf Scholz.

Trong bài phát biểu toàn quốc khép lại một năm bất ổn về kinh tế - chính trị, Thủ tướng Scholz cho biết “đoàn kết mạnh mẽ” có thể biến năm 2025 thành năm tốt đẹp. Ông cũng khẳng định hướng đi tiếp theo của nước Ðức từ bây giờ sẽ do chính người dân quyết định, thay vì “những người sở hữu các kênh truyền thông xã hội”. Tuyên bố này rõ ràng nhắm vào tỉ phú giàu nhất thế giới Elon Musk, người đang bị cáo buộc cố gắng can thiệp chính trường Ðức.

Cơn bão phẫn nộ

Giữa tháng 12, chính trị gia các đảng lớn ở Ðức phản ứng gay gắt sau khi tỉ phú Musk viết trên mạng xã hội X rằng chỉ đảng cực hữu Sự lựa chọn khác cho nước Ðức (AfD) mới có thể “cứu nước này”. Ông Musk còn chỉ trích Chủ tịch đảng Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) Friedrich Merz, người được cho đang trên đường trở thành thủ tướng tiếp theo của Ðức, vì từ chối hợp tác với AfD. Bất chấp làn sóng phản đối, người ủng hộ chủ chốt của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tiếp tục ca ngợi AfD trong bài xã luận đăng trên tờ báo bảo thủ Ðức Welt am Sonntag vào ngày 28-12. Ông viết rằng đảng dân túy cực hữu là “tia hy vọng cuối cùng” cho đất nước đang bên bờ vực “sụp đổ về kinh tế và văn hóa”; rằng chỉ AfD mới vực dậy kinh tế Ðức và ngăn chặn tình trạng “mất bản sắc” thông qua chính sách nhập cư có kiểm soát.

Các bình luận trên ngay lập tức khiến chính trường Ðức phẫn nộ. Phát ngôn viên của Chính phủ Ðức, Christiane Hoffmann, khẳng định bầu cử liên bang là vấn đề của người Ðức và “có một sự thật là Elon Musk đang cố gây ảnh hưởng đến sự kiện này”. Lãnh đạo đảng đối lập CDU Friedrich Merz thì chỉ trích thái độ ủng hộ của tỉ phú Mỹ đối với AfD là “sự can thiệp tự phụ” và chưa từng có trường hợp nào nhắm vào chiến dịch bầu cử của một nước đồng minh như vậy trong lịch sử nền dân chủ phương Tây. Chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (SPD) Lars Klingbeil thậm chí so sánh ông Musk với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi cáo buộc cả 2 muốn “nhấn chìm nước Ðức vào hỗn loạn” thông qua việc ủng hộ đảng thù địch với nền dân chủ như AfD. Qua đây, ông Klingbeil kêu gọi hành động nhiều hơn nữa ở cấp độ châu Âu để hạn chế quyền lực chính trị của các nền tảng mạng xã hội lớn như X. Trước đó, tỉ phú Musk nhiều lần sử dụng X để tấn công cá nhân Thủ tướng Scholz. Trong cảnh báo, Chủ tịch Hiệp hội nhà báo Ðức Mika Beuster lưu ý các tòa soạn không nên và không được phép để mình bị lợi dụng làm cơ quan ngôn luận cho những kẻ chuyên quyền và đồng minh của họ.

Trong tuyên bố tự tin, CEO của Tesla nói rằng các khoản đầu tư đáng kể ở Ðức đã cho ông quyền bình luận về tình hình của nước này. Ðáp lại, phát ngôn viên Hoffmann cho biết ông Musk có quyền tự do bày tỏ quan điểm của mình, kể cả những điều vô nghĩa nhưng không phải chia sẻ nó theo cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử quốc hội. Bà cũng chỉ ra sự ủng hộ của ông Musk đối với AfD là khuyến nghị cử tri đi bỏ phiếu cho một đảng đang bị cơ quan tình báo Ðức theo dõi vì nghi ngờ cánh hữu cực đoan. Hiện tại, AfD đứng thứ hai trong các cuộc thăm dò ý kiến ​và có thể ngăn chặn được đa số trung hữu hoặc trung tả trong cuộc bầu cử. Các đảng chính thống của Ðức đã cam kết không hợp tác với AfD ở cấp quốc gia.

Elon Musk được lợi gì từ việc này?

Theo trang tin Deutsche Welle, động thái của tỉ phú Musk trước hết và trên hết đều tính toán lợi ích kinh tế riêng. Ðơn cử như trong bài xã luận vừa rồi, người đàn ông giàu nhất thế giới ca ngợi cách tiếp cận “giảm sự quản lý quá mức của chính phủ, giảm thuế và bãi bỏ quy định thị trường” của AfD. Theo kế hoạch này, nhà máy sản xuất ô tô điện đầu tiên của Tesla ở ngoại ô Berlin là bên được hưởng lợi lớn nhất.

Ngoài ra, với 200 triệu người theo dõi trực tuyến trên toàn thế giới, ông Musk hiện được coi là người thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị toàn cầu của các lực lượng cánh hữu. Trong bối cảnh đó, sự ủng hộ dành cho AfD ở Ðức có thể mở rộng cơ hội cho phe cực hữu tăng cường khả năng hiển diện và hợp pháp hóa quan điểm của họ.

MAI QUYÊN (Theo CNN, CNA)

Chia sẻ bài viết