03/01/2025 - 11:34

Nỗ lực làm mới “Kính vạn hoa” 

Bộ truyện thiếu nhi nổi tiếng “Kính vạn hoa” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng được chuyển thể thành phim truyền hình và trở thành tác phẩm khó quên với nhiều người. Nay, đạo diễn Võ Thanh Hòa chọn 2 câu chuyện tiêu biểu để chuyển thể thành phim điện ảnh với tên gọi “Kính vạn hoa: Bắt đền con ma”. Với nỗ lực làm mới bằng hình ảnh đẹp mắt, bối cảnh chỉn chu, cốt truyện có sáng tạo thêm, phim mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.

Các nhân vật Quý ròm, Tiểu Long, Lượm và Hạnh trong một cảnh phim.

Kết hợp 2 tập truyện “Bắt đền hoa sứ” và “Con mả con ma”, phim không kể lại câu chuyện theo diễn tiến thông thường mà có sự đổi mới. Ðó là cho bộ 3 nhân vật Quý ròm - Tiểu Long - Hạnh, giờ đã trưởng thành và đang gặp nhiều khó khăn trong
sự nghiệp.

Khi nghe tin cây phượng ở trường cấp II sắp bị đốn hạ, họ quay lại trường xưa để ngăn cản vì cây phượng gắn liền rất nhiều kỷ niệm đẹp. Từ đây, cả 3 nhớ lại hồi ức 20 năm trước, vào năm 2004 và tại sao cây phượng lại quý giá với họ như vậy.

Khán giả quay về quá khứ khi bộ 3 về quê Tiểu Long (Nhật Linh) chơi trong dịp hè. Trong chuyến hành trình, Hạnh (Phương Duyên) và Quý ròm (Hùng Anh) đều có dự định riêng và có nhiều trải nghiệm thú vị ở nơi này. Ðặc biệt, việc đụng độ băng đảng của Tắc Kè Bông cũng như điều tra về “con ma” trên đồi Cắt Cỏ khiến chuyến nghỉ hè thêm phần đáng nhớ!

Sự hài hước, dí dỏm về tình tiết và tính cách các nhân vật là đặc trưng trong các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Yếu tố này tiếp tục được phát huy trong bản điện ảnh, mang lại sự thư giãn và nhiều tiếng cười vui vẻ cho khán giả. Về nội dung, phim có sự thêm thắt, sáng tạo một số chi tiết ở đầu và cuối phim để đẩy kịch tính lên cao trào, nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần, thông điệp của tác phẩm gốc là đề cao tình bạn, tình thân gia đình và những bài học cuộc sống.

Ðiểm mạnh nhất của phim chính là phần hình ảnh, bối cảnh. Khán giả thích thú trước những khung hình được quay, dựng chỉn chu; những góc máy cao, sâu, rộng, thu trọn bối cảnh vùng quê miền Trung yên bình, đẹp mắt: những cánh đồng lúa xanh ngút ngàn, thẳng cánh cò bay, đồi núi chập chùng, suối chảy róc rách, vườn cây trĩu quả… Ngoài ra, những chi tiết gợi nhắc hoài niệm thời đó như cải lương, phim ảnh, trò chơi điện tử... được cài cắm trong một số tiểu tiết khiến các thế hệ 7X, 8X bồi hồi nhớ về một thời đã xa. Nét văn hóa địa phương cũng được khắc họa rõ nét qua các món ăn dân dã, các trò chơi của trẻ quê, đến lễ hội Kỳ yên cầu mưa thuận gió hòa tại đình làng… Nhạc phim, ca khúc trong phim cũng rất phù hợp, làm tăng hiệu ứng và đẩy cảm xúc người xem trong những phân cảnh hồi hộp, căng thẳng hay xúc động, lãng mạn.

Ðặc biệt, nhà sản xuất mời lại dàn diễn viên cũ, nổi tiếng với bản phim truyền hình gồm: Vũ Long (Tiểu Long), Ngọc Trai (Quý ròm) và Anh Ðào (Hạnh) trong vai 3 nhân vật chính khi lớn. Tuy chỉ là vai phụ nhưng họ có vai trò kết nối giữa hiện tại và quá khứ, đồng thời, nhắc nhớ về những nhân vật từng “làm mưa làm gió” trên truyền hình một thời. Các diễn viên mới cũng đã nỗ lực để hoàn thành tốt vai diễn, tái hiện lại một Tiểu Long nghĩa khí, một Quý ròm thông minh và một Hạnh dễ thương, hiểu biết. Ở tuyến vai phụ, các nhân vật: thằng Lượm, Tắc Kè Bông hay Dế Lửa lại thể hiện thế mạnh riêng, tạo được ấn tượng tốt với khán giả.

Với những ai chưa xem bản truyền hình thì bản điện ảnh là một bộ phim hay, dễ thương. Nhưng với những người đã yêu thích bản truyền hình thì có lẽ bản điện ảnh vẫn còn những hạn chế về diễn xuất, lời thoại, tình tiết… Tuy nhỏ thôi nhưng vẫn khiến bộ phim chưa được trọn vẹn như kỳ vọng.

CÁT ÐẰNG

Chia sẻ bài viết